Nhập khẩu trái phép gia tăng tại Úc
Chính sách quản lý thiết bị y tế là một yếu tố quan trọng trong kế hoạch ứng phó với COVID-19 của chính phủ Úc. Kể từ khi đại dịch mới bùng phát vào năm 2020, chính phủ Úc đã áp dụng một số biện pháp như đẩy mạnh việc đánh giá các bộ xét nghiệm và chẩn đoán COVID-19, áp dụng miễn trừ khẩn cấp đối với một số mặt hàng trang thiết bị y tế và thiết bị bảo hộ cá nhân nhằm phân phối cho toàn dân chống dịch. Tuy nhiên, bối cảnh khủng hoảng và những chính sách mới đã để lộ ra “kẽ hở” pháp lý cho nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng để thu lợi bất hợp pháp tại Úc.
Theo Cơ quan quản lý hàng hoá y tế của Úc (TGA), những hành vi vi phạm trong lĩnh vực y tế đã và đang gia tăng theo chiều hướng phức tạp hơn với “chất xúc tác” là đại dịch. Các vi phạm phổ biến nhất là quảng cáo sai sự thật và nhập khẩu trái phép các thiết bị, sản phẩm y tế như khẩu trang, test nhanh COVID-19 và các thiết bị y tế khác, chất khử trùng, dung dịch rửa tay, nhiệt kế…. Nhiều công ty, cá nhân tại Úc đã bị TGA tuyên bố xử phạt với số tiền từ chục ngàn đô la đến vài triệu đô la, thế nhưng trong đó vẫn có nhiều công ty vẫn chây ỳ, dẫn đến chính phủ phải áp dụng những biện pháp pháp lý mạnh hơn.
Theo Đạo luật về hàng hóa y tế năm 1989, các sản phẩm như test nhanh COVID-19 phải được cơ quan y tế nhà nước cấp phép trước khi chúng có thể được nhập khẩu hợp pháp vào Úc, trừ trường hợp miễn trừ. Nhưng kể cả trong trường hợp sản phẩm được miễn trừ cũng phải tuân theo các biện pháp kiểm soát an toàn do Bộ Nông nghiệp, Nước và Môi trường đề ra. Cổng thông tin chính thức của TGA đã công khai danh sách tất cả các thiết bị y tế COVID-19 đã được phê duyệt ở Úc.
Ngày càng có nhiều vi phạm tinh vi hơn liên quan đến thiết bị y tế phòng chống COVID-19. (Ảnh minh họa) |
Quy định là vậy nhưng trên thực tế, kể từ khi dịch bệnh bùng phát, nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc đã được nhập cảnh trái phép vào Úc thông qua nhiều con đường khác nhau. Ngay đầu năm nay, công ty TCF Trading đã lĩnh án phạt 13.320 đô la vì cáo buộc nhập khẩu bất hợp pháp bộ test nhanh COVID-19. Toàn bộ hàng hoá bị thu giữ tại biên giới, khiến công ty này thiệt hại ước tính tới 1 triệu đô la cho lô hàng đó. Một công ty khác cũng bị phạt vì nhập khẩu bất hợp pháp khẩu trang, mức phạt khoảng trên 12.600 đô la.
TGA cảnh báo việc cố tình vi phạm các quy định về đăng ký nhập khẩu thiết bị y tế không chỉ dẫn tới hậu quả pháp lý bị xử phạt nặng mà còn tổn hại về kinh tế cho chính các doanh nghiệp. Do vậy, các doanh nghiệp nên cân nhắc và tìm hiểu kỹ lưỡng các quy định pháp luật trước khi thu mua các trang thiết bị y tế từ nước ngoài. Bên cạnh đó, TGA cũng khuyến cáo bất kỳ người dân nào nghi ngờ một cá nhân, tổ chức có dấu hiệu nhập khẩu, tàng trữ và lưu hành các loại hàng hoá y tế trái phép thì nên báo cáo trực tiếp cho TGA thông qua website hoặc đường dây nóng để xử lý kịp thời.
“Dẹp loạn” quảng cáo sai sự thật
“Nhức nhối” hơn cả là nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc, không rõ hiệu quả được quảng cáo tràn lan với đủ lời quảng cáo “có cánh” về ngăn ngừa và chữa trị COVID-19. Đơn cử, một trong những mối quan tâm lớn nhất của dư luận là những sản phẩm có khả năng ngăn ngừa COVID-19. Nhiều công ty ở Úc đã lợi dụng tâm lý này để “trục lợi” và nhận phải cái kết “đắng”.
Đơn cử, hãng Oxymed Australia lĩnh án phạt 63.000 đô la với một quảng cáo sai sự thật về buồng trị liệu oxy có thể chữa được COVID-19, đồng thời bị yêu cầu gỡ bỏ các quảng cáo. Tuy nhiên, công ty này vẫn tiếp tục không tuân thủ, khiến toà án liên bang phải khởi kiện vụ án.
