Ngay góc thành nội phía Tây Nam sân Rồng của Lam Kinh là cây đa di sản trên 300 năm tuổi với bộ rễ chằng chịt, ôm trọn trong lòng nó một cây thị già đã chết khô gắn với huyền thoại một chuyện tình lãng mạn, “bi thương” của hai loài “mộc tinh” đa và thị.
Bí ẩn cây “đa tình”
Theo các bậc cao niên ở xã Xuân Lam (huyện Thọ Xuân), cây đa này được xếp vào hàng “mộc tinh” (cây mọc lâu năm hóa thành tinh), ước tính tuổi đời của “cụ đa” trên 300 năm.
Điều đặc biệt là cây đa cổ thụ này được gọi bằng cái tên là cây đa – thị hoặc cây “đa tình”. Vào năm 2013, cây đa trên được Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam quyết định công nhận là cây di sản Việt Nam.
"Cụ đa" này có tuổi đời gần ba thế kỷ |
Cụ Lê Văn Bính (70 tuổi, người xã Xuân Lam, Thọ Xuân) cho biết: Sở dĩ “cụ” đa này có tên là “đa- thị” bởi nó một gốc 2 cây: cây đa và cây thị. Hồi ông còn bé xíu đã được bà nội kể cho nghe, chỗ cây đa bây giờ, trước kia là một cây thị.
Bản thân bà nội ông Bính cũng không biết cây thị có từ bao giờ, chỉ biết đó là một cây thị đang sung sức, tán xanh tốt, tỏa rộng và rất sai quả. Mùa hè quả thị chín, theo gió đưa hương thơm ngát một vùng. Quả thị nhỏ, hơi dẹt, ăn có vị chát nhưng đậm, rất thơm.
Thời trước còn đói khổ, quả thị chín là món quà quý đối với trẻ con trong vùng nên quanh gốc thị lúc nào cũng có hàng đàn trẻ chơi đùa, chờ hưởng lộc từ cây. Trên tán lá, chim chóc kéo nhau về ăn quả, làm tổ, tiếng hót rộn rã suốt ngày đêm.
Vòng gốc cây hàng chục người ôm không xuể, bộ rễ khổng lồ, hình thủ cổ quái |
Quá trình chim đến ăn quả thị, loài chim đã vô tình thả vào lòng cây thị mầm sống của một cây đa.
Và như một cơ duyên, cây đa đã nảy mầm, phát triển trên cây thị. Quá trình cây đa sinh trưởng, bộ rễ khi sinh phát triển mạnh, dần ôm trọn lấy cây thị như đôi uyên ương “hai trong một” khiến từ đó có tên “cây đa – thị”.
Người dân vô cùng thích thú trước hiện tượng thiên nhiên thú vị “một gốc hai cây”. Người ta ví cây đa như một chàng trai trẻ sung sức, còn cây thị là người con gái “yếu liễu đào tơ” cần được che chở nên được cây đa ôm trọn trong lòng.
Những năm trước kia, mỗi khi về Lam Kinh, du khách vô cùng thích thú khi được đắm mình dưới bóng lá quanh năm xanh tốt của loài “mộc tinh” nơi góc sân Rồng.
Một góc cố đô Lam Kinh |
Cây đa và cây thị phát triển song hành, vừa âu yếm quấn quýt vừa cạnh tranh nhau khi các tầng cây, tán lá đua nhau vươn cao hơn để đón ánh mặt trời. Một hiện tượng thiên nhiên kỳ bí và thú vị và không kém phần lành mạnh, tích cực khiến du khách thích thú đến kinh ngạc. Mùa đông có quả đa, mùa hè có quả thị, bốn mùa chim chóc kéo đến làm tổ, ăn quả càng tô thêm vẻ hiền hòa của đất lành.
Vì mọc trên vùng đất thiêng Lam Kinh nên xung quanh câu chuyện về cây đa-thị được thêu dệt nên nhiều huyền hoặc, từng có thời gian đây được coi là biểu tượng của sự trường tồn của tình yêu, hạnh phúc. Các đôi uyên ương trẻ tìm đến gốc đa-thị cùng nguyện ước được chung bước trọn đời, còn các cặp vợ chồng ước được bên nhau đến đầu bạc răng long…
Huyền thoại một chuyện tình
Điều kỳ lạ là thông thường, với những cây đa “bóp cổ” khác, quá trình tầm gửi chỉ diễn ra trong thời gian nhắn do cây đa nhanh chóng hút hết dưỡng khí của cây chủ khiến cây chủ phải chết khô. Thế nhưng ở đất Lam Kinh huyền thoại, cây đa – thị đã làm nên kỳ tích khi hai loài mộc tinh song hành trường tồn với sức sống bất diệt.
