Bước qua mùa hoa phượng

Tranh minh họa: Nguyễn Văn Học.
Tranh minh họa: Nguyễn Văn Học.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Giá có cái lỗ nẻ mà chui xuống đất thì tôi đã chui tụt xuống cho đỡ xấu hổ khi tôi nhìn thấy cô, cô Nhẫn của tôi. Nhưng lỗ nẻ không có, tôi đứng như trời trồng, con dao cạo mủ cao su rơi xuống chân. Còn cô thì cứ phăm phăm đi lại phía tôi với quần áo bết mồ hôi, bụi đường.

Cô đang đi tham quan thực tế ở vùng này. Không ngờ trong những lần chat với cô, cô còn nhớ bức ảnh tôi chụp tự sướng trước cổng vườn cao su, có tấm gỗ ghi dòng chữ vườn cao su Chiều Mai. Nên sáng nay, cô đã tách đoàn, nhảy xe ôm lần theo địa chỉ đó, tìm tôi. Biết tôi chỉ làm ở đây một mình, còn Dũng thì ra phố chạy xe ôm, cô vào xin phép chủ vườn, rồi kéo tôi ra quán nước gần đường.

“Em bỏ đi, đã quen chưa?”

Tôi nuốt ngụm nước cố kìm cơn xúc động. Cuộc sống rất cơ cực. Tôi không nghĩ là khi bỏ nhà, bỏ trường chạy theo Dũng, chạy theo tiếng gọi của tình yêu, tưởng tới thiên đàng mà chẳng bao lâu sau lại là xuống địa ngục như thế này.

“Cô hỏi thật. Ba tháng hai tuần bốn ngày, vị chi là một trăm linh tám ngày, không phải là dài trong đời một con người nhưng cũng không hề ngắn đối với một cô gái vừa mới lớn khi không còn sống trong sự bình yên dưới mái nhà mình, quyết định rũ bỏ tất cả để chạy theo tiếng gọi của ái tình, có lúc nào em thấy hối hận chưa?”.

Ngụm nước trong miệng chợt đắng ngắt. Một trăm linh tám ngày bỏ nhà theo trai đã có lúc nào tôi hối hận chưa ư? Cô gặp tôi chỉ để hỏi câu xoáy sâu, vạch vòi ngóc ngách trái tim tôi? “Ánh mắt của em, đôi bàn tay gân guốc của em, màu da đen sạm của em, nhất là tiếng thở dài tưởng như đã được giấu ém đi nhưng tôi vẫn nhận ra đã không thể đồng lõa, bao che cho lời nói của em. Nhưng thôi, nói hay không là quyền của em. Nhưng công nhận là em cũng bản lĩnh đấy. Ngày xưa cô bằng tuổi em, cô nhút nhát lắm!”.

Trong những người thích tôi có một người luôn nói thương yêu tôi rất nhiều. Ngày nào cũng săn đón, chờ đợi tôi ở cổng, hay ngồi uống nước chè với bố tôi. Một lần, anh ấy tỏ tình. Tim tôi cũng hoảng loạn đôi ba nhịp vì vừa thích, vừa sợ, tôi vẫn còn đang đi học, nhưng tôi vẫn bình tĩnh gỡ tay anh ta ra và bảo, em còn phải đi học, hãy coi em như em gái.

Lúc tôi lên nhận lớp cấp ba là lúc đứa bạn gái thân đi lấy chồng. Một tháng sau, thêm đứa nữa. Mẹ tôi cứ bâng quơ, học hành làm gì nhiều, hay đi học nghề vài tháng rồi xin vào chân của mẹ, thế là ổn. Chân của mẹ là làm công nhân xí nghiệp thủy nông, công việc cũng ổn định. Một tháng nữa thì bốn bà bạn mẹ cùng làm trong xí nghiệp thủy nông cho con đi học sơ cấp vận hành bơm nước, có chị đã học xong cấp ba nhưng thi rớt đại học, có chị đang học dở lớp 11, có bạn cũng vừa vào học lớp 10 như tôi, họ đều nghỉ học để đi học nghề ra làm công nhân. Mẹ bảo hay tôi cũng chuyển qua học nghề để ra có đợt tuyển vào xí nghiệp là xin một thể, sau sợ chính sách thay đổi, mất chân. Nếu tôi học dốt mà không thi được đại học lại quay đầu trở lại mới xin, e khó khăn”.

