Chuyện ở nơi “Hà Nội thiếu”

 Chuyện ở nơi “Hà Nội thiếu”
(PLO) - Hà Nội đang ngày một văn minh, hiện đại. Chỉ cách những con phố lung linh, các cao ốc rực rỡ, sang trọng vài trăm mét, vẫn còn những xóm trọ ô nhiễm, nhếch nhác, là nơi bao người lao động nghèo nương náu đã nhiều năm...
Nhọc nhằn xóm tạm
Chỉ 5 giờ chiều, khu “xóm tạm” phía sau chợ Long Biên, thuộc khu dân cư số 2, phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội đã trở nên âm u tưởng như chìm vào một thế giới khác. Xóm tạm là một dãy phòng tạm bợ, ẩm thấp, ám khói và bụi do những người thuê trọ vẫn đun nấu bằng củi. 
Tuy có điện nhưng chỉ với số quần áo lao động cũ kỹ của hàng chục con người đã đủ khiến nó xám xịt, chưa nói đến còn lỉnh kỉnh bao thứ xe đạp, sọt đựng hoa quả, mũ, nón, rồi cả nơi vệ sinh chung cũng được che chắn sơ sài bằng bao tải rách. 
Vách phòng được ngăn bằng bìa các-tông, những mảnh gỗ ép thải loại, phên nứa rách và lợp bằng tấm prô xi-măng vụn thủng lỗ chỗ. Nhìn cảnh tượng đó, phóng viên chợt nhói lòng tự hỏi liệu đây có phải phòng dành cho những người phụ nữ trẻ xa gia đình gửi gắm giấc mộng mưu sinh nơi phố xá?
Theo thống kê của UBND phường Phúc Xá, xóm trọ tạm bợ mà người dân gọi đùa là “Hà Nội thiếu” hay “khu ổ chuột” quy tụ khoảng 1.400 người lao động sống trong hàng trăm phòng trọ tuềnh toàng, tạm bợ. 
Tại sao lại là “Hà Nội thiếu”? Ông Nguyễn Dương Hải, Chủ tịch UBND phường Phúc Xá lý giải: “Mấy chục năm qua, người ta đã gọi vui như vậy vì người dân xóm trọ thiếu thốn nhiều thứ, từ xa gia đình đến chuyện thiếu thốn các điều kiện sinh hoạt cơ bản”. 
Qua tìm hiểu, địa bàn Hà Nội có không ít những “khu ổ chuột” nằm xen với những tuyến phố lớn, cạnh những mảnh “đất vàng” như xóm nhà tạm gồm hơn 10 túp lều ở ven hồ Văn Chương, thuộc phường Văn Chương (quận Đống Đa); xóm đồng nát trong ngõ 34 Hoàng Cầu; xóm Đồng Bát sau bến xe Mỹ Đình; xóm chợ Đồng Xa thuộc phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy)… 
Ông Nguyễn Văn Bình - Tổ trưởng Khu dân cư số 2 phường Phúc Xá cho biết: “Họ chủ yếu là cư dân ở các vùng quê Phú Thọ, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Nam Định, Hà Tây (cũ)…. Có cặp vợ chồng “bốc” luôn con cái theo ra phố, cặp khác gửi lại quê nhờ ông bà trông nom. Có cặp nuôi con đang học đại học. Họ chấp nhận làm đủ thứ nghề lao động chân tay vất vả, từ cửu vạn, bán hoa quả rong, bán nước vỉa hè, đánh giày đến thu gom đồng nát… miễn là có tiền và không phạm pháp”.
Khó giải quyết được sự nhếch nhác
Giữa trung tâm thành phố, sao vẫn để những nhà trọ nhếch nhác đến thế? Đem câu hỏi này tới cán bộ địa phương, ông Phan Trí Luyện - Phó Chủ tịch UBND phường Văn Chương và ông Nguyễn Dương Hải - Chủ tịch UBND phường Phúc Xá đều có chung ý kiến, những nơi người dân làm nhà tạm cho thuê trọ là nơi trong diện quy hoạch, người dân không được phép xây nhà kiên cố. 
“Tuy nhiên, sở hữu đất đai vẫn là chủ đất, họ có quyền làm nhà tạm cho thuê. Người lao động cũng có quyền thuê trọ, chúng tôi quản không cho xây dựng kiên cố và bảo đảm về an ninh trật tự, nhân khẩu, cùng công an phường giữ gìn bình yên cho người dân làm ăn. Còn quy hoạch chậm dẫn đến chuyện còn nhà trọ nhếch nhác thì vượt quá sức của phường” - ông Hải nhấn mạnh.
Những cảnh sống tạm bợ nơi xóm tạm
Những cảnh sống tạm bợ nơi xóm tạm 
Rõ ràng, hai vị cán bộ phường cũng muốn bộ mặt của phường trở nên khang trang, sạch đẹp; và thành phố cũng có thể đưa ra những giải pháp giải tỏa, triển khai nhanh các dự án, tổ chức xây nhà trọ giá rẻ cho người lao động nghèo thuê. Nhưng, làm việc với Sở Xây dựng Hà Nội, ngay như việc cải tạo các chung cư cũ còn tắc, huống hồ… Và những căn nhà trọ xập xệ tiếp tục có “cơ hội” nâng cao độ tuổi cùng độ ì của các dự án. 
Tuy nhiên, vấn đề quản lý, gìn giữ an ninh trật tự tại các xóm trọ tạm bợ cũng không hề đơn giản. Ban Chỉ đạo 197 phường Phúc Xá, mà lực lượng Công an phường là thường trực, với sự kết hợp của lực lượng tự quản, tổ bảo vệ các khu dân cư, nhiều năm qua đã tích cực bám sát địa bàn, gìn giữ an ninh trật tự, bảo đảm an ninh không để xảy ra đánh nhau, giảm tình trạng trộm cắp trong các dãy nhà trọ. 
Theo đó, lãnh đạo phường cũng tạo điều kiện cho các tổ chức từ thiện vào giúp đỡ bà con, phối hợp với  Mái ấm 19-5 tạo điều kiện cho con em người ở trọ nghèo vào học tập.
***
Trời nhá nhem tối. Những dãy phòng trọ xôn xao tiếng người bán hàng dắt xe đạp về. Bữa cơm thắp cho họ chút niềm vui, để nửa đêm lại “đầu tắt mặt tối” với công việc đến cuối ngày hôm sau. Xóm trọ đột nhiên mất điện. Những que củi được đốt lên để lấy ánh sáng. Mùi hôi thối từ bãi rác và con kênh nhỏ bốc lên nồng nặc. 
Tôi chợt lặng người khi thấy anh Lê Văn Dũng - một người bị vẹo cột sống vì làm cửu vạn nhiều năm quá sức - đứng nhìn đống lửa. Vóc dáng anh như một dấu hỏi mảnh khảnh. Chẳng biết bao giờ anh Dũng mới kiếm đủ tiền chữa lưng để anh được hồi hương?

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.