Chị ấy không được khỏe mạnh, nhanh nhẹn nên không có điều kiện thuê nhà ra ở riêng; quê lại ở xa nên không thể về nhà cha mẹ đẻ tá túc, cũng không có người thân nào để nương nhờ. Nơi chị tôi sống cũng không có “Ngôi nhà bình yên” để có thể xin tạm lánh. Xin luật sư cho biết trong hoàn cảnh này chị tôi có thể đến cơ sở nào để xin trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình? (chị Hoài Anh ở Thanh Hóa)
Trả lời:
Mô hình “Ngôi nhà bình yên” mới được xây dựng thí điểm ở một vài tỉnh để hỗ trợ phụ nữ và trẻ em là các nạn nhân bị xâm hại tình dục, bạo hành gia đình và bị buôn bán. Hiện các mái ấm này vẫn tiếp nhận các nạn nhân ở địa phương khác tới.
Tuy nhiên, như bạn trình bày thì chị bạn có một số hạn chế như không được khỏe mạnh, nhanh nhẹn, lại đang chờ làm thủ tục ly hôn tại địa phương nên chắc cũng khó có điều kiện tiếp cận sự trợ giúp từ “Ngôi nhà bình yên”.
Vậy các nạn nhân bị bạo hành gia đình có thể tìm sự trợ giúp ở những cơ sở nào trong xã hội? Theo quy định tại Điều 26 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình thì:
“1. Cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình là nơi chăm sóc, tư vấn, tạm lánh, hỗ trợ những điều kiện cần thiết khác cho nạn nhân bạo lực gia đình.
2. Cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình bao gồm:
a) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
b) Cơ sở bảo trợ xã hội;
c) Cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình;
d) Cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình;
đ) Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng.”
Như vậy, ngoài việc nhờ sự trợ giúp của các cơ sở (thực chất là các cơ quan chức năng hữu quan), chị bạn còn có thể trình bày hoàn cảnh và nhờ sự giúp đỡ ở những địa chỉ tin cậy trong cộng đồng. Đó là cá nhân, tổ chức có uy tín, khả năng và tự nguyện giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình tại cộng đồng dân cư; có thể là nhà văn hóa thôn, nhà sinh hoạt của tổ dân phố hoặc cũng có thể một gia đình ai đó tốt bụng và an toàn… Mong chị của bạn được bình an!