Tia nắng

 Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cô nhìn bóng nắng nhảy nhót bên ngoài khung cửa kính và tự cảm thấy nhói đau nơi bờ mắt khi ánh nắng chói chang của trưa hè bắt đầu thiêu đốt cô từng hồi. À thì ra không phải là ở bên trong nhà là đã được bảo vệ khỏi ánh nắng ngoài kia rồi sao, y hệt như cuộc sống, cứ tưởng chỉ cần đi bên lề niềm đau là sẽ không bị ảnh hưởng, nào ngờ chỉ một vệt hắt lại cũng đủ khiến đưa con người ta đến cảnh khốn cùng.

Cô hay có thói quen thả hồn vào tư lự, cái dư âm của một nhà văn lưu luyến nghiệp viết nhưng rồi trở nên dang dở vì kết hôn. Khung cửa kính làm cho ánh nắng hắt vào mỗi lúc một mạnh hơn khiến cô hơi lùi lại, khu phố dường như bị chìm trong bóng trưa trở nên tĩnh tại, từng hàng hoa giấy nơi lề đường bắt đầu bung xòe những chùm hoa đầy màu rực rỡ.

- Hay mình trồng cây hoa giấy trước hiên, vừa tỏa bóng mát, vừa có hoa để ngắm anh nhỉ?

- Em không thấy nắng đã đủ chói mắt rồi mà còn thêm cái màu đỏ hồng gì đó của hoa thêm chói hơn sao? - anh đẩy gọng kính trên chóp mũi rồi tiếp tục chúi đầu vào tờ Thời báo kinh tế - Anh còn thấy người ta ca ngợi về việc mùa phượng nở, còn anh chỉ cần đi ngang mấy khu trường nhìn thấy chúng là đã thấy chói cả mắt.

Cô đưa tay chạm hờ vào cửa kính rồi quay đầu lại bước vào nhà, rõ ràng ban nãy cô thấy cả một hàng hoa giấy nhưng không hiểu sao giờ đây chỉ toàn thấy những cây me đan xen nơi công viên và cả những chiếc lá bàng đương rụng… Chiếc nhẫn trên tay siết mỗi lúc một chặt hơn, cô quay đầu xuống bếp chuẩn bị bữa ăn cho anh để anh ăn rồi nghỉ ngơi trước khi vào ca làm.

Ngày cô lấy chồng mọi người đều cho rằng cô may mắn. Cô khi ấy vừa tròn hai lăm, tốt nghiệp ra trường lại đi theo con đường mộng tưởng, quyết dành cuộc đời cho văn chương. Cũng không phải nổi tiếng gì, tự nhận là một nhà văn nhưng chỉ thi thoảng viết, thi thoảng được đăng báo và cuộc sống cứ gối đầu nhờ những khoản nhuận bút ít ỏi và biết cân đối. Anh quen biết cô nhờ mai mối, hơn cô năm tuổi, là trưởng phòng tài chính của một công ty lớn. Mọi thứ về anh dường như là hào nhoáng đối với cuộc đời bình lặng của cô. Anh thích cô là sự thật, con gái khoa văn thường khoác lên mình một vẻ gì đó quá đỗi dịu dàng. Tuy chỉ là một nhà văn không khá giả nhưng ấn tượng về sự nhẹ nhàng trong cử chỉ cũng như khá nhỏ nhẹ khi ứng đối làm anh ấn tượng. Có lẽ đâu đó bản tính gia trưởng trong anh tồn tại khiến anh không thể thích nổi mấy cô gái năng động thời nay. Đám cưới cô khi ấy, nghe được nhiều nhất là sự ganh tị, không chỉ của bạn bè mà còn của cả người thân, hàng xóm... Bởi hàng dài những chiếc xe ô tô đến rước dâu và chàng rể bóng bẩy nom khá giả với đám cưới kéo dài cả một ngõ hẻm nhỏ...

- Em quên rằng anh nói hôm nay xay rau má cho anh hay sao?

