Những bức ảnh hi vọng giữa cuộc chiến khốc liệt
Những bộ phóng sự ảnh của Larry về cuộc chiến tàn khốc liên tục xuất hiện trên tạp chí Life đem lại những cơn bàng hoàng cho người dân Mỹ về cuộc chiến mà họ đang tham dự ở bên kia trái đất.
Larry ở sát sườn những cuộc giao tranh, xoáy sâu vào gương mặt đau đớn của những người lính Mỹ trong thương vong, lột tả sự tuyệt vọng và mệt mỏi của họ sau hàng giờ trên không với súng máy và trực thăng.
Nhưng ảnh của Larry không chỉ là máu, là thương vong, là súng ống, là những gương mặt kinh hoàng, chết chóc mà vào tháng 11-1968, trong ấn bản của tạp chí Life, Larry đã mô tả lại một cuộc chiến bé nhỏ không hề kém khốc liệt sau lưng những mặt trận bom đạn bằng phóng sự ảnh “Bên rìa hòa bình”.
Bộ ảnh kể về cô gái nhỏ Nguyễn Thị Tròn khi ấy 12 tuổi đã đi vào khu rừng gần làng nhặt củi, nơi lính Mỹ cho rằng tất cả các vật thể chuyển động đều là "Việt Cộng", và Mỹ cho rằng có quyền khai hỏa để tiêu diệt mục tiêu ngay lập tức.
Trực thăng Mỹ xuất hiện và bắn xối xả. Tròn bị đạn bắn lìa chân. Lính Mỹ nhanh chóng đổ bộ xuống hiện trường và phát hiện ra rằng nạn nhân của họ là ba bé gái, liền đưa lên máy bay trực thăng, chở về bệnh viện ở Củ Chi, sau đó đền bù bằng một cái… chân giả.
Tròn bắt đầu tập cách đi lại mà không cần nạng và sự trợ giúp của người khác. Dù phải chịu đựng thương tật vĩnh viễn, nhưng hiếm khi Tròn tỏ ra buồn bã hay bi quan.
Cô bé tập xe đạp với cái chân gỗ |
Những bức ảnh Larry Burrows chụp là cảnh cô bé nhìn chiếc chân giả lạ lẫm, gắn thử nó vào, đi lại trước bạn bè. Ông bắt được những khoảnh khắc cô bé chơi lò cò với bạn, tập xe đạp, ngồi nhặt rau và lạc quan thích nghi dần với sự mất mát trên thân thể.
Con trai Larry, Russell Burrows kể: “Ông không hoàn toàn bị nghiền nát bởi cuộc chiến. Ông cô đơn khi lao động, lúc nào cũng chỉ muốn xách máy ảnh và đi chụp một mình. Bạn bè hay lo lắng vì sự độc lập đó của ông.
Ông chưa bao giờ nói với tôi hay mẹ về sự nguy hiểm ông gặp phải. Ông đã trở về an toàn quá nhiều lần và cả gia đình chúng tôi gần như đã quên sự nguy hiểm đó”. Khi cha tử nạn, Russell chỉ mới 22 tuổi và đang học đại học tại Los Angeles.
Năm 2000, lần đầu tiên Russell đưa con gái là Sarah Burrows đến Sài Gòn. Trong tay họ là những hình ảnh của cô gái gắn chân giả và mỉm cười bước những bước đầu tiên.
Chỉ có duy nhất trong tay một địa danh Phước Bình, Russell và Sarah bắt đầu hành trình đi tìm lại cô Nguyễn Thị Tròn của cha và ông nội mình. Những ngày đầu trôi qua vô vọng, Sarah nhớ lại: “Không tiếng Việt, không địa chỉ, chúng tôi cứ đi hết từ làng này đến làng khác ở và hỏi”.
Vào những ngày cuối cùng của chuyến đi, Russell và Sarah lần đầu tiên vào dinh Độc Lập, đi xuống hầm ngầm và nhìn thấy tấm bản đồ năm 1970. Chính ở đó họ tìm thấy cái tên Phước Bình ở Dương Minh Châu, Tây Ninh. Sarah tìm được một tài xế kiêm phiên dịch. Khi nhìn bức ảnh, anh ta tỏ ra bất hợp tác.