“Có những giây phút con người ta không biết để tâm trí ở chốn nào. Người ta chỉ biết nhìn trước mắt mà không biết phóng tầm mắt vượt qua chướng ngại vật để nhìn ra xa hơn, nhìn ra nơi có nhiều ánh sáng hơn. Đôi khi có quyết định khiến con đường mình đang đi thẳng lại trở nên ngoằn ngoèo. Tôi là một như thế. Tôi đã nghỉ học, em ạ. Chỉ vì một lí do đơn giản, chuyển qua học nghề tôi sẽ có một nghề nghiệp ổn định tuy giản dị. Thấy và nghe nhiều người nói phải, con gái chỉ cần có một nghề ổn định, lấy chồng biết đẻ con, thế là có thể sống hạnh phúc cả đời. Tôi đã quyết định lựa chọn hướng đi ngắn mà an toàn.

Một tối trăng tròn, ngồi trông máy bơm cùng tôi, anh ấy nói, sẽ đi bộ đội. Tôi bảo, làm trai thì nên tung hoành ngang dọc chứ ở nhà mãi chán lắm. Con người không có sự nghiệp liệu có tình yêu? Anh vuốt tóc tôi, hỏi, em có chờ được anh không? Hồn nhiên, tôi trả lời, em không biết đâu.

Mọi sự không hề như tôi nghĩ vậy. Công việc nhàn, càng khiến đầu óc tôi nghĩ ngợi quá nhiều. Nhìn đám bạn vẫn đạp xe đi học mà thèm. Tôi đã ân hận, day dứt triền miên về việc nghỉ học của mình. Có thể nói đấy chính là niềm hối hận nhất từ trước tới nay của tôi. Hai nữa là tôi đã không thể quên anh ấy ngay như tôi tưởng. Mà càng thấy nhớ anh ấy hơn. Tôi hiểu rằng mình đã biết yêu, yêu người đã đi xa thì thật là đau khổ. Đó là sự hối hận thứ hai. Giận mình lúc người ta còn ở nhà cứ vờn vờn với thứ tình cảm loãng như cháo hoa, lại còn nhạt thếch, giờ thì tự mình chuốc lấy đau khổ.

Một đêm ngủ mơ, tôi thấy mình lại cắp sách tới trường, vui lắm. Tỉnh dậy vẫn nao nao. Nghĩ ngợi cả ngày, cả đêm hôm sau, tôi chợt nảy ra ý định xin đi học bổ túc. Công việc có thể đổi ca. Một sáng, sau khi đi vòng qua vòng lại ba lần trước cổng trường bổ túc, tôi đã rụt rè bước vào. Thầy giáo hiệu trưởng trường bổ túc tiếp tôi, bảo tôi xin giấy chứng nhận đang học dở lớp mười thì sẽ nhận vào. Tôi cùng người bạn gái đang học ở đó đến trường xin. Rồi tôi đi học, gần hai năm kết thúc khóa học, lại vừa làm vừa tự ôn, may mắn đã đỗ sư phạm.

Cho đến lúc nhận được giấy báo nhập học tôi chợt nhớ tới anh ấy, người tôi muốn báo tin đầu tiên là anh ấy, nhưng chúng tôi đã mất liên lạc với nhau từ lâu rồi. Giờ thì tôi ngồi đây, kể cho em nghe câu chuyện một thời nông nổi của mình. Tự dưng, tôi thấy thật tin tưởng em, con người liều lĩnh, đã có những quyết định làm giật mình người khác. Có thể đã có rất nhiều tiếng nói cất lên can ngăn em, kể cả tôi, với cương vị là giáo viên chủ nhiệm trong những ngày đầu tôi đã không ngừng vận động em trở về lớp, vì chỉ còn mấy tháng nữa là em tốt nghiệp.

Nhưng giờ gặp em ở đây, thấy em dấn thân vào đời một cách tự nguyện theo ý của mình thế này, tôi đã ngộ ra rằng những can ngăn, khuyên nhủ khách quan đối với em đều là vô ích, đó chỉ là những tiếng nói ngược với tiếng nói trái tim em, lúc này nó đang choáng ngợp trong tình yêu lại là tình đầu thì luôn say đắm và mãnh liệt, bản thân em đã chỉ nghe theo tiếng nói của chính trái tim mình. Chỉ khi nào tự đáy lòng em nảy sinh ý định muốn trở về khi đó em mới có thể trở về mà thôi. Đôi khi cũng phải đi theo ngã rẽ nhỏ thì mới nhận được ra đường lớn!”.