Tương truyền mối tình “đa-thị” tồn tại ít nhất khoảng 300 năm- gần bằng tuổi đời của cây đa. Chính điều dị thường này càng thêu dệt nên những chuyện kỳ bí, linh thiêng về mối tình của loài “mộc tinh” ở mạch đất thiêng.
Cầu Bạch bắc qua suối Ngọc trong Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh |
Tuy nhiên, dù là “mộc tinh” thì cũng không tránh được quy luật tự nhiên. Qua đi giai đoạn thắm thiết song hành, cây đa ngày càng thể hiện vai trò “bành trướng” khi “bóp cổ” cây thị bằng bộ rễ khổng lồ bao trùm hút hết dưỡng chất của cây thị, tán lá của cây đa cũng khỏe hơn, vươn cao hơn khiến cây thị không thể đón được ánh mặt trời, cứ thế tàn lụi dần đi.
Cho đến năm 2007, cây thị chết hẳn. Từ đó chỉ còn lại cây đa đơn độc đứng ở góc sân Rồng từ đó đến giờ.
Bình luận về chuyện tình “đứt gánh” của cây đa và cây thị, dân gian cho rằng, cái gì quá cũng không tốt, cây đa tham lam, “đa tình” quá nên giờ đây phải sống cô đơn. Có điều, tuy cây thị đã chết nhưng cây đa vẫn đang ôm trọn gốc thị khô héo ở trong lòng nó.
Một góc cố đô linh thiêng, cổ kính |
Theo lời kể của cô hướng dẫn viên xinh đẹp ở Khu di tích Lam Kinh, có một vị “tao nhân mặc khách” đến Lam Kinh, sau khi được nghe chuyện tình của cây đa-thị đã “tức cảnh sinh tình” bằng một bài thơ dài, trong đó có một câu rất thú vị: “Ngày xưa đa đã đa tình/ Chứ đâu riêng chỉ anh em mình hôm nay…”.
Theo quan sát của phóng viên, cây đa di sản hiện cao khoảng gần 30 mét, cành tán tỏa rộng đường kính cả trăm mét ra sân Rồng, bộ rễ gân guốc, vằn vện với những hình thù kì dị để du khách thỏa sức tượng tượng, gốc đa to đến cả chục người ôm không hết.
Theo Ban Quản lý Khu di tích Lam Kinh, “cụ” đa này là nhân chứng sống lâu nhất của lịch sử bi hùng của vùng đất cố đô Lam Kinh.
Lý giải hiện tượng “cây đa ôm cây thị”
Theo một nhà sinh vật học, câu chuyện gọi là huyền thoại tình yêu của cây đa - thị ở Lam Kinh thực chất là hiện tượng cây đa “bóp cổ”. Cây đa là loài thực vật phụ sinh, thường mọc trên thân cây khác từ hạt do chim chóc, động vật mang đến. Hạt đa phát triển ra các rễ khí sinh, bao bọc cây chủ, hút khí và dưỡng chất của cây chủ nên gọi là cây đa “bóp cổ”.
Những chiếc rễ đa vươn chạm đất sẽ bám sâu vào đất, đan xen chằng chịt thành một mạng lưới siết chặt cây chủ. Trong khi bộ rễ khổng lồ bóp nghẹt cây chủ thì tán lá của cây đa cũng vươn cao, bao trùm, chắn hết ánh sáng của tán cây chủ khiến cây thị không quang hợp được, chết dần, chết mòn. Quá trình “bóp cổ” chỉ chấm dứt khi cây thị chủ chết.
Có điều, thông thường quá trình bóp cổ của cây đa chỉ diễn ra trong một thời gian tương đối ngắn. Thế nhưng, theo người dân, quá trình “bóp cổ” của cây đa Lam Kinh kéo dài tới gần 3 thế kỷ - đây là hiện tượng bí ẩn kỳ diệu của thiên nhiên mà đến nay, khoa học cũng chưa tìm ra sự lý giải thuyết phục.
(Đón đọc bài sau: Kỳ diệu cây lim hiến thân ở Lam Kinh)