Russell kể lại: “Mãi một lúc trò chuyện, chúng tôi mới biết anh ta tưởng tôi là con của một phi công bắn súng máy làm hư chân cô Tròn, bây giờ quay lại chuộc tội. Chúng tôi phải giải thích câu chuyện từ đầu cho anh ấy hiểu”.
Cuối cùng họ tìm được nhà bà Tròn, một mái nhà đơn sơ nằm sâu trong ấp Phước Bình 1, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh.
“Người mẫu” ảnh một chân
Trong một lần gặp gỡ, nhà báo người Anh Larry Burrows mang lên cho cô bé Tròn một chiếc máy may. Đó là năm 1969. Ông Larry tiếp tục giới thiệu cho cô bé Tròn vào lớp học may tại địa phương. Mọi chi phí đều được Larry chi trả.
Bà Tròn kể nay vẫn nhớ như in hình dáng phóng viên người Anh lúc đó đã trên 40 tuổi, mái tóc xoăn dài, chiếc kính cận trên gương mặt hiền hậu.
“Trong hai năm, ổng tìm đến nhà tôi hàng chục lần. Tôi tập xe đạp, ổng chụp hình. Tôi nấu cơm, giặt đồ, giúp việc gia đình, ổng cũng ghi hình. Do bất đồng ngôn ngữ, chúng tôi chẳng nói được gì với nhau”, bà Tròn hồi ức.
Thời điểm ấy, gia đình cô bé Tròn đang ở trong một ấp chiến lược tại Bến Cát. Thiếu nữ khuyết tật sáng thức dậy làm đủ việc trong gia đình rồi mới cắp sách đến trường, chiều đi học may.
Cái chân bị cụt, ban đầu đau nhức, mỗi lần mang chân gỗ vào là buốt hết cả người. Cô bé vẫn cố gắng tự tập từng bước khập khễnh, làm quen với cái chân mới. Quen dần với chiếc chân, cô bắt đầu tập xe đạp.
Những khoảnh khắc ấy, đều lọt vào ống kính của nhà báo Larry Burrows.
Những khoảnh khắc ấy, đều lọt vào ống kính của nhà báo Larry Burrows.
Mẹ con cô bé Tròn dắt nhau về làng sau khi lắp chân giả |
Bà Tròn ngậm ngùi: “Ngày ấy tôi vô tư, biết gì đâu. Từ ngày đầu gặp gỡ, đến tận bây giờ, tôi chưa một lần nói lời cảm ơn với ông Larry Burrows. Đó là điều tôi hối hận và đau đáu trong lòng suốt mấy chục năm qua”.
Chiến tranh loạn lạc, cho đến khoảng cuối năm 1970, không thấy nhà báo người nước ngoài xuất hiện nữa. Gia đình cô bé Tròn sau đó cũng ly tán.
Cụ Xuân, mẹ bà Tròn, kể lại: “Đầu năm 1971, có mấy người “chiêu hồi” về chỉ điểm, nói tôi có liên quan đến Quân Giải phóng. Lính VNCH ập vào nhà, bắt tôi đi, giam khắp nơi ở các nhà tù Bình Dương. Bàn tay tôi vẫn còn dấu tích bị chúng đánh đập, tra tấn dã man”.
Bốn tháng sau, chúng mới thả cụ Xuân, cho về địa phương quản chế. Năm 1973, cha cô bé Tròn mất, cụ Xuân quyết đưa gia đình chạy vào căn cứ Dương Minh Châu để sống.
Thời gian ấy cô bé Tròn sau khi được nhà báo tặng chiếc máy may, học nghề may, chiếc chân gỗ đã thuần thục, bắt đầu đi may dạo kiếm tiền nuôi gia đình. Trước cuộc chạy vào căn cứ, sợ chiếc máy may không mang qua được trạm kiểm soát của lính VNCH, cụ Xuân xuống Sài Gòn tìm đến văn phòng tạp chí Life gặp ông Larry Burrows xin giấy chứng nhận. Cụ sững người ngỡ ngàng khi hay tin ông Larry Burrows đã tử nạn từ một năm trước ở chiến trường Lào.
