Vì vậy, lần sửa đổi, bổ sung BLHS tới đây đang tính đến việc hướng mở rộng nguồn của luật hình sự, nghĩa là tội phạm và hình phạt không chỉ được quy định trong BLHS mà còn được quy định trong các văn bản luật chuyên ngành. Nhiều chuyên gia về luật hình sự rất tán thành định hướng này song vẫn còn những băn khoăn…
30 năm, 6 lần sửa đổi, bổ sung
Trong khoảng thời gian gần 30 năm kể từ khi BLHS đầu tiên của Nhà nước ta ra đời (1985), BLHS đã trải qua 6 lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 1989, 1991, 1992, 1997, 1999 và 2009. Điều này gây khó khăn trong quá trình áp dụng các quy định của BLHS vào thực tiễn. Hơn nữa, mặc dù sửa đổi, bổ sung nhiều lần như vậy nhưng nhìn chung BLHS vẫn chưa theo kịp với yêu cầu thực tiễn.
Một trong những nguyên nhân là do BLHS quy định tất cả các tội phạm thuộc nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực tương đối ổn định song có lĩnh vực lại có tính biến động cao như các lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghệ… Khi một lĩnh vực nào đấy có sự thay đổi thì đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung BLHS, nếu không sẽ nảy sinh bất cập. Từ đó tạo ra một áp lực không nhỏ về quy trình sửa đổi, bổ sung các quy định của BLHS với ý nghĩa là một trong những Bộ luật quan trọng mang tính rường cột trong hệ thống pháp luật nước ta. Bởi thế, việc nghiên cứu khả năng mở rộng nguồn của luật hình sự là cần thiết để khắc phục các nhược điểm nêu trên.
Xây dựng hệ thống luật “vệ tinh”
Theo Bộ Tư pháp, việc cho phép quy định tội phạm và hình phạt trong các văn bản luật chuyên ngành khác ngoài BLHS (như các luật chuyên ngành về kinh tế, thương mại, tài chính, đầu tư, khoa học, công nghệ…) giúp chúng ta cập nhật kịp thời những dạng hành vi phạm tội mới phát sinh để có những chế tài xử lý, đồng thời có điều kiện để quy định cụ thể, chi tiết các hành vi phạm tội trong từng lĩnh vực chuyên ngành, đặc biệt là những hành vi trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin, quản lý kinh tế… mà không phải sửa đổi BLHS.
Như vậy, các quy định của pháp luật về tội phạm và hình phạt sẽ luôn theo kịp với yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm trong các lĩnh vực nhờ hệ thống các luật “vệ tinh” mà tính ổn định của BLHS vẫn được bảo đảm.
Cụ thể, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự Hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Hoàn đề xuất, cần sửa đổi, bổ sung Điều 2 BLHS hiện hành về cơ sở của trách nhiệm hình sự, Điều 8 về khái niệm tội phạm theo hướng tội phạm và hình phạt ngoài việc được quy định trong BLHS còn được quy định trong các luật chuyên ngành, cũng như rà soát lại các điều khoản khác có liên quan để chỉnh lý đảm bảo tính đồng bộ.
“Việc cho phép quy định tội phạm và hình phạt trong các luật chuyên ngành không có nghĩa là sẽ thay thế toàn bộ các tội phạm cụ thể thuộc các lĩnh vực chuyên ngành hiện có trong BLHS mà quy định này làm cơ sở để cho phép sau này khi ban hành các luật chuyên ngành, nếu thấy cần thiết thì Quốc hội sẽ quy định tội phạm mới trong từng lĩnh vực ngay trong đạo luật chuyên ngành đó mà không phải sửa đổi, bổ sung BLHS” – ông Hoàn nhấn mạnh.
Có thể vận dụng quy định “một luật sửa nhiều luật”
Đồng tình với đề xuất trên, nguyên Phó Chánh án TANDTC Đặng Quang Phương phân tích: Về nguyên tắc là tập trung tối đa việc quy định tội phạm và hình phạt vào BLHS. Nhưng cũng có thể đến thời điểm xảy ra tội phạm mà BLHS chưa quy định thì sẽ xử lý theo luật chuyên ngành nhưng khi đó phải tuân thủ các nguyên tắc của BLHS.
Một số chuyên gia cho rằng, không nhất thiết phải sửa đổi, bổ sung BLHS để mở rộng nguồn của luật hình sự như trên, mà có thể vận dụng quy định “một luật sửa nhiều luật” của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để xử lý những bất cập. Theo đó, khi ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung một đạo luật chuyên ngành mà thấy cần thiết phải sửa đổi, bổ sung điều khoản liên quan của BLHS về tội danh cụ thể thì ngay trong luật chuyên ngành đó có thể có điều khoản sửa đổi, bổ sung quy định của BLHS.
