Theo hợp đồng, bên mua có nghĩa vụ thanh toán thành 4 đợt. Tuy nhiên do dự án ngưng trệ, không thể bàn giao nhà đúng tiến độ như hợp đồng, giữa năm 2015, hai bên thống nhất phương án đồng hành tái khởi động dự án, khách hàng sẽ đóng trước tiền để chủ đầu tư có vốn.
Nhờ sự đồng hành của khách hàng, dự án đã hoàn thành. Gần một năm sau ông Sơn được mời đến nghiệm thu nhà. Đến ngày 10/6/2016, Hanco 9 gửi cho ông Thành thông báo bàn giao nhà kèm bản tất toán tài chính, trong đó “xử phạt” khách hàng gần 200 triệu đồng.
Tuy nhiên, bên mua nhà khẳng định việc tạm dừng đóng tiền, chậm đóng tiền do Cty Hanco 9 không phản hồi ý kiến, chậm gửi dự thảo hợp đồng sửa đổi cho khách hàng. Điều phi lý nhất là trong khi phạt khách hàng thì Hanco 9 không hề đề cập tới trách nhiệm của mình. “Nếu phạt tôi vi phạm hợp đồng thì Hanco 9 chậm bàn giao nhà tới 2 năm, tại sao họ không bị phạt? Tôi vô cùng thất vọng khi đã đồng hành hỗ trợ chủ đầu tư, nay lại bị công ty trở mặt”, ông Sơn bức xúc.
Sau khi Báo PLVN có bài phản ánh, ngày 10/4/2017, Cty Hanco 9 có văn bản gửi ông Sơn là khách hàng mua nhà, trong đó giải thích các nội dung khách hàng khiếu nại từ trước đến nay, và tiếp tục thể hiện thái độ chối bỏ trách nhiệm.
Đơn vị này giải thích cách tính “phạt khách hàng” dựa trên tinh thần Bộ luật Dân sự và hợp đồng mua bán đã kí. Có nghĩa mức phạt do các bên thỏa thuận, không quy định giới hạn về mức phạt tối đa hay tối thiểu.
Về việc tại sao Hanco 9 không bị xử phạt vi phạm hợp đồng do chậm bàn giao nhà, công ty này giải thích vì ông Sơn dừng đóng tiền (trước đó ông Sơn xuống thực địa thấy công trình không thi công, gửi đơn không thấy phản hồi nên đã dừng đóng tiền các đợt tiếp theo chờ phản hồi của Hanco 9 - PV) nên khách hàng vi phạm nghĩa vụ thanh toán đã cam kết với chủ đầu tư. Theo lập luận này, khách hàng vi phạm trước nên Hanco 9 không bị xử phạt?
Những cách giải thích trên tiếp tục bị khách hàng phản bác. Luật nêu rõ với những quy định không được nêu cụ thể trong Bộ luật Dân sự thì áp dụng luật chuyên ngành. Ở vụ việc trên, ông Sơn và Hanco 9 tranh chấp vi phạm trong hợp đồng thương mại nên phải tuân thủ quy định của luật chuyên ngành là Luật Thương mại để giải quyết. Điều 301 Luật Thương mại quy định mức phạt vi phạm hợp đồng do các bên thỏa thuận, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.
Bác bỏ quan điểm thứ hai của Hanco 9, ông Sơn nói: “Trong luật cũng như hợp đồng mua bán nhà không có điều khoản nào nói rằng bên vi phạm trước bị xử phạt, còn bên vi phạm sau không bị phạt”.
Cũng trong văn bản gửi khách hàng, Hanco 9 cho rằng: “Giả sử nếu tính chậm bàn giao nhà theo điều khoản hợp đồng thì nghĩa vụ chậm bàn giao của công ty không nhiều như khách hàng đưa ra”. Hanco 9 đưa ra phương án tính chậm bàn giao nhà bằng cách chia nhỏ từng khoản tiền mà khách hàng đóng theo từng đợt để tính lãi. Tóm lại, Hanco 9 áp dụng cách tính “nộp tiền ngày nào tính lãi ngày đó” chứ không tính lãi chậm bàn giao nhà trên tổng số tiền khách hàng đã nộp, được thỏa thuận trong hợp đồng mua bán nhà.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, mới đây ông Vũ Ngọc Thành- Phó Trưởng phòng quản lý nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết đã thảo thông báo kiểm tra, phối hợp với lực lượng thanh tra lên kế hoạch kiểm tra những nội dung Báo PLVN phản ảnh về Dự án chung cư Berriver - Long Biên. Trước mắt Sở đã yêu cầu Hanco 9 gửi báo cáo bằng văn bản về Sở.