“Mấy người đồng nghiệp cho hay ông Larry khi còn sống có nhờ người thăm gặp con Tròn nhưng không gặp vì lúc đó gia đình tôi đã chuyển vào Bàu Đồn (Hòa Thành, Tây Ninh)”, mẹ bà Tròn kể.
Ở căn cứ Dương Minh Châu, có nghề may trong tay, cô bé Tròn mở tiệm may nhỏ, tiếp tục đi may vá dạo.
Năm 1975, đất nước thống nhất, gia đình cô bé Tròn không trở về quê cũ mà tiếp tục sinh sống ở huyện Dương Minh Châu. Người phụ nữ một chân theo học một lớp nghiệp vụ hộ sinh. Năm 1980, bà vừa may vá, vừa phụ trách hộ sinh cho trạm y tế xã Suối Đá. Trạm y tế đặt tại nhà, ai sinh nở thì chạy tới đón bà Tròn.
Năm 1984, địa phương khai phá một mảnh rừng, dùng cây cất cho bà Tròn căn nhà tạm để ở. Nói là nhà tạm, nhưng bà sử dụng cho đến bây giờ. Cái chân gỗ được nhà báo Larry Burrows tặng lần cuối cùng vào năm 1969, nay bà vẫn sử dụng.
Những tấm hình ám ảnh
Về câu chuyện hình ảnh mình được đăng tải trên rất nhiều báo nước ngoài, nổi tiếng khắp thế giới, bà Tròn chưa bao giờ biết, mãi cho đến năm 2000, khi một cựu binh người Mỹ tìm đến. Xem cuốn tạp chí Life cũ, bà Tròn mới nhớ chuyện nhà báo Larry Burrows ghi hình.
Cựu binh người Mỹ tìm đến gặp bà Tròn không liên quan gì đến ông Larrow. Ông từng tham chiến ở Việt Nam khi mới 18 tuổi, rồi xem được phóng sự ảnh “Bên rìa cuộc chiến” trên báo.
Trở về, với niềm ân hận đã từng tiếp tay gieo rắc sự đau khổ cho Việt Nam, người cựu binh quay lại.
Cô bé bị lĩnh Mỹ bắn lìa chân lại tập đi |
Tháng 5/2000, miền Nam bắt đầu mùa mưa, người cựu binh nắm trong tay cuốn tạp chí Life, tìm đến Bến Cát hỏi thăm cô bé Tròn. Cán bộ ở đây không ai hay biết bởi họ còn quá trẻ. Chính quyền đưa người cựu binh đi thăm hỏi những người già trong làng và được biết quê bà Tròn ở Củ Chi (TP.HCM).
Tìm đến Củ Chi, ai cũng lắc đầu do sự việc đã quá lâu. May thay gặp được một người bà con của bà Tròn, người cựu binh mới tìm được cô bé cụt chân năm xưa.
“Ông ta bảo rất hối hận khi tham gia chiến tranh. Bây giờ già rồi, ông ta trở lại Việt Nam làm từ thiện. Ông ta đi khắp nơi giúp đỡ trẻ em khuyết tật, người già, người neo đơn, nạn nhân chiến tranh. Ông ta cho hay, những bức hình về tôi ám ảnh suốt đời. Vì thế, ông ta phải tìm gặp tôi mới có thể nguôi ngoai được phần nào đó niềm ân hận”, bà Tròn kể.
Từ ấy đến nay, hầu như năm nào sang Việt Nam, người cựu binh Mỹ đều ghé thăm bà một lần.
Từ khi biết câu chuyện hình ảnh của mình lan truyền khắp thế giới, nỗi day dứt về nhà báo người Anh càng âm ỉ trong lòng người phụ nữ cụt chân. Bà không ngờ hậu duệ của người chụp những bức hình cũng trăn trở không kém.