Mặt khác, công ty Yarra Valley Cleaning đã bị xử phạt 39.960 đô la vì quảng cáo một chất khử trùng có “hiệu quả 99,9999%” chống lại virus, bao gồm cả COVID-19. “Quảng cáo trên trang web của công ty này còn gây hiểu lầm, ngụ ý rằng sản phẩm khử trùng đã được chính phủ công nhận nhưng sự thật không phải”, theo thông tin từ TGA. Thêm vào đó, vị đầu bếp nổi tiếng Pete Evans cũng bị phạt 25.200 đô la vì quảng cáo về một ống phát sáng “chứa công thức điều trị virus” trong một buổi livestream với người hâm mộ.
Quảng cáo quần áo có khả năng chống virus gây hiểu nhầm của hãng Lorna Jane. |
Nhưng một trong những vụ việc kéo dài lâu nhất phải kể đến án phạt 5 triệu đô đối với hãng thời trang nổi tiếng Lorna Jane (đã hoạt động trên 30 năm) bởi một chiến dịch quảng cáo sản phẩm “LJ Shield Activewear” có thể ngừa virus. Theo quảng cáo, sản phẩm được phun một chất gọi là “LJ Shield”, giúp người mặc chống lại virus và mầm bệnh, bao gồm cả COVID-19.
Ngay sau đó, TGA đã kiểm tra sản phẩm này và xử phạt Lorna Jane số tiền 39.960 đô la vì không đăng ký sản phẩm chống virus của mình vào danh sách thiết bị y tế, đồng thời họ cũng vi phạm quy định quảng cáo. Tuy nhiên, sau khi lĩnh án phạt, Lorna Jane vẫn tiếp tục quảng bá sản phẩm chống virus của mình và rồi bị khởi kiện vì vi phạm Luật Người tiêu dùng Úc.
Trong phán quyết cuối cùng, Tòa án Liên bang Úc đã chỉ ra 4 tuyên bố sai lệch và gây hiểu lầm từ chiến dịch quảng cáo của Lorna Jane, bao gồm “LJ Shield Activewear” có khả năng tiêu diệt mầm bệnh hoặc virus, bảo vệ người mặc chống lại COVID-19, làm giảm sự lây lan của COVID-19, và hãng Lorna Jane có cơ sở khoa học để đưa ra các tuyên bố nêu trên. Toà án đã ra lệnh buộc hãng thời trang này phải nộp phạt trả 5 triệu đô la cho vi phạm này.
Trong bối cảnh ngày càng nhiều công ty, cá nhân vi phạm đạo đức nghề nghiệp cũng như vi phạm pháp luật để thu lợi trong cuộc khủng hoảng COVID-19, chính phủ Úc đã cho ban hành những chính sách mới để quản lý thị trường trang thiết bị y tế, bao gồm một đạo luật riêng để điều chỉnh về quảng cáo trang thiết bị y tế, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Động thái này được xem là nhằm thắt chặt “hành lang pháp lý” về việc quảng cáo thiết bị y tế của công ty, cá nhân trên thị trường theo hướng: Thúc đẩy việc sử dụng an toàn và hiệu quả các thiết bị y tế, tránh lạm dụng; Có đạo đức, không gây hiểu lầm hoặc lừa dối người tiêu dùng hoặc tạo ra những kỳ vọng không thực tế về công hiệu của sản phẩm; phù hợp với các chiến dịch sức khỏe cộng đồng; …
So sánh với pháp luật Việt Nam, trong Nghị định 38/2021/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo quy định khung phạt từ 5-20 triệu đồng với các vi phạm về quảng cáo trang thiết bị y tế. Đơn cử có nội dung không phù hợp với Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành; Quảng cáo không đúng với tính năng, tác dụng của trang thiết bị y tế; Giấu giếm các cảnh báo liên quan đến sự cố, tác dụng không mong muốn của trang thiết bị y tế;…. Bên cạnh đó, còn có các biện pháp bổ sung như buộc cải chính thông tin, buộc tháo gỡ sản phẩm quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in quảng cáo,…
Trong bối cảnh dịch bệnh, hiện tượng “loạn” quảng cáo về công dụng của các thiết bị y tế cũng là một vấn nạn nhức nhối tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc phát hiện và xử phạt các đối tượng vi phạm trên thực tế vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt “bỏ lọt” rất nhiều trường hợp trên không gian mạng. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng khung phạt vẫn còn quá nhẹ, chưa đủ tính răn đe đối với các đối tượng vi phạm, đặc biệt trước nguồn doanh thu “khủng” từ việc bán được các trang thiết bị y tế có nhu cầu cao khi dịch bệnh đang “leo thang” trong nước.