Chiều nay (6/11), thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ xây dựng Trịnh Đình Dũng, đã trình bày Tờ trình về Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi). Một trong những thay đổi căn bản của Dự thảo Luật là việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Dự Luật, bao gồm cả “hoạt động đầu tư xây dựng”.
Trong quá trình góp ý xây dựng, một số ý kiến cho rằng đây là quan điểm đúng đắn. Vì đầu tư là giai đoạn không thể tách rời trong các dự án xây dựng công trình. Do đó, Luật Xây dựng (sửa đổi) cần điều chỉnh xuyên suốt toàn bộ quá trình bỏ vốn tiến hành các hoạt động xây dựng bao gồm quy hoạch, lập dự án đầu tư, khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát, quản lý dự án đầu tư cho đến nghiệm thu, bàn giao đưa công trình xây dựng vào khai thác,sử dụng..., với mọi loại nguồn vốn đầu tư khác nhau.
Tuy nhiên, cũng có nhiều quan điểm phản đối. Bởi nếu dự thảo Luật bao gồm cả hoạt động đầu tư xây dựng chỉ phù hợp khi hệ thống pháp luật của Nhà nước ta chưa có các luật liên quan đến xây dựng như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu… Do đó, đề nghị phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật chỉ quy định về hoạt động xây dựng như là một công đoạn để triển khai thực hiện dự án đầu tư có xây dựng, không bao hàm nội dung đầu tư xây dựng nói chung.
Ủy ban KH,CN&MT cơ bản tán thành với loại ý kiến thứ nhất vì cho rằng vấn đề này đã được Chính phủ xem xét, xử lý trong quá trình soạn thảo các dự án Luật và đề nghị cần phân định rõ hơn khái niệm hoạt động đầu tư xây dựng và hoạt động xây dựng. Do có nhiều trường hợp hoạt động xây dựng không nhất thiết phải gắn với “quá trình bỏ vốn”. Đồng thời, xem xét bổ sung phạm vi điều chỉnh bao gồm cả quản lý nhà nước về hoạt động xây dựng và công trình xây dựng để phù hợp với các nội dung đã được quy định trong dự thảo Luật.
Về giấy phép xây dựng, trên cơ sở quy định về giấy phép xây dựng của Luật xây dựng hiện hành, Chương V của dự thảo Luật đã được bổ sung cụ thể hơn một số quy định về các trường hợp phải xin cấp giấy phép xây dựng, điều kiện cấp giấy phép xây dựng, giấy phép xây dựng tạm, trách nhiệm của cơ quan cấp giấy phép xây dựng, quyền và nghĩa vụ của người xin cấp giấy phép xây dựng...
Ủy ban KH,CN&MT cho rằng, việc quy định chặt chẽ hơn về cấp giấy phép xây dựng là cần thiết để làm cơ sở cho việc quản lý xây dựng công trình nhưng cũng cần bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi tổ chức, cá nhân trong quá trình xin cấp giấy phép xây dựng; thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Ý kiến của cơ quan thẩm tra đề nghị Ban soạn thảo rà soát, bổ sung quy định một số điều, khoản cụ thể nhằm bảo đảm tính khả thi, tránh tùy tiện khi hướng dẫn, thực hiện pháp luật; nghiên cứu bổ sung các quy định làm rõ trình tự, thủ tục, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có liên quan, đáp ứng yêu cầu của chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước. Cần quy định nguyên tắc riêng về điều kiện, hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng theo giai đoạn, theo công trình, làm rõ quy định cấp giấy phép với từng loại công trình
Sau Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, Ủy ban KH,CN&MT sẽ phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan có liên quan để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật cũng như chỉnh sửa về kỹ thuật lập pháp trình Quốc hội xem xét, thông qua.