Không ai có thể ngăn cản được sự sục sôi, không đến mức làm cho cây cối trở nên cháy trụi nhưng đủ để khiến sự oi bức lên đến cực điểm. Khắp nơi mà ngay cả trên bản tin thời sự cũng đưa tin về cái sự nắng ngợp trời này, khi đó, ba đi làm. Cơn nắng không quên ba, nó táp từng cơn vào gương mặt ba bỏng rát…
Tôi nhớ năm ấy tôi bước vào năm cuối cấp một, khi ấy tôi vẫn còn trong độ tuổi ham chơi, mẹ lúc ấy trở bệnh nặng rồi từ đó không còn đi bán ngoài chợ được nữa. Mọi chi tiêu trong gia đình đổ dồn lên vai ba, ba thậm chí tăng ca hôm nào cũng đi làm thật sớm rồi về nhà rất trễ. Thậm chí có những ngày tôi còn không được thấy mặt ba vì ba đi khi tôi chưa dậy còn về khi tôi đã ngủ rồi. Tôi càng lớn lên học phí càng tăng cao và đủ thứ khoản chi tiêu, kể cả tiền thuốc thang cho căn bệnh của mẹ, mẹ phải gượng dậy nhận thêm nhiều việc thủ công có thể làm tại nhà để đỡ đần cho ba. Khi ấy trường tôi mới chuyển đến khu đất mới, xung quanh nhà dân còn thưa thớt và phía trước trường có một con lạch nhỏ nước rất mát mẻ. Mùa hè năm nào cũng oi bức với quyền lực của nữ hoàng mùa hè, tháng cuối cùng trước khi được hè càng trở nên nắng dữ, vì thế lũ nhóc chúng tôi mỗi khi ra chơi hoặc khi tan học vẫn hay ùa ra phía trước con lạch để mà trầm người. Con lạch dài chảy vắt vẻo quanh khu đất mới, nước nông thôi, ước chừng cao hơn đầu gối một chút, trong veo và rất mát lạnh, như đối lập với cả con nắng ở bên ngoài. Vì thế lũ trẻ chúng tôi rất thích. Ngày đó, vì nghịch nhiều dưới nước trong khi trời nắng, nhiều đứa trong đám chúng tôi bị sốc nhiệt, đổ bệnh không đi học được. Tôi may mắn khỏe hơn tụi nó nhưng tại vì biết ngày hôm đó có tiết kiểm tra nên giả vờ bệnh để được nghỉ học. Mẹ tôi khi ấy vì tái khám nên nằm viện không chăm được, ba tất bật dậy từ rất sớm nấu cơm mang vào viện cho mẹ, nhờ giường bên chăm hộ rồi lật đật về lo cho tôi. Ba xin nghỉ làm đến chiều vì chiều mẹ sẽ khám xong về và sau đó tăng ca thức nguyên đêm để làm bù. Vì thế, ba đổ bệnh. Không phải chỉ vì một hôm làm ba bệnh mà là vì suốt khoảng thời gian qua ba đã gắng gượng rất nhiều.
Phải nói từ khi còn nhỏ ba như là người hùng của tôi, nên cảnh người đàn ông cao lớn với làn da đen sạm ấy nằm im lặng trên giường thở dốc vì lên cơn sốt khiến tôi cảm thấy vừa mất mát, vừa lo sợ với nhiều suy nghĩ ập đến. Tôi còn nhớ bàn tay to bè của ba đặt lên má tôi… Cơn nắng bao trùm lấy ba, bao trùm cả sự hối lỗi của tôi trong cả mùa hè năm ấy. Lúc đó tôi mới hiểu được, tôi giả vờ ốm để nghỉ học, còn ba giả vờ khỏe chỉ để đi làm...
Khi tôi lên đại học, tôi học xa nhà. Rất lâu tôi mới về thăm nhà một lần, có khi cả năm trời vẫn không về được, vì tiền tàu xe mắc quá và cũng vì tôi cố gắng đi làm thêm để có tiền trang trải việc học không muốn làm gánh nặng thêm cho ba mẹ. Dù thế với mức lương làm thêm có hạn của sinh viên, tôi vẫn nhận được những khoản tiền ba mẹ đều đặn gửi lên phố hơn là có thể tự trang trải được. Những lần tôi gọi điện về lúc nào ba mẹ cũng nói mình vẫn ổn, ở quê gì cũng không thiếu, rau đầy vườn, đổi bữa thịt cá, ba vừa nuôi thêm mấy con heo, dăm con gà, lại có trứng... Thế nên tôi cũng yên tâm hơn để tập trung vào việc học chỉ với quyết tâm có thể mau tốt nghiệp, kiếm được một công việc tốt hơn để có thể lo cho gia đình. Thi thoảng ba mẹ lại nhờ người gửi lên cho tôi những tấm hình chụp những bữa cơm đầy đủ và cảnh ba mẹ làm những việc trong nhà như đơn giản ngồi coi tivi, chăm gà ngoài vườn để tôi yên tâm biết rằng họ vẫn ổn.
Khi tôi học năm ba, đã hai năm tôi không về vì tôi không chỉ lo hồ sơ học bổng rối rắm với việc học nên muốn tạo cho ba mẹ một bất ngờ là đột ngột về thăm nhà. Căn nhà của tôi một góc vườn đã được rào lại như thuộc về nhà hàng xóm, chuồng lợn cũng chỉ còn mỗi một con, dăm ba con gà thả vườn mẹ vẫn hay gửi hình cho tôi xem cũng không thấy cứ như chúng đang tha thẩn tìm thức ăn ở đâu trốn nắng. Mái nhà quen thuộc mất đi một phần như dư âm của cơn bão vừa rồi trút xuống quê tôi chưa kịp lợp lại. Nơi chái bếp quen thuộc là hình ảnh ba má tôi đang quây quần ngồi ăn cơm. Khi tôi nhanh chân bước vào, như một sự phản xạ ba tôi vươn mình định che lấy mâm cơm chỉ có chén nước mắm và bát canh rau muống cùng mớ rau luộc vẫn còn hơi nóng...
Sau khi tốt nghiệp loại giỏi tôi được phân công về quê công tác, làm giáo viên trường huyện. Ba mẹ rất tự hào về tôi, dù lương giáo viên không nhiều nhưng ít ra cũng có đồng ra đồng vào vừa có thể giúp ba mẹ chút ít, vừa có thể tự lo cho bản thân lại còn ở gần để chăm sóc ba mẹ. Được ít năm tôi cưới, cũng lấy một anh giáo làng. Ngày tôi cưới, ba mẹ dành dụm đưa được ít vàng đặng gọi là của hồi môn, lại một lần nữa tôi nhận ra tôi gửi tiền để ba mẹ có thể mua sắm cho bản thân họ đều để dành cho tôi ngày vu quy. Lúc đưa dâu, ba không nói gì, chỉ có mẹ thì khóc.
Ước chừng tiễn tôi lên xe hoa xong ba đi vội vào nhà, tôi vội đi theo, ba không biết tôi đứng ngoài cửa phòng, bên trong tôi nghe tiếng ông nấc rất khẽ. Ông giả vờ mạnh mẽ để tiễn tôi đi lấy chồng...