TS, LS Nguyễn Minh Tâm (Đoàn LS TP.HCM) thì đặt ra nhiều câu hỏi: Nhân dịp xây dựng một luật chuyên ngành nào đó, chế định về tội phạm hình sự mới trong lĩnh vực này sẽ được đưa vào thì vị trí của tội phạm mới trong mối quan hệ hữu cơ với BLHS là như thế nào hay BLHS có chi phối gì, hoặc đâu là cơ sở khi mà chúng ta xử lý vấn đề tội phạm mới trong luật chuyên ngành?
“Nói rất dễ nhưng tôi hình dung khi xây dựng luật chuyên ngành có thể nảy sinh một vài hành vi phạm tội cần phải điều chỉnh thì về mặt kỹ thuật lập pháp sẽ phải điều chỉnh sao cho phù hợp với luật chuyên ngành và có khi còn mệt hơn sửa BLHS” – LS Tâm than phiền.
Ông Tâm cũng lo lắng, xưa nay vẫn đi theo quan niệm pháp điển hóa và BLHS là công cụ để các Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư trong quá trình hành nghề vận dụng rất dễ dàng, nhưng có cả luật chuyên ngành quy định sẽ đòi hỏi người sử dụng, áp dụng phải có trình độ để hệ thống hóa. “Đây là vấn đề mới nhưng không phải cái mới nào cũng học tập được trong khi rõ ràng chúng ta khác biệt với họ” – LS Tâm chia sẻ.
TS Dương Tuyết Miên (Trường Đại học Luật Hà Nội) cho biết, cách làm phổ biến của nhiều nước trên thế giới là trong BLHS chỉ quy định tội phạm truyền thống như cướp, giết người, hiếp dâm, trộm cắp, còn lại được quy định trong luật chuyên ngành. Vì vậy, bà Miên băn khoăn: “Chúng ta đã thống kê có bao nhiêu luật chuyên ngành chưa và nếu khảo sát sẽ thấy luật chuyên ngành rất phức tạp. Đề xuất vẫn giữ nguyên BLHS và thêm tội nào thì để luật chuyên ngành quy định cả tội phạm và hình phạt sẽ là quá phức tạp”.
Điều này đồng nghĩa sẽ giao nhiệm vụ xây dựng tội phạm, hình phạt trong luật chuyên ngành cho những chuyên gia không chuyên về pháp luật hình sự từ cấu thành, dấu hiệu pháp lý, dấu hiệu định khung, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ… thì rất khó đảm bảo chất lượng bởi kỹ thuật lập pháp phải do chuyên gia pháp luật hình sự đảm nhiệm.
Theo quan điểm cá nhân của TS Miên, thời điểm hiện nay chưa thực sự chín muồi để quy định tội phạm và hình phạt trong luật chuyên ngành, nhất là đối với đội ngũ cán bộ các vùng sâu, vùng xa, vùng trình độ còn hạn chế, sẽ phức tạp trong áp dụng. “Đổi mới là đúng, đây là xu hướng phổ biến trên thế giới nhưng liệu có thích ứng được không, cán bộ có đảm đương được không nếu tội phạm và hình phạt không được quy định tập trung trong BLHS” – TS Dương Tuyết Miên nhấn mạnh.
GSTS khoa học Đào Trí Úc (Đại học Quốc gia Hà Nội):
Cần thận trọng và tính đến điều kiện thực tế của nước ta
Nhiều nước trên thế giới hiện nay có xu thế phổ biến là mở rộng nguồn của luật hình sự nhưng nước ta cũng cần thận trọng và tính đến điều kiện thực tế của mình. Bây giờ tất cả các tội phạm và hình phạt đều nằm trong BLHS mà các Thẩm phán của chúng ta còn có những điểm không thống nhất. Tới đây lại mở rộng thì sẽ có những khó khăn gì? Về khách quan, có thể nảy sinh tình trạng “thi nhau” quy định trong luật chuyên ngành. Bộ Tư pháp đang làm không xuể việc ngăn chặn những văn bản “trên trời”, thêm mở rộng nguồn của luật hình sự nữa thì có kiểm soát được không. Tôi đồng ý nghiên cứu vấn đề này nhưng phải thật kỹ lưỡng để xem có mở hay không và mở theo hướng nào. Trước đây, chúng ta vẫn tự hào BLHS là pháp điển hóa tối đa, coi đây là sự chặt chẽ của pháp chế XHCN, giờ tính đến xu thế ngược lại thì phải rất thận trọng.