- Mẹ hồi nãy có đưa chanh dây và bảo em làm cho anh...

- Giờ em còn lấy cả mẹ ra làm lí do nữa à?

Cũng không biết từ lúc nào cô nhận ra cô không có tiếng nói trong cuộc hôn nhân này. Hai người mới cưới nhau được ba năm mà cô cảm thấy như đã cả thập kỉ, khi nó nhuốm màu rêu phong đến chán chường. Ngày đó, cô an phận gả cho một người mình mới gặp ba lần, cô tin rằng chỉ cần có sự hi sinh và anh vốn là một người có chỗ đứng trong xã hội sẽ rất biết cách cư xử, ít ra là biết tôn trọng cô. Quả thật bề ngoài ưa nhìn và anh cũng là một người có lối sống lành mạnh, anh chung thủy, đề cao hôn nhân và không đụng tới rượu, bia, thậm chí thuốc lá còn là thứ làm anh khó chịu. Nhưng anh gia trưởng. Anh không có thói quen lắng nghe và anh muốn mọi thứ phải làm theo ý mình. Ban đầu, khi kết hôn, anh mua một căn nhà mới dưới phố, không để cô sống cùng mẹ chồng, ai cũng khen anh tinh tế, sợ cô chịu cảnh mẹ chồng - cô dâu. Nhưng chỉ có cô mới biết được dưới cái bóng hào nhoáng ấy đơn giản vì anh không muốn trong nhà có quá nhiều người, việc anh lấy vợ chỉ như tô điểm cho sự hoàn hảo của mình và cũng để cô chu toàn việc nhà khi anh quá bận rộn. Cô không nhận ra tính cách của anh vì những lần hiếm hoi hai người gặp anh cư xử rất lịch sự, rất dễ được tin tưởng. Căn nhà anh mua đồ nội thất trong nhà hoặc từng cách trang trí dù bận rộn cách mấy anh cũng tự đứng ra lựa chọn, cô vốn không giỏi việc đó nên không nghĩ gì nhưng rồi thời gian qua đi cô nhận ra mình thực sự không có tiếng nói gì cả.

- Cậu thật sự không định viết nữa sao? Nhà xuất bản liên hệ mình mấy lần, cuốn tiểu thuyết còn dang dở đoạn kết ấy, họ thực sự rất ấn tượng.

- Chồng mình không muốn... - cô hơi do dự - anh ấy nói nếu nó được xuất bản, người ta sẽ nghĩ rằng mình viết về cuộc hôn nhân hoặc có hiểu lầm gì đó...

- Nó được viết trước cả khi cậu lấy chồng mà!

Nam nhìn cô và lắc đầu, cậu là bạn thân của cô từ hồi cấp ba, rồi lên cả đại học, hai người học chung một ngành. Sau đó, cô lấy chồng, còn cậu vào làm trong nhà xuất bản. Dù thân thiết nhưng vì chồng cô hay ghen nên họ cũng chỉ có thể tranh thủ những lúc chồng cô đi vắng, hai người ra một quán cafe đông đúc nào đó tán gẫu. Nam đã đi cùng cô trong suốt những năm tháng cô mới chập chững với nghề viết, khi cô còn là một cô nàng yêu văn chương mới bước vào cấp ba khoa xã hội, đang thả hồn vào mơ mộng, tai thì cắm phone nghe một bài hát, tay thì đang viết những câu thơ. Nam học cùng lớp nhưng lại chuyên về sử, khi ấy đã trêu cô bạn cùng lớp bằng cách giật tờ giấy viết những câu thơ, đọc lên cho cả lớp cùng ghẹo.

- Ngày đó, cậu đã khóc. Làm mình sợ quýnh cả lên.

Thi thoảng hai người lại cùng hồi tưởng về những đoạn kí ức đã qua. Trong khi chồng cô giống như cả cơn nắng mùa hè, chói chang đến độ khiến cô cảm thấy khó gần thì Nam lại như một tia nắng nhỏ, có khi le lói, có khi bừng lên chỉ là không bao giờ tắt. Người ta thường dễ bị hấp dẫn bởi những cơn nắng và luôn lãng quên sự sự lặng lẽ của những tia nắng.

