Bị bắt lên xã một đêm rồi lìa đời
Ngày 13/6, TAND tỉnh Bình Phước đã mở phiên xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Phạm Văn Tự (SN 1970, nguyên trưởng công an xã Bom Bo, huyện Bù Đăng, Bình Phước) về hành vi Giữ người trái pháp luật.
Vụ án từng gây bức xúc dư luận vì nạn nhân bị nhốt tại trụ sở công an xã đến sáng hôm sau thì mất mạng.
Theo cáo trạng, ngày 22/12/2009, tại cuộc họp giao ban công an xã, một công an viên thôn 10 báo tin một người tố cáo anh Nguyễn Văn Long (SN 1969) đã nhiều lần hiếp dâm cháu ngoại mình.
Sau khi họp xong, trưởng công an xã phân công Phạm Hùng Cường, khi đó là phó Công an xã xử lý vụ việc. Được phân công, ông Cường đã lấy lời khai của bé gái và ký giấy giới thiệu đến Bệnh viện Đa khoa huyện Bù Đăng khám và để xin cấp giấy y chứng.
Ngày 22/12/2009, bệnh viện đã cấp giấy y chứng xác định bé gái có dấu hiệu bị xâm hại.
Sau khi có giấy chứng nhận của bệnh viện, chiều tối 22/12/2009, ông Cường cùng một số công an viên phối hợp với xã đội đến nhà mời nghi phạm Long về trụ sở công an xã lấy lời khai. Ông Cường chỉ đạo cấp dưới đưa giấy bút cho anh Long viết tường trình, còn mình về nhà tắm rửa.
Sau đó ông Tự gọi điện thoại yêu cầu giữ nghi phạm lại "sáng mai tính tiếp". Phó công an xã nói nếu muốn giữ nghi phạm lại qua đêm thì phải báo cáo xin ý kiến của chủ tịch UBND xã.
Tự trả lời cứ giữ người lại vì đã xin ý kiến và được đồng ý. Tự còn yêu cầu cấp dưới viết sẵn quyết định tạm giữ người, sáng mai chủ tịch xã ký. Khoảng 20h cùng ngày, Tự gọi điện thoại cho chủ tịch hỏi có ở nhà không để đến ký hồ sơ. Ông chủ tịch đáp có nhà nhưng Tự nói "thôi để ngày mai ký cũng được” và báo cáo vụ việc.
Về phía vị phó công an xã, sau đó lên trụ sở thì nghe báo lại là nghi phạm đã viết tường trình không rõ, không chịu ký biên bản, cho rằng mình không hiếp dâm, bị vu khống. Đến 21h cùng ngày, nghi phạm bị đưa vào buồng tạm giữ hành chính.
Sáng hôm sau, ông Tự vào kiểm tra phát hiện anh Long đã chết. Tháng 12/2010, Công an huyện Bù Đăng đã có kết luận điều tra vụ án. Sau đó, VKSND cùng cấp trả hồ sơ để điều tra bổ sung làm rõ nhiều tình tiết như yếu tố đồng phạm trong vụ án, làm công văn hỏi cơ quan chuyên môn về việc khai quật tử thi có thể xác định nguyên nhân cái chết của nạn nhân hay không (để nếu được thì tiến hành khai quật tử thi), thỉnh thị liên ngành cấp trên về việc hướng dẫn đường lối xử lý vụ án…
Ngày 25/2/2010, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bình Phước kết luận: “Nạn nhân có bị ngoại lực tác động vào vùng đỉnh chẩm gây bầm tụ máu nhẹ dưới da đầu sát màng xương sọ. Nạn nhân tử vong do xuất huyết nội sọ”. Sau đó, Tự và Cường bị khởi tố về tội giữ người trái pháp luật.
Ngày 23/3/2012, Công an tỉnh Bình Phước có công văn đề nghị Phân viện Pháp y quốc gia TP.HCM trả lời bằng văn bản về việc khai quật tử thi, được trả lời: Do vụ việc xảy ra đã lâu, đến nay các tổn thương ở phần mềm đã bị tiêu hủy. Với trình độ và phương tiện kỹ thuật trong nước hiện nay nếu khai quật cũng không thể xác định nguyên nhân tử vong của nạn nhân.
Công an huyện Bù Đăng có kết luận điều tra bổ sung, VKSND huyện ra cáo trạng truy tố nguyên trưởng công an xã Phạm Văn Tự và phó công an xã Phạm Hùng Cường ra tòa theo khoản 3 Điều 123 BLHS.
Mức án còn quá nhẹ?
