Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho biết, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên không tránh được oan, sai trong thực tế tố tụng hình sự. Tuy nhiên, để xảy ra oan, sai, nhất là oan đối với người bị kết án với những mức cao nhất (từ 20 năm trở lên, chung thân, tử hình), bức cung, ép cung, dùng nhục hình là không thể chấp nhận được. Nhưng việc xác định có oan, sai, ép cung, nhục hình trong vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn hay không thì phải tiến hành theo qui định của pháp luật, chứ không thể kết luận vội vàng.
Chánh án TANDTC nhận định, trong vụ án này không thể phủ nhận trách nhiệm liên đới của HĐXX, trách nhiệm của VKSND và khẳng định “oan sai phải bồi thường, vấn đề là không để xảy ra oan, sai và nếu có oan, sai phải khắc phục kịp thời”.
Bổ sung thêm thông tin về phòng, chống oan, sai, ép cung, dùng nhục hình trong điều tra hình sự, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết, theo qui định, Thủ trưởng cơ quan điều tra và điều tra viên phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra oan, sai. Tuy nhiên, Bộ Công an có trách nhiệm đối với toàn bộ hoạt động của Cơ quan điều tra nên Bộ đang chỉ đạo tiến hành kiểm điểm lại quá trình điều tra vụ án Nguyễn Thanh Chấn. Nếu có oan, sai, hành vi ép cung, nhục hình thì người có trách nhiệm trực tiếp giải quyết vụ án và người đứng đầu các cơ quan liên quan phải chịu trách nhiệm, tùy vào mức độ.
Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình thì cho rằng: “Khi có oan, sai, việc cần làm là minh oan cho người bị oan, phối hợp với cơ quan điều tra tìm thủ phạm, bồi thường, xem xét trách nhiệm của cá nhân, tập thể để xảy ra oan sai, tổ chức rút kinh nghiệm.
Vụ án ở Bắc Giang cũng không nằm ngoài các hoạt động phòng, chống, giải quyết hậu quả các vụ án oan, sai theo qui định của pháp luật. Đây là vụ án có sự quan tâm rộng rãi của công luận và Quốc hội nên VKSNDTC đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Thanh tra, Tòa án để giải quyết thận trọng vụ án này”.