Một ngày bất ngờ, từ bên kia trái đất, con trai và cháu gái nhà báo Larry Burrows đã lần tìm được ra cô bé Tròn. “Nhà tôi ở ấp Phước Bình nhưng con ổng nghe không rõ, cứ ngỡ ở tỉnh Bình Phước. Hai cha con và người phiên dịch gần một tuần đi khắp Bình Phước, tìm đến các trạm y tế xã nhưng không thấy.
Ngày cuối cùng, chuẩn bị về nước, họ vào Bảo tàng chiến tích chiến tranh (đường Võ Văn Tần, quận 3, TP.HCM) mới biết địa danh Phước Bình nằm ở huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Hai cha con hủy chuyến bay, tiếp tục lên đường tìm kiếm”, bà Tròn kể.
Gặp con cháu của nhà báo nổi tiếng, bà Tròn mới biết tường tận phóng viên Larry Burrows sinh năm 1926 ở London, Anh. Năm 16 tuổi ông đã vào làm việc tại báo Life. Năm 1962, ông tới Việt Nam làm phóng viên chiến trường.
Phóng sự ảnh chụp hình cô bé Tròn được ông đặt tên “Bên rìa cuộc chiến” đăng trên tạp chí Life (bộ 65, số 19) đã gây chấn động lương tri người dân toàn thế giới, giúp thế giới hiểu về sự phi nghĩa của cuộc chiến Mỹ xâm lược Việt Nam.
Ít ngày sau cuộc ghi hình cuối cùng cô bé Tròn, tháng 2/1971, Larry gặp tai nạn rơi máy bay trực thăng tại không phận Lào, mất xác.
Nhà báo Larry Burrows qua Việt Nam khi đã có con trai 12 tuổi. Khi ông mất tích, gia đình bỏ công tìm kiếm nhưng bất thành. Đứa cháu gái muốn biết được những gì ông nội đã làm, biết được số phận cô bé Tròn trong phóng sự nên mới năn nỉ cha cho sang Việt Nam.
Thi thể của nhà báo Larry Burrows nằm lại ở Lào 40 năm, đến năm 2010 gia đình mới tìm được. Ngoài phần còn lại của thi thể, người ta tìm thấy chiếc máy ảnh và một cái đồng hồ đeo tay. Cũng năm này, con cháu ông sang Việt Nam tìm lại bà Tròn.
Gia đình nhà báo Larry tặng bà Tròn nhiều món quà làm kỷ niệm, cả tiền. Bà Tròn không nhận tiền. Bà nói nhà báo tốt bụng đã để lại cho bà ba kỷ vật để đời là quá đủ. Đó là bộ ảnh, cái chân gỗ, chiếc máy may. Cái chân gỗ dù mấy lần hỏng nhưng bà vẫn cố sửa chữa, cố khôi phục sử dụng.
Chiếc máy may 46 năm tuổi đời, nay bà đặt trang trọng trong tủ.
Hỏi tại sao không lấy chồng, bà Tròn cười buồn: “Vì mặc cảm. Cái chân cụt xấu xí lắm. Tôi sợ lấy chồng không thoát khỏi cảnh khổ mà lại khổ thêm. Rồi quá tuổi, thôi thì cứ sống với chị em, với mấy đứa cháu”.
Căn nhà nhỏ nằm cạnh trường tiểu học, bà Tròn vừa mở tiệm thuốc Tây, vừa mở tiệm may quần áo, bán tạp hóa. Khuôn mặt khắc khổ nhăn nhó mỗi khi di chuyển, bà Tròn kể: “Cái chân cụt, nay chỗ khúc xương bị cắt lồi ra một đoạn, đi chân gỗ rất đau. Mấy lần chính quyền cho chân mới nhưng tôi vẫn thích cái chân cũ của ông Larry tặng.
Rồi bệnh viêm phổi, bệnh gai cột sống, bệnh mỡ trong máu… khiến cơ thể tôi ngày càng yếu đi. Không biết sống nay chết mai khi nào.
Có lẽ tôi sắp được gặp lại nhà báo Larry Burrows ở nơi suối vàng. Lúc đó tôi mới có thể nói lời “cảm ơn”, mới có thể thanh thản”, bà Tròn nói.