Trở về nhà trọ, tôi ngồi bần thần, thao thức. Cũng thêm một đêm nữa, Dũng đã không về. Kể từ khi rủ nhau bỏ trốn vào trong này, đây là đêm thứ sáu Dũng đi đâu đó không về. Lần đầu tiên, tôi điên cuồng sau một đêm chờ đợi đã gào lên chửi Dũng là đồ sở khanh, bị Dũng tát cho một cái trời giáng, văng cả máu mũi. Lần thứ hai tôi chỉ biết khóc rồi những đêm Dũng vắng nhà tiếp theo thì tôi đã mặc kệ, tôi lầm lì và mất ngủ. Công việc vất vả, lại không có tiền ăn chơi như trước nữa, tình yêu cũng bay theo, giờ cuộc sống của hai đứa chỉ còn là những cuộc cãi cọ. Nhưng sao tôi có thể nói cho cô Nhẫn biết sự thật phũ phàng đó. Khi bỏ nhà, bỏ học ra đi với người yêu, tôi đâu có nghĩ kết cục lại ra nông nỗi này. Hồi ấy Dũng ga lăng, Dũng mềm mại, yêu chiều tôi hết mực, Dũng đã rủ tôi bỏ trốn theo Dũng vì biết bố mẹ tôi không đồng ý cái thằng công nhân làm thuê đến dụ dỗ con gái mình, mặc dù bố mẹ đã kèm tôi như kèm kem, bố đưa đón tôi đi học, về tới nhà thì nhốt chặt trong buồng không cho ra ngoài gặp Dũng. Vì quá mê muội, tôi đã trốn khỏi nhà đi tìm Dũng. Chúng tôi quấn lấy nhau. Sáng hôm sau thì chúng tôi lên đường đi trốn theo kế hoạch vừa phát sinh.

Ai đó nói đúng quá, tình yêu cho ăn no thì chóng chán. Thời gian đầu Dũng còn yêu chiều, cưng phục tôi, tới tháng thứ hai thì bộ mặt thật của Dũng lộ rõ. Dũng bắt đầu cáu kỉnh, chửi tục và lộ rõ bộ mặt nghiện cờ bạc, lô đề, không còn là Dũng lúc mới yêu ga lăng, hào hoa nữa, mối hối hận ngấm ngầm giày vò trong tôi vì đã ngu muội chạy theo tình yêu mù quáng.

Chừng tám giờ sáng thì có tiếng mở cửa. Vừa nhìn thấy tôi nằm co ở nhà Dũng đã gầm lên: “Mệt cái mả nhà cô!”. “Anh cấm được động tới nhà tôi, anh cũng đi suốt đêm đấy thôi. Sống thế này sao sống được! Anh là đồ đểu!”. “Gái đĩ già mồm, đồ đểu này!”. Dũng vung mũi giày, đá vào lưng tôi hai cái, đau nhói, rách một mảng da, máu ri rỉ chảy. “Không sống được thì mỗi đứa cút một phương cho rảnh!”.

Dũng vơ hai bộ quần áo, chạy ra sân, phóng xe cút thẳng. Tôi nằm bẹp vì đau đớn, thất vọng, ê chề, tôi khóc cho đến lúc tưởng như không còn nước mắt để mà khóc được nữa thì tôi quyết định vùng dậy.

Theo địa chỉ khách sạn mà cô đã nói, tôi tìm được cô khi xe chuẩn bị chuyển bánh. Vừa nhìn thấy cô Nhẫn, tôi đã bật khóc tức tưởi, cô ôm chặt lấy tôi, khẽ khàng, cứ khóc đi cho vơi bớt nỗi lòng!

Nhiều người cứ nghĩ tôi không đứng lên được sau cơn bão giông đầu đời tơi bời ấy, nhưng không, tôi vẫn quyết tâm đứng lên bằng đôi chân của mình vì bên cạnh tôi còn có bố mẹ, người thân và nhất là cô giáo Nhẫn với những câu chuyện mà cô đã kể cho tôi nghe và cả những tiếng nói ngược nhưng lại vô cùng công hiệu của cô.