- Và cậu đã phải lẽo đẽo theo mình cả tuần liền.

- Gì cả tuần, cả tháng đấy chứ.

Nam kéo cốc cafe mà quán vừa mang ra để trước mặt cô lại phía mình, vớt bớt đá ra lại thêm tí sữa vào và khuấy nhẹ, đến khi sữa được đánh thật tan anh mới đẩy lại phía cô.

- Mà sao một cậu chuyên sử lại thi đại học vào ngành văn?

- Vì mình là nhân tài học gì cũng được.

Cả hai lại phì cười đánh rơi bóng nắng ngoài kia. Sau khi tốt nghiệp, khi cả gia đình phản đối con đường cô đi cũng chỉ mình Nam vẫn ủng hộ, cậu luôn cố gắng động viên cô. Khi xin được việc vào nhà xuất bản cũng giới thiệu cô với nhiều nhà văn lớn, đủ để truyền tải kinh nghiệm cho cô giúp bút lực cô thêm dồi dào. Ước mơ của cả hai người là có thể xuất bản được một cuốn tiểu thuyết mà cô đã tập tành viết từ hồi còn trên ghế nhà trường nhưng vẫn dang dở. Thế rồi... cô lấy chồng. Mọi dự định của hai người đều tan vỡ. Nam không can thiệp nhiều vào quyết định của cô vì cả hai đều đã trưởng thành, có sự lựa chọn cho mình. Nhác thấy sắp tới giờ nấu cơm cô đứng dậy đi về, Nam vội đứng dậy kéo ghế ra vì sợ cô vướng, không gian quán có phần hơi chật.

- Khi nào cậu rảnh, mình luôn đợi...

Phải nói lúc nào cô cũng có biết Nam sẽ đứng sau cô, cô mỉm cười: “Mình sẽ cố gắng làm phiền cậu đến khi cậu lấy vợ”. Khi về nhà, đã thấy chồng cô ở nhà, anh đang pha một ly cafe đắng tự uống, chỉ một hành động đó cũng đủ để hiểu anh đang rất giận.

- Gặp Nam à? - khi cô chưa kịp nói anh đã vội cất tiếng - Anh không cấm em gặp bạn thân cũ nhưng nếu gặp thì nên gặp xa nhà một chút. Hàng xóm thấy lại không hay.

Nếu là cô của những ngày cũ có lẽ sẽ giải thích, sẽ nói lại, vì cô không làm gì có lỗi, thậm chí cô sợ điều tiếng đến độ gặp tại chỗ đông người. Nhưng cô hiểu anh chỉ muốn cô lắng nghe anh chứ không thực sự muốn nghe cô nói. Anh chỉ muốn cô yên phận làm một người phụ nữ của gia đình, anh luôn đưa cho cô dư tiền để xài. Anh không để cô thiếu thốn bất kì thứ gì, cũng khá hào phóng khi mua đồ cho gia đình cô. Nhưng anh không dụng tâm vào mối quan hệ này, tất cả anh cho cô chỉ là vật chất. Cô không tham lam, bằng chứng là suốt ba năm qua cô không hề oán thán, chấp nhận lệ thuộc, chấp nhận hiểu lầm và để người ngoài nhìn cô và ganh tị.

Nhưng rồi giọt nước tràn ly. Nhà cô lúc ấy đương vào cảnh khó, ba nhập viện trên phố, cô chạy vạy vào thăm nom, má cô phải lo nhà cửa, vườn tược dưới quê, nhà neo người. Chồng cô khi ấy cũng bắt đầu bận rộn với công việc. Mình cô vừa phải chạy đôn chạy đáo lo cơm nước ở nhà, vừa phải vào viện chăm ba. Đến cuối tuần, khi anh được rỗi, trong lúc đang đọc tờ thời báo cuối tuần thì cô sửa soạn nhập viện, anh cất tiếng:

- Em có về kịp bữa trưa không đấy? Anh không muốn ăn cơm tiệm.

