Tại Hà Nội, Sở GD&ĐT đã tham mưu với UBND TP Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT TP Hà Nội năm 2020. Ban Chỉ đạo đã họp lần đầu vào ngày 26/6, dự kiến họp lần 2 vào ngày 30/7.
Sở đã ban hành văn bản hướng dẫn các trường THPT, các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, các Phòng GD&ĐT về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Hội nghị về thi lần thứ nhất để phổ biến Quy chế thi, tập huấn nghiệp vụ để triển khai công tác thi năm 2020 cũng đã được tổ chức.
Ngày 30/6, các đơn vị sẽ hoàn thành việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh, Sở sẽ có cơ sở để tính toán số phòng thi, dự kiến số phòng thi, phối hợp với các phòng giáo dục kiểm tra cơ vật chất các trường dự kiến chọn làm điểm thi.
Năm học 2019-2020, Hà Nội có 75.465 học sinh lớp 12, tăng khoảng 3.000 học sinh so với năm 2019. Cùng với thí sinh tự do, dự kiến sẽ có khoảng 80.000 học sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Sở GD&ĐT Hà Nội dự kiến sẽ có 3.336 phòng thi, 143 điểm thi; điều động khoảng 8.700 các bộ, giáo viên làm nhiệm vụ coi thi, giám sát phòng thi và khoảng 1.430 cán bộ nhân viên làm công tác bảo vệ, phục vụ kì thi.
Trong khi đó, Ban Chỉ đạo Thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tỉnh Vĩnh Phúc cũng vừa họp phiên đầu tiên. Vĩnh Phúc sẽ thành lập 44 điểm đăng ký dự thi, mỗi đơn vị có học sinh dự thi là 1 điểm đăng ký dự thi; thời gian đăng ký dự thi từ ngày 15-30/6.
Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc thành lập 26 điểm thi tại 9 huyện, thành phố; trong đó, 8 điểm thi chỉ có thí sinh THPT, 18 điểm thi có thí sinh giáo dục thường xuyên (2 điểm có thí sinh tự do là Trường THPT Yên Lạc và Trường THPT Tam Dương), huy động hơn 1.600 cán bộ trong ngành tham gia công tác coi thi.
Ông Vũ Việt Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh, đây là kỳ thi lớn nhất và quan trọng nhất của quốc gia, vì vậy tất cả các cấp, các ngành, các khâu tham gia phải có sự chủ động tính toán sớm, phối hợp chặt chẽ, phân công cụ thể, tránh sự chủ quan dẫn đến nảy sinh các vấn đề liên quan đến kỷ luật, pháp luật. Cần rà soát không để một học sinh nào không được thi vì kinh tế, đi lại.
Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì thống kê: "Ít có Ban Chỉ đạo nào lớn với 1 Trưởng ban, 6 phó ban và 26 ủy viên… như Ban Chỉ đạo thi này. Không chỉ các cơ quan, đơn vị đều tham gia triển khai, mà 1.600 khu dân cư, tổ dân phố, thôn xóm nào cũng có người tham gia thi". Mục đích để đảm bảo kỳ thi tốt nghiệp được triển khai nghiêm túc, an toàn, hiệu quả.
Đối với tỉnh Lâm Đồng đang triển khai tích cực công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, tỉnh Lâm Đồng có gần 14.000 thí sinh đăng ký dự thi. Toàn tỉnh có 39 điểm thi, có 583 phòng thi ở tất cả huyện, thành phố trong tỉnh. Cùng với việc đảm bảo về cơ sở vật chất, tỉnh Lâm Đồng sẽ huy động hơn 2.100 người tham gia phục vụ kỳ thi.
Ông Huỳnh Quang Long, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Sở GD&ĐT đã xây dựng phương án kế hoạch thi. Sở sẽ tổ chức tập huấn cho các thành viên tham gia phục vụ kỳ thi. Kỳ thi này từ chấm thi cho đến tổ chức kỳ thi đều do UBND tình và các huyện sẽ chịu trách nhiệm tổ chức. Trong Ban chỉ đạo kỳ thi năm nay có đặc biệt, thành phần tham gia có thanh tra nhà nước và các lãnh đạo của UBND huyện, tỉnh”.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết, đến nay các trường có thí sinh dự thi tốt nghiệp đang tích cực củng cố kiến thức, tổ chức đánh giá năng lực, phân loại thí sinh để ôn luyện. Hội đồng thi hiện đang phối hợp với các trường, các địa phương rà soát, kiểm tra cơ sở vật chất đảm bảo cho kỳ thi.