Đầu năm học sau, cô xin cho tôi học lại lớp 12. Dù chuyện của tôi không thể giấu được, nên đã không tránh khỏi những lời gièm pha, những cái nguýt lườm khi ở trường lúc về nhà, nhưng tôi mặc kệ tất cả, chỉ lao vào học, chỉ biết có học. Kể cả tin đến tai tôi là Dũng đã về quê và cưới ngay một cô gái con nhà giàu ngoài phố được bố mẹ cô ta cho hẳn một căn hộ mới xây cũng chẳng làm cho tôi xao động. Điều đó càng giúp tôi quên hẳn anh ta đi.

Cô Nhẫn vẫn luôn theo sát động viên tôi. Cả mùa phượng đỏ rực chói chát, cô sát sao kèm cặp tôi để chuẩn bị kỳ thi quốc gia. Khi trên cành phượng chỉ còn vài chùm cuối mùa rực đỏ thì giấy báo đỗ đại học đã tới tay tôi. Tôi lao đến gặp cô, cô ôm lấy tôi, vui tưởng rơi nước mắt. Cuối cuộc trò chuyện, không khí cởi mở, lại biết chắc chồng cô đi ra vườn trồng cây, tôi hỏi giọng thì thầm:

“Chú ấy có biết chuyện ngày xưa cô từng thầm yêu anh bộ đội ấy không ạ?”.

Cô cười, hai gò má ửng hồng như cánh phượng. Thật ra, chú ấy chính là anh bộ đội ấy. Sau này, chú ấy ra đảo công tác, một lần về phép, đi họp phụ huynh cho em gái, thế là bọn cô tìm lại được nhau...

Tin cùng chuyên mục

Ảnh minh họa. (Nguồn: NB)

Mùa thứ năm

(PLVN) - Anh hay nói với tôi anh rất thích mùa thứ năm và lúc ấy tôi vẫn hay tròn mắt hỏi ngoài “xuân, hạ, thu, đông” liệu vẫn có một mùa nào mà tôi chưa biết sao? Những lúc ấy anh sẽ phì cười cốc nhẹ vào đầu tôi và buông ra một từ “ngốc”. Anh lãng mạn, sự lãng mạn của một chàng sinh viên khoa văn, dưới bóng chiều hay ngồi ôm ghi ta đàn hát. Mùa thứ năm không có thật nên anh yêu nó, vì anh hay dùng nó để chứng minh sự vô hạn mà tình yêu anh dành cho tôi.

Đọc thêm

Ba dượng

Ba dượng
(PLVN) - Ngày mẹ đi thêm bước nữa tôi nhất quyết không đến dự đám cưới của bà. Một đứa trẻ lên tám khi ấy chỉ muốn có một gia đình yên ấm, làm sao đón nhận được một người xa lạ đến ở cùng để rồi “ba” phải ra đi và mình phải gọi người đó bằng “ba”.

Tản mạn về chiếc nồi cơm điện

Tản mạn về chiếc nồi cơm điện
(PLVN) - Dạo gần đây, hình ảnh chiếc nồi cơm điện xuất hiện ngày càng nhiều. Nhà nhà, người người đều tập ôm nồi. Tôi bỗng để ý hơn đến cái nồi cơm điện nhà mình. Rồi bỗng sực tỉnh nhận ra thứ vô tri, vô giác trong nhà hóa ra cũng có nhiều ý nghĩa ra phết.

Chuyện bên sông

Chuyện bên sông
(PLVN) - Đa lớn lên trong căn chòi nhỏ neo người bên cánh sông buồn. Căn nhà nhỏ của hai mẹ con nó mỗi đêm sau khi qua đi những nhọc nhằn của ngày thường, thì càng về đêm càng yên tĩnh.

Trong mênh mông sắc hoa

Tranh minh họa: Trường Thịnh
(PLVN) - Sáng tinh khiết, bình minh đang lên. Sương quyện hương sen trong những ngày thanh tao của người cựu binh già. Ông Minh vừa nhấp ngụm trà đầu thì thằng Giới hốt hoảng chạy sang. Nó thông báo tin sét đánh. “Ông ơi, anh Nên cưa trộm sưa, mang đi rồi”. Ông hạ chén xuống, thảng thốt: “Nó cưa hồi đêm hả? Trời ơi!”. Ông lao theo thằng cháu đến nhà con cả Vấn. Cây sưa quý của dòng họ “ngự” ở mé sân vườn, do Vấn trông nom. Vậy mà…

Cuộc đua với thời gian

Ảnh minh họa. (Nguồn: Pinterest)
(PLVN) - Con người luôn dành cả cuộc đời để chạy đua với thời gian. Từ việc bào chế thuốc trường sinh, vội vàng lưu giữ những bức ảnh, cho đến việc sống gấp.

