Từ lâu Đà Lạt đã được du khách phong tặng danh hiệu “Thành phố ngàn hoa”, vì không có nơi nào trồng nhiều hoa và cho hoa đẹp bằng Đà Lạt. Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định công nhận Đà Lạt là “Thành phố Festival Hoa” của Việt Nam…
Nghề trồng hoa
Nghề trồng hoa ở Đà Lạt được hình thành vào năm 1938, khi ông Hoàng Trọng Phu mộ dân từ tỉnh Hà Đông (Bắc bộ) vào Đà Lạt và lập nên ấp Hà Đông nhằm trồng rau, hoa cung cấp cho thành phố. Chính vì thế, ngày nay chính quyền địa phương công nhận Hà Đông là làng hoa đầu tiên của Đà Lạt, sau đó mới đến các làng hoa khác như: Vạn Thành,Tự phước, Thái Phiên...
Ít ai ngờ rằng với diện tích vài hecta hoa ít ỏi và một số giống hoa đơn sơ buổi ban đầu, đến năm 2013 Đà Lạt và vùng phụ cận đã có đến 5.148ha hoa với hàng trăm loài hoa đẹp như: Cẩm chướng, cát tường, hồng, cúc, ly ly, glaieul…và hàng chục giống địa lan nội, ngoại nhập màu sắc thanh tú, cho bông cứng cáp, lâu tàn như: Cymbidium, Dendrobium, Habenaria, Fira, Van da...
Từ chỗ người trồng hoa ở Đà Lạt “một nắng hai sương” chỉ biết “trồng hoa trên đất, phó mặc cho trời”, hôm nay họ đã biết trồng hoa trong “nhà kính” làm bằng plastis, sử dụng giống hoa mới, áp dụng công nghệ sinh học để bắt hoa nở đúng kỳ và cho màu sắc rực rỡ.
Nhờ vậy, hoa Đà Lạt không chỉ có mặt tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành trong nước để làm đẹp cho đời, mà còn lên đường “xuất ngoại” sang nhiều quốc gia trên thế giới như: Nhật Bản, Hồng Kông, Idonesia, Nga...trong đó Dalat Hasfarm là “đầu tàu” của cả một đoàn tàu đang chuyển động.
Năm 2012 sản lượng hoa của Đà Lạt ước đạt 1.781 triệu cành, tăng 19% so với năm 2011. Tiến sĩ Phạm S -Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - cho biết, những năm gần đây, hoa Đà Lạt đã vươn ra thị trường thế giới với số lượng hoa xuất khẩu đạt khoảng 110 triệu cành/năm, thu về cho đất nước trên 900 triệu USD, giải quyết được đời sống và việc làm cho hàng vạn người dân địa phương.
Giá trị của hoa đã chiếm 8% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng. Nhiều Cty sản xuất hoa lừng danh như Dalat Hasfarm, Lang Biang Farm, Rừng Hoa đã khẳng định được vị trí trên thương trường trong nước và quốc tế.
Ông Trần Huy Đường, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, cho hay: Theo tính toán mỗi năm người trồng hoa ở Đà Lạt có thể thu về ít nhất 600 triệu đồng/ha. Ông Nguyễn Đình Sơn- Cty Rừng Hoa - cũng thừa nhận, vốn đầu tư trồng hoa lớn nhưng lãi mang lại khá cao.
Theo ông Sơn, nếu đầu tư chi phí nhà kính để sản xuất hoa cao cấp xuất khẩu thì lợi nhuận thu về còn có thể tăng hơn từ 30 – 50% so với sản xuất hoa thông thường.
Tâm sự của người trồng hoa
Cho tới hôm nay bà con trồng hoa ở Đà Lạt vẫn chưa quên, cuối năm 1993, Thomas Hooft - một người Hà Lan - đến Đà Lạt để tìm kiếm một vùng đất nhằm trồng hoa xuất khẩu.
Ngày 20/10/1994 công trình trồng hoa trong “nhà kính” bằng plastis của Dalat Hasfarm được khởi công trên diện tích 2,5 ha để trồng thử nghiệm các giống hoa: Cẩm chướng, lyly, Cúc, Gypsophila, Tuylipe nhập từ châu Âu về tại đồi Nguyên tử lực, khiến nhiều người cho là “điên”.
Nào ngờ “đất lành hoa nở”, đến nay Dalat Hasfarm đã nâng diện tích hoa trong nhà kính lên 70 ha, không chỉ giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương, mà còn mở ra một hướng đi hiện đại cho nghề trồng hoa của Đà Lạt.
Ngoài ra, Dalat Hasfarm hợp đồng và chuyển giao toàn bộ kỹ thuật, giống, phương thức chăm sóc và bao tiêu sản phẩm cho 120 nông dân trồng hoa. Năm 2012, ngoài 200.000 cây giống đã xuất khẩu, Dalat Hasfarm còn sản xuất được trên 90 triệu cành hoa các loại, trong đó có 60% xuất khẩu sang các nước Châu Á, Châu Âu và Châu Mỹ.
Gặp lại người viết, Thomas Hooft- Tổng giám đốc Dalat Hasfarm- người được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu “Doanh nhân tiêu biểu” và “Nghệ nhân trồng hoa” của Đà Lạt vẫn một nụ cười hiền lành như ngày nào.
