Đến hẹn lại lên, thị trường việc làm cuối năm ngày càng vào vụ sôi động bởi một lực lượng lớn người lao động thời vụ nói chung và sinh viên các trường đại học, cao đẳng đi kiếm việc làm thêm nói riêng. Tuy nhiên, đằng sau những thông tin tuyển dụng với mức lương hấp dẫn đang tiềm ẩn những rủi ro, thậm chí thấp thoáng cạm bẫy của kẻ lừa đảo.
Chỉ còn gần 3 tháng nữa là đến tết Nguyên đán, có được một khoản tiền kha khá để lo cho bản thân và gia đình một cái tết thật tươm tất là ước mơ chính đáng của nhiều người. Với mục tiêu trước mắt là lo chút tiền tiêu tết, chính vì vậy mà người lao động, sinh viên đều rất sốt sắng, mong kiếm được việc làm càng sớm càng tốt.
Theo thông lệ, khoảng thời gian cách tết chừng vài ba tháng là lúc mà người lao động thời vụ, sinh viên lo đi kiếm việc nhiều nhất. Và song hành với nhu cầu cần việc làm của nhiều người như vậy, các trung tâm môi giới việc làm (TTMGVL) cũng ồ ạt ra đời và hoạt động với đa dạng chiêu trò cạnh tranh nhau với mục đích chính là “hút” người tìm việc đến với trung tâm của mình.
Trong những ngày trung tuần tháng 10/2015, qua tham khảo tờ rơi quảng cáo được dán trên các cột điện, bờ tường, trạm xe buýt... trong thành phố, chúng tôi thấy nhiều TTMGVL đều đưa ra một loạt danh mục việc làm thời vụ cho tết, với số lượng tuyển dụng lớn, cùng mức lương mà bất cứ ai mới chỉ đọc tờ rơi quảng cáo thôi đã thấy... đầy hấp dẫn!
Ví dụ, một TTMGVL mà chủ nhân tên Thành Phát, có địa chỉ tại quận Thanh Xuân, ghi trong tờ rơi như sau: “Cần 20 nhân viên nam trông xe siêu thị; thời gian làm 8 giờ; có bao bữa trưa; lương 5,5 triệu! Tuyển 10 nhân viên nam, nữ tuổi dưới 25, làm phục vụ quán cà phê, mức lương 2,5 triệu/ca 4 giờ... Tiêu chuẩn tuyển dụng: chỉ cần chứng minh thư hoặc thẻ sinh viên là đi làm luôn! Xin liên hệ số ĐT: 098....”.
Dịp cuối năm, vấn nạn “rác quảng cáo” trong đó có dày đặc các tờ rơi quảng cáo của các TTMGVL lại xuất hiện với một tần suất dày đặc trên các bờ tường, cột điện, trạm xe buýt... Rồi thì, thời công nghệ mạng bùng phát, không ít các TTMGVL còn “quảng cáo” trên các trang web việc làm để những người thường xuyên lướt mạng có thể dễ dàng tìm kiếm.
Như đã nói, chiêu trò của nhiều TTMGVL luôn đưa ra danh mục việc làm với khung thời gian làm không quá dài, không quá vất vả, ngược lại lương lại cao đến hấp dẫn, vì thế những người tìm việc dễ bị hớp hồn ngay. Tuy nhiên, trên thực tế thì lại hoàn toàn không bao giờ đúng sự thật như thế, mà chỉ có những người lao động hay sinh viên đã kinh qua vài ba lần đi tìm kiếm việc làm thêm họ mới hiểu và tận tường “thủ thuật” hay “chiêu trò” của các trung tâm môi giới.
Bạn Phong Tuấn, sinh viên năm 2 Đại học Luật Hà Nội chia sẻ, cậu từng bị một trung tâm việc làm lừa đảo mất 200 ngàn đồng ở mùa xin việc làm thêm tết năm ngoái. Tuấn chia sẻ: “Từ kinh nghiệm của bản thân, em thấy rằng mấy cái TTMGVL, nhất là bọn đi dán quảng cáo ngoài cột điện, bờ tường..., chúng đều lừa đảo cả. Họ cứ nói tuyển trực tiếp, miễn trung gian, đưa ra mức lương cao ngất không kèm điều kiện gì để dụ sinh viên, người lao động nghèo tìm đến. Họ bán hồ sơ năm chục ngàn đồng/bộ; rồi bắt đặt cọc một khoản tiền mấy trăm ngàn, khi xin được việc thì hứa trả lại sau... Thế nhưng chẳng có trung tâm nào trả lại khoản tiền này cả, thậm chí họ có môi giới được việc làm cho ai đâu. Thế là mất vài trăm ngàn để đổi lấy một bài học kinh nghiệm”.
Còn ông Vũ Văn Nam, quê Vĩnh Phúc - một lao động thời vụ đứng chờ việc ở chợ lao động tại ngã ba chợ hoa Quảng An (quận Tây Hồ) thì cho biết: “Tôi thấy một nơi nói tuyển bảo vệ lương 5 triệu bao ăn ở, tôi đã tìm tới và nộp 300 ngàn đồng lệ phí để rồi chờ, đợi và bị... lừa! Không phải riêng tôi mà mấy người ở làng tôi cũng tìm việc theo kiểu đó và tiền thì mất nhưng việc cũng có được đâu. Thôi, giờ có cạch đến già tôi cũng không nghe theo mấy quân lừa đảo đấy nữa, phải một lần thôi...”.
Thực ra không phải tất cả các TTMGVL đều... lừa đảo mà vẫn có không ít các địa chỉ uy tín, nhất là các TTMGVL của tập thể, tổ chức nhà nước, khi ở những nơi này luôn cung ứng được rất nhiều việc làm cho người lao động, sinh viên làm thêm.
Để tránh bị mắc mưu với chiêu trò lừa đảo của các TTMGVL “ma” khi xin việc làm thời vụ mùa tết, sinh viên, người lao động hãy thật tỉnh táo, hãy thận trọng sáng suốt gửi gắm hy vọng của mình vào đúng nơi, đúng chỗ, kẻo “tiền mất, tật mang”, rồi mua thêm bực vào mình. Đầu tiên, hãy tìm đến các TTMGVL có uy tín, các đoàn thể, các trung tâm của phường quận, thành phố để đăng ký tìm kiếm cơ hội việc làm.
Ngoài ra, người tìm việc cũng có thể trực tiếp đi xin tại những nơi cần nhân lực có thông báo tuyển dụng mà không qua trung gian môi giới. Điều đặc biệt mà người tìm việc cần “nằm lòng” là cho dù kiếm việc ở đâu, từ nguồn nào thì tuyệt đối không bao giờ bỏ tiền ra để đặt cọc, bởi khi tiền đã bỏ ra rồi, việc đòi lại được là cực khó...
Chưa kể, nhiều TTMGVL bản chất là “cò mồi” nhưng lại dùng thủ đoạn bài bản, tinh vi như tự tổ chức phỏng vấn, thi viết sơ tuyển… mà thực chất cả “hội đồng tuyển dụng” đều là người của họ tự tổ chức ra./.