Theo di nguyện, chiều 1/2 di hài của ông được đưa về Đà Lạt và tang lễ sẽ được tổ chức tại nhà riêng trên “thành phố hoa” từ ngày 3 - 6/2/2015.
“Có cảm giác mình là công dân Việt Nam hơn là người Hà Lan”
Cho tới bây giờ, dường như kỷ niệm những lần gặp gỡ, phỏng vấn Thomas Hooft trong tôi vẫn còn tươi nguyên. Lần đầu tôi được gặp ông là vào năm 1996, thông qua người bạn là kỹ sư Nguyễn Dũng. Cả hai đã hết lòng giúp đỡ tôi viết những bài báo đầu tiên về Dalat Hasfarm cũng như hoàn thành tập sách in song ngữ Việt –Anh mang tên: “Bí mật thành phố hoa Đà Lạt” (The secrets of the Flower city of Dalat) xuất bản năm 2000.
Trò chuyện với tôi, Thomas Hooft thổ lộ, ông sinh năm 1948 tại Zwolle, Hà Lan. Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành hoa, ông khởi nghiệp từ một vườn ươm giống ở Moerheim (Hà Lan). Sau đó, ông gia nhập Ballast Nedam - một công ty của Hà Lan chuyên xây dựng các dự án dân cư lớn ở Ả Rập Xê-út. Tại đây ông được giao đảm trách mảng cảnh quan. Năm 1989, ông đến châu Á và làm tại Công ty Hasfarm ở Indonesia với vị trí Giám đốc Dự án trồng hoa. Đây là thời gian đã cho Thomas Hooft khá nhiều kinh nghiệm về trồng hoa để mang đến Việt Nam nhằm thành lập và lãnh đạo Công ty Dalat Hasfarm vào năm 1994.
Ông Thomas Hooft được trao danh hiệu nghệ nhân trồng hoa |
Năm 2005 Đà Lạt tổ chức Festival Hoa lần thứ 2, Thomas Hooft vinh dự được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” và “Nghệ nhân trồng hoa” của “thành phố hoa” Đà Lạt.
Khi báo chí phỏng vấn, ông vẫn nở một nụ cười hiền lành, thân thiện và khiêm tốn trả lời: “Đó là chuyện hiếm, là niềm vinh hạnh lớn lao. Tôi rất hãnh diện khi được phát biểu trong cuộc gặp mặt Chủ tịch nước Việt Nam. Giờ phút đó tôi có cảm giác như mình là công dân Việt Nam hơn là người Hà Lan. Tuy nhiên, cũng cần nói rõ rằng danh hiệu đó có được từ sự đóng góp của mọi người trong công ty mà tôi là người đại diện”.
Ngày 20/10/1994, công trình trồng hoa trong nhà kính làm bằng gỗ phủ plastic đầu tiên của Đà Lạt được Thomas, Nguyễn Dũng và các đồng sự khởi công xây dựng trên diện tích đất 2,5ha nằm ở đường Nguyên Tử Lực để trồng thử nghiệm các loài hoa. Đó là những loại hoa Cẩm chướng, hồng, lyly, cúc, gysophila, sao tím, tuylipe…bằng các giống mới nhập về, mở ra một hướng đi mới cho nghề trồng hoa của Đà Lạt vốn bao đời “trồng hoa trên đất, phó mặc cho trời”, nhưng lúc ấy nhiều người cho rằng hình như Thomas Hooft… bị “điên”!