- Hay anh chở em đi lên thăm ba một chút luôn? Ba nằm viện cả tuần rồi...

- Không phải anh đã gửi tiền em gửi thăm ba rồi sao? Nếu muốn có thể thuê cả người trông, em nên về nhà trước bữa trưa.

Thực sự lại thêm một lần mất mát nhưng cô không nghĩ anh là người thờ ơ đến vậy, ít ra đó là cha của vợ mình. Những ngày sau bệnh tình ba cô trở nên nguy kịch, má và người thân từ dưới quê cũng đã lên, cô hầu như ở viện. Đổi lại chỉ là những cuộc điện thoại réo rắt từ anh nhưng tuyệt nhiên anh không đến thăm với lí do bận việc. Khi có việc, người xuất hiện để chở cô đi mua đồ này kia hoặc khi cô chưa đến kịp đóng tiền viện phí cũng chỉ có Nam. Nhưng khi nhác thấy Nam chở cô về lấy thêm đồ anh đã nổi đóa:

- Anh đã nói với em đừng gặp Nam nữa. Anh không muốn người ta điều tiếng rồi mình phải li hôn vì mấy lí do này.

- Vậy mình li hôn đi anh.

Cô quay bước ra cửa và leo lên xe vội để kịp đến bệnh viện chăm ba. Anh ngỡ ngàng trước lời người vợ mà không hề nhận ra khi cô tuyệt vọng và cần một bờ vai nhất, thứ anh cho cô chỉ là sự hững hờ. Chiếc nhẫn trên tay cô đã tháo tự lúc nào mà anh cũng không hề để ý dẫu có những lúc anh thực sự rảnh rỗi. Không phải là đột xuất, không phải cô cả giận nhất thời. Chỉ là cô chợt nhận ra, ánh nắng của anh quả thật là hào quang, nó quá xốn xang, nó quá chói mắt đến độ cô không thể nào thích ứng nổi.

***

Hai người cũng mau chóng làm thủ tục ly hôn vì tính anh cũng là một người không muốn bị mang tiếng bỏ rơi. Cô cũng không hề giải thích khi sau đó cô nghe nhiều người nói anh chia tay cô vì không hợp. Ba cô cũng đã phẫu thuật và sức khỏe tốt hơn, tuyệt nhiên khi đứng giữa ranh giới sống còn ông mới hiểu được chàng rể quý mà bấy lâu ông ca ngợi nên khi cô thưa chuyện với ba má, không ai nói gì, chỉ động viên cô dẫu có vấp ngã thì hãy bước tiếp.

Cô quay lại thuê một phòng trọ nhỏ, sau đó tiếp tục với công việc văn chương của mình, dành cả năm trời để viết cho đoạn kết của cuốn tiểu thuyết mà bấy lâu cô vẫn luôn tâm đắc. Ngày nó được xuất bản cũng đã là chuyện của hai năm sau đó, vì cô vẫn còn thích ứng lại với cuộc sống mới. Sống bằng văn chương đôi lúc khó khăn nhưng ít nhất cô vui vẻ vì luôn được là mình. Nam chở cô ra nhà sách, cầm trên tay cuốn sách ngày đầu xuất bản có tên mình trên đó, lòng lâng lâng xúc động. “Vì cậu học văn và mình muốn ở gần cậu nên mình theo cậu chứ không phải mình là nhân tài như mình hay bảo”. Cô dường như nghe tiếng Nam loáng thoáng ở bên tai. Quay nhìn qua là nụ cười rất tươi của cậu. Quái lạ, sao đột nhiên bờ tim lại bị một tia nắng chiếu vào đến mức đập mạnh đến như thế nhỉ?

