Tuy nhiên, một đất nước trong quá trình đổi mới, phát triển theo Thủ tướng vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập. Thủ tướng dẫn chứng về 12 dự án thua lỗ không dễ dàng giải quyết, khuyết điểm là do “chúng ta chưa có kinh nghiệm về kinh tế thị trường”.
Thủ tướng dẫn ra nhiều khuyết điểm, nhất là các dự án thua lỗ. Bao nhiêu ethanol, dầu khí cũ để lại không khắc phục nổi? Rồi thép Thái Nguyên, một đống sắt gỉ bây giờ thì làm sao có thể khắc phục được? Khó khắc phục. Rồi thậm chí là chậm khắc phục. Cần có thời gian tiếp tục thúc đẩy giải quyết...
Đúng là đau đầu giải quyết hậu quả. Thủ tướng cũng nhắc đến việc thời gian qua, gần 100 cán bộ cao cấp đã bị xử lý và nhận định là “cái giá phải trả không ít”. Có lẽ nhắc đến sai phạm của cán bộ cao cấp (kể cả cấp chiến lược) không ai không đau lòng.
Trong 12 dự án thua lỗ để lại nỗi đau còn dài có nguyên nhân thuộc về chủ quan, đó là “chủ nghĩa thành tích” trong đầu tư, tiêu cực, tham nhũng. Rồi câu chuyện mua sắm trang thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19 vừa qua cho thấy, nguyên nhân thuộc về cán bộ, “lỗ hổng” trong quản lý.
Phải ghi nhận những nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc khắc phục, ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng trong công tác đấu thầu, khi xây dựng Hệ thống Mạng đấu thầu quốc gia. Công khai thông tin về đấu thầu trên Internet có thể coi là bước đi mang tính đột phá giúp nâng cao khả năng giám sát của cộng đồng và tăng cường cạnh tranh, minh bạch trong công tác đấu thầu.
Chỉ tiếc rằng, việc này chưa được thực hiện đến nơi đến chốn. Việc tra cứu thì đầy phức tạp, không đơn giản chút nào. Và các “nhóm lợi ích” không thiếu gì cách để can thiệp. Nói như thế để thấy rằng, con người dường như chưa “tương thích” với công nghệ, nguy hơn chưa “tương thích” với văn hóa và phát triển. Do vậy, tiếp tục phải bàn về “cái giá” phải trả.