Giữa tháng 11/2013, TAND huyện Bù Đăng đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, đại diện VKSND đề nghị mức hình phạt cho hai bị cáo từ 15 - 18 tháng tù treo. Trong bản án, tòa nhận định: Khi thực hiện hành vi phạm tội, các bị cáo có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, nhận thức được hành vi của mình là trái pháp luật nhưng vì cẩu thả, chủ quan nên đã phạm tội.
Vợ nạn nhân không đồng ý với mức án do HĐXX phúc thẩm tuyên |
Mặc dù quá trình điều tra không xác định được nguyên nhân gây tử vong đối với anh Long nhưng nguyên nhân chính dẫn đến hậu quả trên là việc giữ người trái pháp luật của các bị cáo.
Tòa xử bị cáo Tự 18 tháng tù, bị cáo Cường 15 tháng tù, đều hưởng án treo. Gia đình nạn nhân làm đơn kháng cáo.
Tại phiên phúc thẩm, chị Trần Thị Sang (vợ của nạn nhân), không giấu nổi bức xúc. Theo lời chị Sang, chiều tối ngày 22/12/2009, khi cả nhà vừa dọn cơm ra ăn thì công an xã Bombo dẫn đầu là ông Cường đến nhà chị. Chưa kịp nuốt miếng cơm thì anh Long bị công an bắt đi.
Họ nói là anh Long bị tố hiếp dâm một cháu bé hàng xóm. Đến tối, khi chị đến xã thì được công an cho phép chị nói chuyện với chồng. “Lúc đó, anh Long luôn nói anh bị người ta vu khống, anh bị oan và cứ than: “Em ơi họ đánh anh đau quá, chắc anh chết mất”.
Đêm đó, anh Long bị công an giữ lại. Sáng sớm hôm sau, tôi mang cơm đến cho chồng thì được trưởng công an xã thông báo là chồng tôi đã tự tử chết rồi. Tôi không tin vì khi ôm xác chồng trong tay tôi thấy có nhiều vết bầm…”, chị Sang nghẹn ngào.
Phần tranh luận tại tòa phúc thẩm diễn ra khá gay gắt, luật sư phía bị hại cho rằng: Một người liên tục kêu oan khi bị lấy lời khai thì không thể nào tự tử được. Hơn nữa, biên bản giám định pháp y số 407 ngày 25/2/2010 của Phòng kỹ thuật hình sự công an tỉnh Bình Phước kết luận: nạn nhân có bị ngoại lực tác động vào vùng đỉnh chẩm gây bầm tụ máu nhẹ dưới da đầu sát màng xương sọ. Nạn nhân tử vong do xuất huyết nội sọ.
Nhiều chứng cứ bị bỏ lọt và thu thập không đầy đủ ngay từ đầu. Ngoài ra, vai trò của một số người liên quan nguyên Chủ tịch UBND xã và công an viên xã cũng chưa được làm rõ, có dấu hiệu bỏ lọt tội.
Cơ quan tố tụng huyện Bù Đăng chỉ giải quyết một phần vụ án, tức chỉ xử lý sai phạm của 2 cán bộ công an trong việc giữ người mà chưa xử lý nguyên nhân và hậu quả cái chết.
HĐXX nhận định bản án sơ thẩm của TAND huyện Bù Đăng tuyên là có căn cứ pháp luật, nên vẫn tiếp tục giữ nguyên bản án sơ thẩm với bị cáo Phạm Văn Tự 18 tháng tù treo. HĐXX phúc thẩm cũng cho rằng, gia đình nạn nhân không có đơn kháng cáo với ông Cường nên tòa chỉ mời đến tòa với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Về trách nhiệm bồi thường, tòa phúc thẩm cho rằng UBND xã là đơn vị quản lý nên phải trách nhiệm bồi thường tổng cộng 226 triệu. Đối với nguyên chủ tịch UBND xã, tòa cho rằng do cơ quan điều tra chưa đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội nên tách ra điều tra xử lý sau.
Luật sư phía bị hại bình luận: “Hành vi tạm giữ người không có quyết định tạm giữ của công an xã là lạm quyền, vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng và tiếp theo đó, việc xử lý không nghiêm có dấu hiệu bao che, bỏ lọt tội phạm. Bản án như vậy là quá nhẹ”.
Vợ nạn nhân thì cho rằng: “Chồng tôi chết tại trụ sở công an xã gần 5 năm rồi mà đến nay Công an tỉnh và Công an huyện Bù Đăng chưa trả lời được nguyên nhân vì sao dẫn đến cái chết, điều này không phải là thể hiện sự bất lực, bao che, hay còn uẩn khúc gì khác?”./.