Lý do tạm đình chỉ do đã hết thời hạn điều tra mà chưa có kết quả giám định.
Ông Khanh cho biết: “Tôi vừa mới nhận được quyết định tạm đình chỉ vụ án và tạm đình chỉ bị can số 22/QĐ-CSKT ngày 04/10. Tôi cũng không biết cơ quan CSĐT tiến hành giám định vấn đề gì, từ khi nào? Vụ án xảy ra đã 7 năm với 7 lần trả hồ sơ và nhiều phiên xét xử nhưng không kết tội được tôi. Đến nay, lại tạm đình chỉ thì không biết bao giờ tôi mới được giải oan, trở lại cuộc sống bình thường”.
Trước đó, ngày 15/8, Cơ quan CSĐT đã cho ông Hùng và ông Lộc tại ngoại sau hơn 5 năm tạm giam. Như vậy đến nay, tất cả các bị can trong hai vụ án trên đều đã được tại ngoại.
Theo hồ sơ, năm 1997, cụ Hồ Thị Hiệp (SN 1945) và con gái Nguyễn Hiệp Hảo (đang định cư tại Mỹ) được cấp “sổ đỏ” 23,5ha đất nông nghiệp tại ấp Lồ Ô, xã An Tây, TX Bến Cát (trong đó bà Hảo có 9,7ha). Năm 2002, mẹ con cụ Hiệp mỗi người chuyển đổi 2ha thành đất xây dựng công nghiệp.
Từ 2005 - 2008, cụ Hiệp dùng 2 pháp nhân vay tiền của BIDV và thế chấp toàn bộ QSDĐ (của mình và bà Hảo) làm tài sản bảo đảm.
Năm 2011, cụ Hiệp mất khả năng trả nợ. BIDV xác định số nợ là 96,8 tỷ. BIDV sử dụng trích lập dự phòng để xử lý rủi ro, đưa ra ngoại bảng.
Ông Nguyễn Hồng Khanh kêu oan từ khi bị điều tra đến nay và cho biết "với việc tạm đình chỉ điều tra thì không biết thân phận của tôi đến khi nào mới được giải oan" |
Cuối năm 2012, ông Khanh (khi đó là Chủ tịch UBND TX Bến Cát) và vợ sau khi bán được một diện tích trồng cao su và vay mượn thêm tiền hai bên nội, ngoại, thì được “cò đất” Nguyễn Hữu Trọng (SN 1970, ngụ Bình Dương) dắt đến gặp cụ Hiệp. Hai bên thỏa thuận, đồng ý giá mua bán giá 700 triệu/ha và bán từng đợt.
Lần thứ nhất, tháng 12/2012, cụ Hiệp lập tờ trình xin tự bán một phần tài sản thế chấp với diện tích 52.300m2 đất nông nghiệp, người mua là ông Khanh. Cụ Hiệp xin giữ lại một phần tiền để “tái sản xuất, có điều kiện trả nợ cho ngân hàng một cách bền vững”.
Cụ Hiệp đưa ông Khanh hợp đồng 3 bên, trong đó nêu lại thỏa thuận giữa ông Khanh và cụ Hiệp về giá bán, diện tích, phương thức thanh toán bằng 2 hình thức là tiền mặt và chuyển khoản. Tin tưởng, ông Khanh đặt cọc. Cụ Hiệp thực hiện các bước tách thửa, xóa thế chấp và tiến tới ký hợp đồng mua bán tại văn phòng công chứng.
Từ năm 2013 – 2015 ông Khanh mua bán với cụ Hiệp thêm 3 lần với hình thức tương tự như lần thứ nhất.
Ngày 16/10/2016, Nguyễn Hiệp Hòa (con trai cụ Hiệp) có đơn tố cáo gửi Giám đốc công an tỉnh Bình Dương tố cáo ông Khanh lợi dụng chức vụ, cấu kết với ngân hàng, o ép cụ Hiệp để mua đất giá rẻ.
Tại các KLĐT, cơ quan CSĐT khẳng định không có chuyện ông Khanh dùng chức vụ, cấu kết với ngân hàng ép cụ Hiệp bán đất giá rẻ. Tuy nhiên, cơ quan CSĐT cho rằng ông Lộc, ông Hùng đã cho cụ Hiệp bán tài sản thế chấp trái quy định và giá rẻ gây thất thoát cho BIDV 35,7 tỷ. Còn ông Khanh là người giúp sức vì biết rõ quy định của ngân hàng là chuyển toàn bộ tiền về tài khoản ngân hàng để thu hồi nợ nhưng lại trả tiền mặt.
Năm 2021, TAND tỉnh Bình Dương xét xử sở thẩm tuyên ông Khanh 10 năm tù, ông Lộc 11 năm tù và ông Hùng 12 năm tù.
Ông Nguyễn Hồng Khanh được tạm đình chỉ bị can với lý do "chờ kết quả giám định" |
Tháng 5/2022, TAND Cấp cao mở phiên xử phúc thẩm đã hủy toàn bộ bản án. Theo bản án phúc thẩm, về tội danh: Cấp sơ thẩm chưa xác định, đánh giá làm rõ các bị cáo có được cơ quan nhà nước thẩm quyền giao quyền quản lý sử dụng tài sản công hay không, từ đó làm cơ sở cho việc xác định đúng tội danh.
Về chứng cứ buộc tội, cấp sơ thẩm quy kết ông Hùng, ông Lộc câu kết thỏa thuận với cụ Hiệp trong mua bán tài sản thế chấp giá thấp hơn; và thỏa thuận cho ông Khanh trả bằng tiền mặt là “gây thất thoát tài sản nhà nước”; là thiếu căn cứ. Hồ sơ, chứng cứ, lời khai các bị cáo cho thấy họ không quen biết nhau. Bản thân ông Lộc, ông Hùng khai chỉ nghe cụ Hiệp nói bán cho ông Khanh được giá và thủ tục nhanh. Cả hai không gặp trực tiếp hay trao đổi với ông Khanh. Lời khai ông Khanh phù hợp với chứng cứ, hồ sơ và lời khai ông Lộc, ông Hùng.
TAND Cấp cao khẳng định, không có căn cứ cho thấy ông Khanh là “đồng phạm giúp sức”. Dù khi đó là Chủ tịch UBND TX Bến Cát, nhưng trong quan hệ này ông Khanh chỉ có tư cách là người mua đất khi cụ Hiệp có nhu cầu bán; thậm chí trả giá cao hơn người khác.
Quá trình chuyển nhượng có tìm hiểu về giá, thỏa thuận giá, có sự đồng ý của bên thế chấp là BIDV, sau đó mới tiến hành thủ tục. Việc ông Khanh trả một phần là tiền mặt cho cụ Hiệp là theo yêu cầu của cụ Hiệp; cụ Hiệp đã đề xuất và BIDV đồng ý việc này.
TAND Cấp cao cũng nhận định quá trình cơ quan chức năng Bình Dương xử lý vụ án có nhiều vi phạm tố tụng.