Khi tôi nhắc đến hai danh hiệu này, Thomas Hoof tâm sự: “Đó là chuyện hiếm, là niềm vinh hạnh lớn lao. Tôi rất hãnh diện khi được phát biểu trong cuộc gặp mặt Chủ tịch Nước Việt Nam. Giờ phút đó tôi có cảm giác như là công dân Việt Nam hơn là người Hà Lan. Tuy nhiên, cũng cần nói rõ rằng danh hiệu đó có được từ đóng góp của mọi người mà tôi là người đại diện”
Chị Nguyễn Thị Thu Anh một nông dân trồng hoa ở 105 Đa Thiện, phường 8 kể: Cứ cách ngày chị chở 10.000 cành hoa cẩm chướng đi giao cho Cty Dalat Hasfarm. Hoa được trồng theo hướng dẫn kỹ thuật của kỹ sư Dalat Hasfarm và được Cty bao tiêu sản phẩm toàn bộ.
Chị cho biết, lứa hoa cẩm chướng đầu tiên tính từ thời gian xuống giống, đến thu hoạch kéo dài 4 tháng rưỡi, sau đó thu hoạch thường xuyên cách nhật, kéo dài 3 năm thì mới thay đợt giống khác. Hiện giá hoa tại vườn chị là 1.700 đồng/cành giao cho Dalat Hasfarm. Năng suất mỗi sào cẩm chướng ước khoảng 30.000 cây, cứ mỗi cây nẩy 3 cành hoa, đem lại thu nhập ổn định cho gia đình liên tục trong vòng 3 năm, đó là nguồn lợi tiền tỷ.
Giám đốc Cty Rừng Hoa cho hay: Ước tính trong năm 2012, Cty đã sản xuất 12 triệu cây giống hoa cấy mô đạt chất lượng cao, trong đó chiếm tỷ lệ 70% xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Trong 12 giống hoa sản xuất, đứng “đầu bảng” những giống hoa được thị trường châu Âu “hút hàng” nhất là đồng tiền, cúc, sa lem, địa lan, hồ điệp… Dự kiến trong năm 2013, Cty tiếp tục nâng tổng số các giống hoa cấy mô hàng năm sản xuất lên đến 24 triệu cây, trong đó vẫn cố gắng giữ tỷ lệ 70% xuất khẩu sang thị trường châu Âu và tỷ lệ 30% tiêu thụ thị trường trong nước.
Lễ hội hoa đặc biệt
Từ 2005 đến nay, Đà Lạt đã tổ chức thành công 4 lần Festival Hoa. Lần nào cũng vậy, hàng trăm nghìn du khách khắp 4 phương đổ về Đà Lạt để thưởng lãm hoa đông vui như hội. Đặc biệt, Festival Hoa 2010 chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội đã để lại dấu ấn khó quên trong lòng du khách trong và ngoài nước. Ấn tượng nhất là dạo quanh hồ Xuân Hương du khách bắt gặp khá nhiều vườn hoa “mi ni” nào hồng, cúc, lyly đẹp rực rỡ soi bóng trên mặt hồ xanh biếc.
Đặc biệt, vườn đào với 100 gồc đào má hồng được ghép từ cây đào Nhật Tân- Hà Nội với đào Đà Lạt cho ra một giống hoa đào mới có vẻ đẹp tươi thắm đến lạ lùng của gia đình nghệ nhân Mười Lời nở hoa đúng vào dịp Festival khến nhiều người không ít ngạc nhiên.
Đến Festival Hoa 2012, trên một góc đồi cù Đà Lạt xanh rờn đối diện hồ Xuân Hương thơ mộng là điểm nhấn của Festival Hoa Đà Lạt 2012 với chủ đề “ Thế giới hội tụ sắc xuân Nhâm Thìn 2012” do Hiệp hội Hoa Đà Lạt thực hiện.
Nơi đây tràn ngập sắc màu đỏ, xanh, vàng, tím, trắng của tuylipe, hồng, cúc, ly ly và hàng trăm loài hoa quý được bố trí theo hình vòng cung khá hài hòa và đẹp mắt trên diện tích gần 27.000m2,gồm 4 thảm hoa dại, hoa hè phố, tượng trưng 4 mùa, 12 tiểu cảnh tượng trưng cho 12 tháng.
Đặc biệt, lần đầu tiên Đà Lạt trình diễn hoa Tulipe và các loại hoa có nguồn gốc từ châu Âu được uơm trồng trên triền đồi bên cạnh 24 tiểu cảnh hoa nghệ thuật, bon sai biểu trưng hình ảnh một số nước và những kiến trúc tiêu biểu của 5 châu lục như: Nhà hát Opera Sydney Australia, tháp nghiêng Pisa, cối xay gió, Kim tự tháp…khiến nhiều du khách ngất ngây.
Có lẽ chính vì vậy, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã xúc động phát biểu: “Festival Hoa Đà Lạt lần này không chỉ giới thiệu về tiềm năng của thành phố Festival Hoa đã được Chính phủ công nhận mà còn là dịp giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế về một vùng đất anh hùng, một vùng đất xinh đẹp với khí hậu quanh năm mát mẻ, với những thác nước hung vĩ và hàng trăm loài hoa đẹp…Các bạn hãy đến với Đà Lạt –Lâm Đồng chắc chắn các bạn sẽ thành công khi đầu tư vào vùng đất nhiều tiềm năng và thơ mộng này”.
Phúc Ân