Đọc thêm

Những cuộc chia ly

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Nỗi buồn nhỏ giọt từng chút một trong đêm, cứ tựa như những giọt sương đang nấp đâu đó trên mái nhà vắng, rồi rơi tõm vào lòng người cô tịch. Miệng mở ra nói câu đầy kiêu hãnh: “Người như tôi đau rồi sẽ chừa” nhưng rồi cuối cùng mọi thứ lại lặp lại, cứ như chưa từng có bài học nào, chưa từng có kí ức buồn thương nào lưu lại. Tôi, rồi lại tiếp tục đi vào vết xe đổ của chính tôi.

Triệu chứng kẹt xe

Tranh minh họa: V. Học
(PLVN) - Sẽ không có gì đáng nói nếu như ông bố không rút “lệnh cho nhà”. Quân sẽ ngoan ngoãn nghe lời ông và không có gì oán thán. Đằng này ông cụ lại quay ngoắt một trăm tám mươi độ làm anh cay cú. Ngôi nhà cũ anh sẽ đầu tư xây mới, biến thành biệt thự tân thời. Một mình sở hữu hai căn, vậy coi như ổn với gã đàn ông một vợ, hai con.

Triển lãm “Non nước biên thùy” của Họa sĩ Đỗ Đức

Tác phẩm "Trên nương" của họa sĩ Đỗ Đức.
(PLVN) -  Ngày 11/9, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, diễn ra Lễ khai mạc triển lãm mỹ thuật "Non nước biên thùy" của họa sĩ Đỗ Đức. Đây là triển lãm cá nhân lần thứ 7 của họa sĩ Đỗ Đức ở Hà Nội, sau triển lãm "Ngựa trên núi" cách đây đúng 10 năm (2014).

Buông

Ảnh minh họa
(PLVN) - Nếu mà bà không thương ổng thì buông tha cho người ta để người ta còn đi lấy vợ nữa chứ?

Đôi mắt

Đôi mắt
(PLVN) - Tôi nhìn từng vạt nắng đang trườn một cách chậm rãi từ những mé bờ tường rồi bắt đầu thả rơi mình buông xuống mặt đất.

Người già “mất làng”

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Giờ về làng, một khung cảnh quen thuộc là những ngôi nhà lớn trống vắng trẻ nhỏ và thanh niên. Những người già ngồi tư lự, khi bên cạnh láng giềng cũng bỏ làng đi rồi.

Sông tình

Sông tình
(PLVN) - Quán dịu dàng. Tình cờ trời mưa. Mưa phương nam ào ạt xối xả. Tôi lựa một góc, ngồi nhìn những hạt mưa không biết toan tính, ngân vang theo cách của chúng, xuyên qua không gian để về hợp với dòng nước. Mưa khác hẳn cảm giác buồn vui lẫn lộn pha vị đắng trong tôi.

Nhà thơ Tạ Hùng Việt mang một nỗi buồn riêng với 'Hãy nhìn vào mắt bão và tin lời đắng cay'

Nhà thơ Tạ Hùng Việt mang một nỗi buồn riêng với 'Hãy nhìn vào mắt bão và tin lời đắng cay'
(PLVN) - Hãy nhìn vào mắt bão và tin lời đắng cay (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2024) là tập thơ thứ 10 trong hành trình sáng tạo của nhà thơ Tạ Hùng Việt. Tập thơ được đánh giá có nhiều sự đổi mới cả trong cách thể hiện lẫn nội dung mà chủ thể trữ tình muốn chuyển tải với 100 bài được viết theo thể thơ 1-2-3.

'Tình yêu lính Công an' - Giai điệu thiêng liêng tôn vinh người chiến sĩ CAND

'Tình yêu lính Công an' - Giai điệu thiêng liêng tôn vinh người chiến sĩ CAND
(PLVN) - Nhân dịp kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 - 19/8/2024) và 19 năm ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005 - 19/8/2024), hai giọng ca Mỹ Linh và Hữu Quân đã mang đến cho người nghe những giai điệu sâu lắng và ý nghĩa thể hiện thông qua ca khúc “Tình yêu lính Công an” sáng tác của nhạc sĩ An Hiếu, đây tác phẩm âm nhạc đầy cảm xúc nhằm tôn vinh hình ảnh người chiến sĩ Công an với tinh thần “Vì nước quên thân - Vì dân phục vụ”.

