Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, 9 tháng đầu năm 2013 có tới 43 nhóm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc với kim ngạch hơn 26,74 tỉ USD. Nhập siêu đến tháng 10 năm nay là 19,7 tỉ USD. Trong tổng kim ngạch nói trên, có nhiều nhóm hàng kim ngạch nhập khẩu từ 1 tỉ USD trở lên như máy móc, dụng cụ, điện thoại, máy tính, sản phẩm điện tử, vải, sắt thép. Nhập nhiều nhưng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc lại tăng rất khiêm tốn, chỉ 2,61%.
Vì thế, tuy là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam, sau Mỹ và Nhật, nhưng hàng hóa của Trung Quốc đang thâm nhập và phân hóa mạnh mẽ nguồn hàng được sản xuất trong nước, khiến thâm thụt thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng lớn.
Đơn cử ngành da giày, theo Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam, cho đến nay tỷ lệ nội địa hóa của ngành này mới chỉ khoảng 40-45%, tập trung chủ yếu vào đế giày và chỉ khâu giày, trong khi nguyên liệu quan trọng nhất là da thuộc và da nhân tạo vẫn phải nhập khẩu. Hay như ngành Dệt may, Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho hay, nguồn nguyên liệu phải nhập khẩu phục vụ sản xuất chiếm tới 50%, chủ yếu là từ Trung Quốc.
Đáng lo là nông sản Trung Quốc đang tràn ngập các chợ Việt Nam, trong khi Việt Nam có rất nhiều nông sản không chỉ phục vụ trong nước mà còn phục vụ xuất khẩu. Số liệu từ các cơ quan xuất nhập khẩu cho thấy, các loại nông sản, rau, củ, quả như khoai tây, gừng, chanh, nho, lê, táo, tỏi… xuất xứ từ Trung Quốc tăng trên 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Gần một nửa rau quả nhập từ nước ngoài vào Việt Nam là từ Trung Quốc.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc khoảng 52,25 triệu USD, chiếm 45,3% tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả. Nhiều sản phẩm nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam lại được “biến đổi tên họ” thành hàng Đà Lạt, Thái Lan, Mỹ, Úc…
Thâm hụt ngày càng lớn
Ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, các mặt hàng rau, quả nhập từ Trung Quốc qua cửa khẩu, nếu có giấy chứng nhận xuất xứ hàng nhập từ Trung Quốc thì thuế nhập khẩu là 0%, chưa kể rau củ không chịu thuế VAT. Lợi thế về giá đã khiến hàng Trung Quốc vượt xa so với hàng Việt Nam trên thị trường.
Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, các trạm kiểm dịch thực vật vừa có chức năng kiểm dịch bệnh và sâu hại vừa đảm nhiệm thêm chức năng kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Tuy nhiên, việc kiểm dịch hết sức khó khăn do các trạm kiểm dịch thực vật ở cửa khẩu, sân bay, bến cảng đều chưa có phòng thí nghiệm và nhân lực để có thể phân tích các chỉ tiêu về VSATTP. Việc kiểm tra rau, quả chủ yếu dựa vào cảm tính, cảm quan. Nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường mới lấy mẫu gửi về hai phòng phân tích tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh để kiểm tra, sau 7 ngày mới có kết quả, trong khi nông sản tươi không thể để lâu ở cửa khẩu.
Nhìn toàn cảnh, hai bên đã ký kết tới năm 2015 nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 60 tỉ USD. Theo dự báo của Bộ Công Thương, với kim ngạch nhập khẩu trên dưới 3 tỉ USD/tháng như hiện nay, chắc chắn lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam đến cuối năm 2013 sẽ vượt mốc 30 tỉ USD và nhóm hàng có kim ngạch 1 tỉ USD sẽ tiếp tục tăng. Như vậy, mục tiêu 60 tỉ cho thương mại 2 chiều đến năm 2015 là điều hoàn toàn có thể thực hiện được.
Tuy nhiên, kim ngạch càng tăng chắc chắn thâm hụt của Việt Nam càng lớn, phần lợi nghiêng hẳn phía Trung Quốc. Đây là một “cảnh báo” mạnh mẽ cho Việt Nam – vốn đang đối mặt với không ít bất lợi trên sân chơi kinh tế với một nền sản xuất lớn.