Nghệ nhân

Tranh minh họa: Trần Công Nguyên
(PLVN) - Doãn hăm hở hùn vốn mở cửa hàng kim thủy khí, cung cấp máy móc. Vậy mà đổ bể.

Mùa tỏi cô đơn

Mùa tỏi cô đơn
(PLVN) - Mỗi khi tàu nhả khói chạm vào vòm cây xà cừ cổ thụ chỗ nền ga Điềm cũ sẽ rúc những hồi còi dài dằng dặc, tiếng bánh sắt lăn rình rùng trên đường ray. Đường gạch chật chưỡng dưới chân Miên.

Hãy níu nhau thêm một chút…

Hãy níu nhau thêm một chút…
(PLVN) - Cuộc sống thời số hóa, mọi buồn vui, hạnh phúc, hỉ nộ ái ố với nhiều người đều ăm ắp trên mạng xã hội… Nhưng có một cô gái đã chết khô trên sofa đã hơn một năm trong căn hộ tại một chung cư ở Hà Nội lại không có - dù chỉ là một kết nối thực...

“Cẩm nang chữa nói ngọng” - phát huy những nét đẹp của giọng nói vùng miền

Cuốn sách giúp người nói chưa chuẩn tiếng Việt, có thêm nhiều hướng dẫn thực hành và luyện tập sửa ngọng tại nhà. (ảnh P.V)
Tối ngày 14/5/2024, chuyên gia ngôn ngữ Nguyễn Thị Thanh Mai ra mắt cuốn "Cẩm nang chữa nói ngọng" (NXB Thanh Niên) tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Qua cuốn sách, chuyên gia ngôn ngữ cũng là MC của Đài Truyền hình Việt Nam này muốn giúp những người nói tiếng mẹ đẻ chưa chuẩn có thể áp dụng và chỉnh sửa điều đó.

Buông

Ảnh minh họa
(PLVN) - Nếu mà bà không thương ông thì buông tha cho người ta để người ta còn đi lấy vợ nữa chứ?

Giọt trăng dưới biển

Ảnh minh họa. (Nguồn: Pinterest)
(PLVN) - Biển Hồng Vàn đẹp, là cái đẹp của một người phụ nữ kiều diễm, nhưng đỏng đảnh khó chiều.

Hương mùa hè

Ảnh minh họa. (Nguồn: Pinterest)
(PLVN) - Cuối xuân mà Hà Nội cứ như đã vào hè, trời nóng hầm hập, bức bối muốn xé toạc lớp da của mỗi người.

'Lần về sau anh sẽ về hỏi cưới em'

Ký ức chiến trường xưa. (Tranh minh họa: Báo Lâm Đồng)
(PLVN) - Tháng tư đến mang hương vị của những lời nói dối phảng phất đâu đây. Cái khí trời thêm se lạnh khiến lòng người như đang chợt hỏi, xuân vừa ghé qua sao lại mang cái oi ả sớm tới rồi. Người ta thường bảo tháng tư là tháng của những lời nói dối, nhưng có bao giờ có ai tự nghĩ rằng trong vô số những lời nói ấy, thực sự thì cũng có những lời nói dối thiện - lương?

70 tác phẩm hội họa “Đường lên Điện Biên”

Một tác phẩm hội họa trong triển lãm “Đường lên Điện Biên” (ảnh Bảo Châu).
(PLVN) - Triển lãm “Đường lên Điện Biên” giới thiệu 70 tác phẩm hội họa, đồ hoạ, điêu khắc, ký hoạ, áp phích, sáng tác trong giai đoạn 1949 -2009 của 34 tác giả, được lựa chọn trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Mưa phượng

Mưa phượng
(PLVN) - Tháng tư, vài cây phượng nở sớm bắt đầu khoác lên mình những con bướm vàng đỏ đủ cả. Chúng lấp ló dưới những tán lá xanh um chơi trò trốn tìm với những cô cậu nhỏ đang đuổi bắt dưới gốc cây. Mùa phượng hãy còn sớm, nhưng cũng đủ để thức tỉnh những lòng yêu phượng theo cơn gió mơn trớn đến đâu đây. Tìm những con bướm phượng lẩn trong đám lá xanh um ước chừng còn vui hơn cảnh nhìn thấy tầng tầng hoa phượng buổi đương mùa.