Thúng mẹt của mẹ

 Thúng mẹt của mẹ
(PLVN) - Giấc mơ của anh em chúng tôi được nuôi dưỡng, lớn lên từ thúng mẹt của mẹ. Đó là cách mà bố tôi thường ví von khi những gánh hàng không quản nắng mưa, ốm đau của mẹ vẫn tất tả ngược xuôi, vất vả bộn bề…

Mười hai năm

Mười hai năm
(PLVN) - Cô đưa tay sờ lên chiếc nhẫn được lồng vào một cọng dây chuyền để đeo trên cổ.

Một con đường khác

Ảnh minh họa (Nguồn: NT)
(PLVN) - Thường thì những ngày nghỉ tôi hay cùng bạn bè đến một nơi chốn nào đó, gọi là thư giãn sau một tuần làm việc. Nhưng bây giờ tôi đi theo đoàn bác sĩ tình nguyện đi Vũng Tàu khám bệnh cho các hộ nghèo vùng sâu, vùng xa, ai cũng ngạc nhiên. Cuộc sống bây giờ khác xưa lắm rồi, tuổi trẻ luôn năng động và huyên náo, còn tôi thì dường như đã dừng lại phía sau những ồn ã đó, những rộn ràng đó mà đi về một con đường khác, một con đường vắng tanh, chẳng có bàn tay nào để nắm.

Tiếng gió trong vườn khuya

Tranh minh họa: Nguyễn Văn Học.
(PLVN) - Khanh thường có thói quen ngủ muộn. Ngày nào cũng thế, khi trả hết trẻ vào buổi chiều, cô lại bắt đầu kèm thêm một vài ca buổi tối môn nghệ thuật mà cô yêu thích. Dạy piano cho bọn trẻ là lúc tâm hồn cô thư thái vô cùng.

Miền thương nhớ

Những miền quê yêu dấu. (Ảnh minh họa: MT)
(PLVN) - Ngót hơn hai mươi năm đằng đẵng xa quê, tôi đã sống một cuộc đời khác nơi những miền đất khác. Trên những chuyến đi về thăm nhà vội vã, tôi bỗng thấy mình như một người con mắc nợ với chính gia đình, quê hương. Tôi nợ cả câu hát, lời ru từ thuở ấu thơ để quá nửa đời người vẫn chưa hiểu hết một cõi ân tình.

Đổi vai

Đổi vai
(PLVN) - Cuộc tìm gặp buổi ấy của Sáng thế mà ra vấn đề. Giữa ngôi vườn ở làng quê, Đạm đón Sáng bằng các thứ quả thơm. Câu chuyện của hai người trở về ký ức lúc nào không hay.

Hãy yêu thương nhau khi còn có thể

Hãy yêu thương nhau khi còn có thể
(PLVN) - Suy cho cùng, ở đời sinh - lão - bệnh - tử là hành trình mà ai cũng phải trải qua. Ta thường né tránh nói về cái chết vì nó mang đến sự sợ hãi.

Thời gian

Ảnh minh họa truyện: @taramilktea
(PLVN) - “Thời gian” vốn có thể nhìn rõ mọi thứ hơn là “đôi mắt”, trong dòng chảy của cuộc đời có nhiều thứ mà nhắm mắt cho qua để không muốn tin vào sự thật để rồi bị chính thời gian làm lộ diện phơi bày...

Phát động thi ảnh về miền di sản xứ Nghệ và Trại sáng tác mỹ thuật

Ảnh minh họa. Tác giả: Nguyễn Quang Nam Định
(PLVN) - Sáng 23/7, Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An tổ chức Lễ phát động Cuộc thi ảnh nghệ thuật “Về miền di tích, danh thắng xứ Nghệ” và Trại sáng tác mỹ thuật với chủ đề “Xây dựng con người, văn hóa Nghệ An đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, xây dựng nông thôn mới”.