Sang chấn tâm lý là điều khó tránh
Trong mấy năm qua, tình trạng học sinh bị đánh hội đồng xảy ra khá phổ biến. Có thể kể đến một số vụ tiêu biểu như năm 2010, em Hà Như, học sinh Trường THPT Hà Huy Tập (Vinh – Nghệ An) bị đánh thâm tím mặt mày; năm 2013, em Đinh Thị Liên, học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Xuyên – Hà Tĩnh) bị nhóm bạn đánh đến hoảng loạn. Ở Hà Nội, mỗi năm có đến vài vụ học sinh bị đánh hội đồng, khi thì trên lớp học, khi thì ở ngoài đường.
Mới đây là học sinh Trường THPT Tử Đà (Phù Ninh – Phú Thọ) bị một số nữ sinh đánh và căng thẳng tâm lý đến mức mất đi giọng nói… Điều đó cho thấy tình trạng bạo lực học đường đã ở mức quá nghiêm trọng. Điều đáng nói là các em tham gia vào các vụ bạo lực ấy không bao giờ nghĩ đến hậu quả. Nhiều học sinh mặc nhiên quay lại cảnh xử bạn, sau đó đưa lên mạng để chứng tỏ sức mạnh của một tập thể, phe phái... Có muôn vàn lý do dẫn các em đến bạo lực học đường: không thích: đánh; bạn học giỏi hơn: đánh; nhìn thấy ghét: đánh…
Và sự việc nữ sinh lớp 7 ở tỉnh Trà Vinh bị đánh hội đồng lại một lần nữa gióng lên những báo động nhức nhối về tình trạng bạo lực học đường. Dư luận thật sự bất bình trước cảnh nhiều bạn nam, nữ đóng cửa lớp học đánh và ném ghế tới tấp vào một nữ sinh yếu ớt. Mặc cô gái kêu gào trong đau đớn, mặt mày rũ rượi, máu chảy nhưng nhóm học sinh này không tha.
Là cha là mẹ, thấy cảnh đó, hẳn là phải xót xa đến ngất lịm. Khổ hơn, chính nữ sinh đó đã phải chấp nhận đau đớn mà không dám nói với bất kỳ ai trong hơn hai tháng trời vì sợ bị trả thù. Ngoài vết thương thể xác, một vết thương lớn trong tâm hồn em mà ắt hẳn sẽ khó có thể nguôi ngoai. Đó còn chưa kể đến những sang chấn tâm lý, đeo đẳng và ám ảnh suốt một thời gian dài.
Trước vấn nạn này, nhiều chuyên gia cho rằng, việc tổ chức đánh hội đồng hay tham gia vào đánh hội đồng chứng tỏ tâm lý a dua, hiếu chiến manh nha trong học trò từ rất sớm. Về vụ việc nữ sinh lớp 7 bị đánh hội đồng ở Trà Vinh, thạc sĩ Lê Thị Lan Anh - Phó Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt (IEDV) phát biểu: “Xem clip, xét từ góc độ tâm lý học trò, tôi có những băn khoăn: học trò lớp 7 đã có nhận thức rõ về hành vi tốt - xấu, thế mà khi tận mắt chứng kiến một nhóm đánh bạn lại không ai đi báo thầy cô giáo, không ai can ngăn. Phải chăng tâm lý “bạo lực đám đông, a dua” đã khiến học trò trở nên vô cảm trước rủi ro của bạn?”.
Đuổi học chỉ xử lý được phần “ngọn”
Việc đánh bạn của các em học sinh thật đáng trách. Nhưng rõ ràng, nó cho thấy trách nhiệm của người lớn, của chính cha mẹ các em, chứng tỏ việc giáo dục, dạy con, quan tâm đến con trong gia đình đã giảm sút. Cha mẹ của những nạn nhân của hai vụ ở Trà Vinh và Phú Thọ thấy con đau, yếu, sốt chỉ mua thuốc qua loa về cho uống mà không đưa em đi khám, cho thấy họ chưa thật sự quan tâm đến con cái.
Còn phía cha mẹ các em học sinh đánh bạn thì sao? Ắt hẳn, họ cũng có nỗi lo riêng, với cơm áo gạo tiền. Họ cũng sẽ chẳng có thời gian quan tâm con học có giỏi không, có ngoan không, ở trường có vâng lời thầy cô không, chứ đừng nói đến chuyện chúng có… đánh bạn hay không.
Từ vụ việc nữ sinh lớp 7 ở tỉnh Trà Vinh bị đánh hội đồng, dư luận nói nhiều đến trách nhiệm của nhà trường. Đây không phải trường hợp cá biệt. Khác với nhiều vụ việc xảy ra ở bên ngoài, đằng này diễn ra trong trường, đầu giờ chiều và trước giờ lên lớp. Lúc đó bảo vệ và giáo viên ở đâu?
Qua sự việc này, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải xem xét hiện tượng này từ gốc thì mới có cách giải quyết, chứ đuổi học các em chỉ xử lý được “phần ngọn”. Nếu nhà trường buông tay bằng cách đuổi học với các em học sinh hư, không dạy các em, đẩy các em ra ngoài xã hội thì ai sẽ dạy? Ở lứa tuổi chưa trưởng thành, các em rất dễ bị sa ngã, lôi kéo phạm tội nếu không được giáo dục và định hướng tốt.
Vậy phương thức để xoa dịu, rồi chữa lành vết thương học đường như thế nào? Tiếc thay trong nhiều trường hợp, ngoài những nạn nhân, kể cả những học sinh ra tay đánh người cũng không tránh khỏi “vết thương” ấy. Thế nên mới có chuyện, xung quanh chuyện bạo lực học đường, có nhiều ý kiến tranh luận mà không đi đến ngã ngũ.
Quan điểm này cho rằng nên đuổi học những em tham gia đánh hội đồng. Quan điểm khác phản bác, nếu đuổi học sinh tham bạo lực thì coi như nhà trường đã bất lực trước một tệ nạn. Có ý kiến rất nhân văn, rằng không có giải pháp tối ưu, nhưng nhà trường có thể giúp học trò tiến bộ hơn bằng sự yêu thương, thái độ nhân văn. Ví dụ như tạo điều kiện cho các em tham gia khóa học về lòng biết ơn, đi thăm những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để đánh thức cũng như tăng thêm nhận thức, sự sẻ chia từ chính quả tim non nớt của các em.
Nhưng nói gì thì nói, sau những vụ bạo lực học đường, chính người lớn là gia đình, nhà trường và các cơ quan chức năng phải nghiêm khắc rút kinh nghiệm. Từ đó quan tâm hơn đến việc giáo dục, dạy dỗ các em. Chính người lớn phải có trách nhiệm xoa dịu “vết thương” cho các em. Khi trái tim các em biết yêu thương thì sẽ giảm bớt bạo lực. Đó mới là liều thuốc hữu hiệu nhất giảm thiểu và chữa lành những “vết thương học đường”./.