Con gái vị quan chức hàng tỉnh này xây trên khu đất nông nghiệp rộng hơn 2.000m2 nhiều công trình kiên cố: căn nhà lớn chính giữa, hai bên là nhà nghỉ mát bằng gỗ lợp ngói, bao quanh có nhiều đường nội bộ lát gạch, bonsai, cây cảnh... Tất cả được bao bọc bởi bờ tường cao chừng 2m. Tất nhiên ái nữ này đâu nhiều tiền vậy mà do bố cô mua mua lại của người dân và chuyển nhượng cho vợ chồng con gái. Việc xây dựng công trình do con gái ông thực hiện, ông không hay biết gì.
Vậy là vị quan chức vô can. Do con rể ông có đơn xin giữ lại với lý do không có nhà ở, cam kết sẽ đập bỏ nếu Nhà nước thu hồi nên huyện đồng ý cho phép tồn tại. Vậy là có đủ “lý do hợp pháp” để tồn tại.
Công bằng mà nói, tiền dân hay tiền đất nước đều là nguồn lực của xã hội. Nếu “đập bỏ” cũng “của đau, con xót” chung. Điều đáng nói ở đây là sao hệ thống công cụ của chúng ta vô duyên đến thế? Khi bất kể một cá nhân hay doanh nghiệp xây dựng trái phép đều phải “thổi còi” cho kịp thời mới đúng là quản lý. Biết bao nhiêu vụ nhà cao tầng “bị cắt”, công trình bị đập... thời gian qua đều gây thiệt hại lớn về vật chất, dù là của ai.
Câu chuyện này cho thấy, 3 nguyên nhân đang tồn tại khách quan. Thứ nhất, trước hết là nhà đầu tư và các cá nhân cố tình vi phạm. Thêm một tầng nhà, khi mua là đất nông nghiệp dần dần bằng sự “lắt léo” chuyển đổi sang đất ở thì giá trị sinh lời là cực lớn. Chính vì lòng tham, họ bất chấp, sẵn sàng dẫm đạp lên quy hoạch, luật pháp. Thứ hai, một bộ phận không nhỏ chính quyền nơi xảy ra vi phạm về luật pháp xây dựng đã tha hóa, sẵn sàng “làm ngơ” vì những lợi ích riêng của họ. Thứ ba, chúng ta chưa có văn hóa tôn trọng luật pháp.
Chúng ta phải làm gì? Đập bỏ xót thật, nhưng những giá trị vô hình về lòng tin, kỷ cương còn lớn hơn nhiều, không đo đếm được.
“Phạt cho tồn tại” đang là một “bệnh dịch” của quản lý nhà nước.
Nhân dân tin vào Đảng thông qua tấm gương của những đảng viên, nhất là đảng viên giữ vị trí lãnh đạo cấp cao mà họ biết và đảng viên sống xung quanh họ. Niềm tin không thể xây dựng bằng nghị quyết và khẩu hiệu.
Nhân dân tin vào Nhà nước và pháp luật thông qua việc xử lý luật pháp của các cơ quan có trách nhiệm. Không thể có lòng tin nếu mỗi nơi làm một kiểu, pháp luật nghiêm với dân mà “né” với quan. Pháp luật thiếu công bằng và nghiêm minh góp phần khiến xã hội suy đồi. Việt Nam có một Nhà nước có quyền lực rất mạnh, trong một cơ chế tập quyền toàn diện, đáng tiếc lại không thể chống lại được những trường hợp cá biệt. Đó cũng chính là nguyên nhân làm cho công tác quản lý xã hội trở nên khó khăn.