Những sự cố hoảng hốt
Thông thường thì mỗi học sinh đều được cung cấp một ID và mật khẩu để có thể tham gia vào một lớp học nào đó và thông tin này là những thông tin bí mật giữa thầy cô và học sinh mà thôi. Nhưng một số học sinh đã lợi dụng điều này để công khai lên trên mạng xã hội.
Trong khi đó, học trực tuyến giai đoạn hiện nay là giải pháp tình thế, thầy cô phải làm quen với những phần mềm như Zoom, Microsoft Team,… mà không phải là phấn trắng, bảng đen, giáo án trên giấy đã tạo nên không ít những áp lực.
Thế nên, một phần là bởi giáo viên không thành tạo tin học, các sự cố như học sinh không vào được, ID, mật khẩu mới, cũ, có khi thoát ra không vào được, không nghe tiếng, lớp học ồn ào... gây mệt mỏi, căng thẳng cho cả thầy lẫn trò trong mỗi giờ học.
Không những thế, trên mạng xã hội đã có một số người lập group (nhóm) chia sẻ ID và pass room để cùng đưa thông tin tài khoản cá nhân lên mạng, lôi kéo những đối tượng quấy phá lớp học trực tuyến của mình. Dù nhóm chia sẻ này đã không còn hoạt động công khai nhưng đã kịp gây hoảng loạn cho nhiều giáo viên, học sinh bởi những clip tục tĩu, có nội dung ngoài bài giảng.
Thầy cô gặp nhiều nhất là có những tài khoản bằng nhiều cách đã vào phòng học, sau đó lấy hình ảnh, clip của dân “giang hồ mạng” như Huấn “hoa hồng”, Khá “bảnh”... phá rối lớp học. Đây hầu hết là các đối tượng đã bị đi tù hoặc đang trong thời gian cải tạo, cai nghiện. Tuy nhiên, đó lại là những “thần tượng” của không ít bạn trẻ nghịch ngợm, quấy phá…
Theo như cô V.T.H chia sẻ thì: “Mỗi ngày có tầm 3 tiết thì hầu như tiết nào cũng có hiện tượng này. Một số gương mặt vào lớp học, mượn được tên của cả học sinh trong lớp, rồi thao tác vẽ bậy vào slide khiến mình rất khó chịu. Có thể nói, thời gian ổn định lớp đã lâu rồi, còn phải dành thời gian để xử lý những sự việc này nữa, đôi khi lớp học phải dừng lại bởi cả thầy trò đều quá hoảng hốt trước những clip tục tĩu từ trên “trời” rơi xuống”.
Kiểm duyệt chặt thành phần vào lớp
Giảng viên một trường đại học chia sẻ một số bước kiểm soát khi học Zoom gồm: Khi vào lớp thì cho vào phòng chờ để duyệt; Quản lý hình ảnh thì cài đặt chỉ có host mới được share màn hình máy tính, người học không được cấp quyền này nên nếu có ý định phá tán clip, hình ảnh sẽ không làm được. Vào phòng thì tắt toàn bộ micro của người học. Lúc nào cần sinh viên nào nói thì mới nhấn mở micro cho mỗi sinh viên đó. Và cũng chỉ cấp mỗi quyền chat với host nên người học không thể chat với cả lớp.
Hiện một số trường ở Hà Nội đã chủ động lên phương án phòng tránh từ xa những tình huống xấu có thể xảy ra tại các lớp học trực tuyến. Đơn cử như 20 lớp học tại Trường THCS Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, giáo viên đã xây dựng các waiting room (phòng chờ) kèm chế độ xét duyệt từ giáo viên. Trước khi học sinh được đăng nhập vào lớp học sẽ phải qua waiting room, sau đó giáo viên sẽ kiểm tra, nếu đúng thành phần mới cho vào lớp học.
Theo TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo – GD&ĐT), hành động giao ID và mật khẩu lớp học cho người lạ thuộc về ý thức của học sinh, việc này giống như “trao chìa khóa nhà cho người lạ”.
Để hạn chế tình trạng này, TS Ngọc cho rằng học sinh phải ý thức, “biết giữ chìa khóa nhà mình một cách cẩn thận”. Bên cạnh đó, giáo viên có thể sử dụng cách dạy từ xa khác là quay video, sau đó đăng tải lên Youtube hoặc các nền tảng miễn phí khác.
Theo ông Ngọc, việc dạy theo dạng tương tác, gặp gỡ như Zoom khiến thầy cô nói chuyện thoải mái, vừa dạy vừa nhắc nhở học sinh nên giờ học bị thừa ra. Nếu dùng video quay sẵn, giáo viên có sự chỉn chu trong câu nói nên thời lượng không bị quá dài, đồng thời có thể lưu lại, sử dụng bài giảng cho các lớp học khác nhau. Ngoài ra, hình thức này cũng giúp loại bỏ việc lớp học bị “phá” bởi người lạ, giảm rủi ro bị rò rỉ thông tin.