Nhưng rồi tháng 6/1995, lô hàng hoa đầu tiên mang tên Dalat Hasfarm lên đường xuất ngoại sang Hồng Kông và thành công ngoài mong đợi, vì được khá nhiều khách hàng nước ngoài ưa chuộng. “Đất lành hoa nở”, từ chỗ chỉ có vỏn vẹn hơn 2,5ha hoa, 40 công nhân, sản lượng hoa sản xuất 270.000 cành/năm thuở ban đầu, đến năm 2015 Dalat Hasfarm đã có trong tay một cơ ngơi bề thế với trên 300ha hoa và hơn 1.000 công nhân, xuất khẩu hàng chục triệu cành hoa mỗi năm sang các nước: Nhật Bản, Úc, Singapore, Thái Lan… chiếm gần 50% diện tích và sản lượng hoa xuất khẩu của Đà Lạt, thu về hàng trăm triệu USD. Một mạng lưới phân phối hoa Dalat Hasfarm phát triển rộng khắp từ Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng đến tận TP.HCM, Vũng Tàu, Bình Dương…
Đau đáu với bản quyền giống hoa Việt
Không dừng lại ở kỹ thuật trồng hoa làm bằng gỗ phủ plastic thuở sơ khai, hôm nay Dalat Hasfarm đã xây dựng được cả một hệ thống nhà kính khung thép điều khiển hoàn toàn tự động bởi máy đo tốc độ gió, độ ẩm, phun thuốc trừ sâu, phân bón theo một chương trình vi tính được thiết lập.
Một hệ thống kho lạnh, bảo quản, đóng gói; hệ thống xe lạnh và vận chuyển hoa bằng đường hàng không đã ra đời. Mô hình trồng hoa trong nhà kính của Dalat Hasfarm được nhân rộng không chỉ trong nông dân Đà Lạt mà cả vùng phụ cận, mang lại hiệu quả cao mà trong đó Dalat Hasfarm như một đầu tàu của cả đoàn tàu đang khởi động.
Còn nhớ khi trò chuyện với Thomas Hooft, tôi đã đặt câu hỏi: “Giải pháp nào giúp Dalat Hasfarm phát triển như hôm nay?”. Rất thật, Thomas Hooft trả lời: “Ban đầu chúng tôi nhập các chủng loại hoa, cây giống hoa mới từ Hà Lan và một số nước khác ở châu Âu về để trồng thử nghiệm, lựa chọn những giống thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu nhằm tạo ra nguồn gen phong phú và quý giá cho Đà Lạt. Sau đó đầu tư nghiên cứu, sản xuất những giống hoa mới, sản phẩm mới.
Năm nào Dalat Hasfarm cũng đưa ra thị trường những giống hoa mới, mang tính cạnh tranh cao. Gần đây, chúng tôi còn xuất khẩu cây giống sản xuất tại Đà Lạt ra nước ngoài. Công ty đã ký hợp đồng bảo vệ bản quyền cây giống quốc tế nên ai muốn tiếp nhận giống đó phải trả tiền. Tôi nghĩ, nếu muốn phát triển và hội nhập, Việt Nam phải chú trọng vấn đề bản quyền cây giống hoa”.
Thomas Hooft cũng dành lời khuyên hết sức chí tình cho các nhà đầu tư rằng: “Phải hiểu biết, tôn trọng luật lệ của đất nước mình đang sống; gần gũi học hỏi những người xung quanh để mỗi ngày một trưởng thành hơn; không bao giờ dừng lại, không bao giờ bằng lòng với bản thân mình. Trong đó, đặc biệt quan trong việc nhà đầu tư xây dựng kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế và quy hoạch phát triển của địa phương”.
Sau hàng chục năm lãnh đạo Dalat Hasfarm, năm 2012 Thomas Hooft quyết định nghỉ hưu để sống quãng đời còn lại bên cạnh người vợ Việt Nam dịu dàng tên Đoan Trang trong căn nhà ở số 24 đường Sương Nguyệt Anh, phường 10, Đà Lạt. Di nguyện được nằm lại trên mảnh đất hoa của Thomas Hooft cho thấy ông đã thực sự không thể tách rời hồn hoa Đà Lạt. Và người Việt không bao giờ quên ông là một nghệ nhân đã góp phần đưa Đà Lạt lên vị trí “thành phố hoa” của Việt Nam như ngày nay./.