Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại 63 điểm cầu, với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Lạc hậu với yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên đã trình bày Báo cáo tóm tắt về kết quả tổng kết thi hành BLHS, về mục tiêu, quan điểm và những định hướng cơ bản xây dựng BLHS sửa đổi. Hội nghị đã nghe 11 ý kiến tham luận và các ý kiến thảo luận ở các điểm cầu khác nhau trên tinh thần thẳng thắn, xây dựng, có tranh luận, tập trung vào đánh giá kết quả 14 năm thi hành BLHS, những bất cập, hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân, trong đó có nhiều nguyên nhân từ các quy định của Bộ luật.
Bên cạnh đó, Hội nghị đã thảo luận mục tiêu, quan điểm, phạm vi, định hướng sửa đổi để khắc phục những bất cập, hạn chế trong quy định của Bộ luật hiện hành cũng như hướng tới làm chuyển biến cơ bản và toàn diện công tác thi hành BLHS trong thời kỳ phát triển mới của đất nước.
Đề cao vai trò của BLHS đối với mỗi người dân, mỗi gia đình và toàn thể xã hội đối với sự phát triển của đất nước và mỗi địa phương, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định công tác triển khai thi hành BLHS đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ có hiệu quả các quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng thẳng thắn cho rằng, những quy định của BLHS hiện hành đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.
Cơ bản thống nhất với các mục tiêu, quan điểm và các định hướng lớn mà Bộ Tư pháp, Ban soạn thảo đưa ra, Phó Thủ tướng đề nghị tập trung nghiên cứu để đưa ra các đề xuất, các giải pháp sửa đổi nhằm bảo đảm rằng BLHS sửa đổi lần này phải có tính khả thi cao, là một Bộ luật mang tính hiện đại, tính dự báo, tính minh bạch và có chất lượng cao về mặt kỹ thuật lập pháp; phải bảo vệ có hiệu quả các quyền con người, quyền cơ bản công dân, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội...
Cũng theo Phó Thủ tướng, BLHS phải được xây dựng trên cơ sở đổi mới tư duy về quy định tội phạm và hình phạt, về cơ sở của trách nhiệm hình sự nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
“Trong đó, có thể xem xét khả năng quy định tội phạm và hình phạt không chỉ trong BLHS mà cả trong các Luật chuyên ngành khác nhằm tạo sự linh hoạt, kịp thời trong đấu tranh với các loại tội phạm mới phát sinh, đồng thời bảo đảm tính ổn định lâu dài, giảm áp lực đối với việc sửa đổi thường xuyên một bộ luật lớn như BLHS” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Xây dựng Bộ luật Hình sự sửa đổi vì người dân, vì con người
Cảm ơn và tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, lắng nghe các ý kiến thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cũng rất trăn trở trước những bất cập trong công tác thi hành BLHS mà nguyên nhân xuất phát từ các quy định của Bộ luật. Trong đó, đáng chú ý là quy định trong cấu thành tội phạm của một số điều luật chưa phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, khó chứng minh trên thực tế; một số điều luật không mô tả hành vi khách quan hoặc có mô tả nhưng không rõ ràng, không cụ thể; một số điều luật về các tình tiết định tội, định khung hình phạt mang tính định tính và định lượng không cụ thể…
Quán triệt quan điểm BLHS là một trong những bộ luật “rường cột” của đất nước, Bộ trưởng mong muốn Dự án BLHS sửa đổi được xây dựng trên cơ sở quan tâm tối đa đến việc bảo vệ độc lập, chủ quyền của Tổ quốc, bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước và tổ chức, góp phần bảo vệ trật tự, an toàn xã hội và mặt khác, thúc đẩy sự phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, bảo đảm mọi người được sống trong một môi trường xã hội và môi trường sinh thái an toàn, lành mạnh.
Đặc biệt, Bộ trưởng cho rằng lần xây dựng, sửa đổi BLHS này phải hướng tới việc khi Bộ luật được ban hành thì người dân, tổ chức, doanh nghiệp đều thấy được sự bảo hộ của Bộ luật đối với hành vi hợp pháp, chính đáng của mình.
“Đúng hay sai, có tội hay không có tội cần quy định rõ ràng, qua đó nâng cao tinh thần tự giác chấp hành Bộ luật mới. Đây là tư duy mới mà chúng ta cần nghiên cứu, tiếp cận trong việc xây dựng BLHS sửa đổi vì người dân, vì con người, vì sự phát triển của đất nước, thay vì sự thuận tiện cho cơ quan thực thi pháp luật” - Bộ trưởng tâm niệm.
Theo đó, có 6 vấn đề lớn cần tập trung là nghiên cứu khả năng quy định tội phạm và hình phạt tại một số luật chuyên ngành, kể cả việc nghiên cứu quy định về án lệ của Hội đồng Thẩm phán TANDTC; quy định trách nhiệm hình sự của một số loại hình pháp nhân; giảm khả năng áp dụng hình phạt tù, mở rộng phạm vi áp dụng các hình phạt không mang tính giam giữ, tiếp tục hạn chế phạm vi quy định về áp dụng hình phạt tử hình; mở rộng phạm vi áp dụng chế định loại trừ trách nhiệm hình sự; hoàn thiện hơn nữa chính sách hình sự liên quan đến người chưa thành niên; hình sự hóa các hành vi vi phạm có tính nguy hiểm cho xã hội đã xảy ra trong thực tế mà chưa được quy định trong BLHS và phi hình sự hóa một số tội phạm được quy định trong BLHS không còn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập hiện nay.