Chây ỳ thi hành án
Như đã đề cập ở kỳ trước, trong quá trình giám sát, Đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (QH) đã chỉ ra rất nhiều hạn chế, đặc biệt là tình trạng các chủ tịch UBND, UBND ở nhiều địa phương ít tham gia đối thoại cũng như tham gia phiên tòa khi bị khiếu kiện. Chính vì không chịu tham gia đối thoại, tham gia phiên tòa nên đã ảnh hưởng tới khâu tiếp theo trong quá trình giải quyết án hành chính - đó là việc thi hành án.
Theo kết quả giám sát của Ủy ban Tư pháp, trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2017, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án mà Chủ tịch UBND, UBND phải thi hành là 744 bản án, quyết định; trong đó đến nay vẫn còn 36 bản án, quyết định chưa được thi hành. Đáng chú ý, có bản án có hiệu lực từ năm 2011 đến nay nhưng vẫn chưa được thi hành. Thực tế này gây bức xúc cho người được thi hành án, dẫn đến tiếp tục khiếu nại, khiếu kiện phức tạp.
Theo báo cáo mới nhất của Chính phủ về công tác thi hành án 10 tháng đầu năm 2018 tại phiên họp của Ủy ban Tư pháp đầu tháng 9 vừa qua, trong 50 vụ việc người phải thi hành án là Chủ tịch UBND, UBND chưa thi hành án từ năm 2017 chuyển sang, đã thi hành xong 16 vụ việc, như vậy là còn 34 vụ việc, giảm được 2 việc so với thời điểm dự thảo báo cáo giám sát của Ủy ban Tư pháp được công bố.
Đoàn giám sát cho rằng, đối tượng phải thi hành án loại này là cơ quan và người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước, đây là đối tượng cần nghiêm túc, gương mẫu nhất trong việc thực thi pháp luật. Tuy nhiên, việc tồn đọng án hành chính chưa thi hành là một hạn chế lớn và đã tồn tại qua nhiều năm, cho thấy việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương còn chưa nghiêm, làm giảm lòng tin của nhân dân.
Lý do chưa thi hành án được một số Chủ tịch UBND, UBND đưa ra là không đồng tình với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án và đang kiến nghị tòa án xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm. Tuy nhiên, lý do này không phù hợp với Điều 23 Luật Tố tụng Hành chính (TTHC), theo đó quy định bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân, cá nhân có liên quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.
Báo cáo giám sát cũng chỉ rõ: sau khi có kiến nghị và Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC), Viện kiểm sát nhân dân Tối cao (VKSNDTC) đã có văn bản trả lời “không có căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm”, nhưng đến nay Chủ tịch UBND, UBND vẫn tiếp tục không thi hành.
Theo Đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp, cơ chế thi hành án hành chính là cơ chế tự nguyện thi hành, do người phải thi hành án là cơ quan nhà nước nên pháp luật không quy định cưỡng chế thi hành án.
Song, trong 3 năm từ 2015-2017, nhiều trường hợp Chủ tịch UBND và UBND không tự nguyện thi hành án, dẫn đến người dân phải có đơn đề nghị và toà án đã phải ra 70 quyết định buộc thi hành án. Điều này cho thấy sự chưa gương mẫu chấp hành pháp luật, chưa đề cao trách nhiệm trước nhân dân của một số cơ quan chính quyền địa phương.
Chưa ai bị xử lý trách nhiệm
Nhằm bảo đảm hiệu quả trong công tác thi hành án hành chính (THAHC), Chính phủ đã ban hành Nghị định 71/2016/NĐ-CP. Theo Nghị định này, trường hợp người phải thi hành án không chấp hành, chấp hành không đúng, không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của tòa án thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại còn phải bồi thường theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, pháp luật dân sự và các biện pháp xử lý khác.
Để bảo đảm tính khả thi trên thực tế cũng như đề cao trách nhiệm của người phải thi hành án là cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan, tổ chức thuộc bộ máy nhà nước, Nghị định đã quy định cụ thể các hành vi vi phạm trong thi hành án hành chính tương ứng với từng hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Nghị định cũng quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án là Chủ tịch UBND, UBND. Cụ thể, người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của UBND, Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án thuộc thẩm quyền quản lý; xem xét kỷ luật hoặc đề nghị người có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với người phải thi hành án vi phạm nghĩa vụ THAHC.
Quy định là như vậy nhưng Chính phủ cũng thừa nhận có tình trạng một số UBND, Chủ tịch UBND chưa thật sự quan tâm, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác THAHC, trong đó có trách nhiệm chủ động, tự nguyện thi hành án, trách nhiệm đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra cấp dưới về công tác THAHC...
Còn có tình trạng một số UBND không chủ động THAHC, trong khi cơ quan THADS, thủ trưởng cấp trên đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu tổ chức thi hành án nhưng cơ quan phải thi hành án vẫn chậm tổ chức thi hành.
Đặc biệt, Đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp cho biết, trong kỳ báo cáo, mặc dù có nhiều bản án, quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật chậm thi hành nhưng đến nay chưa có trường hợp nào Chủ tịch UBND, UBND bị xử lý trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ THAHC. Đến nay cũng chưa có trường hợp nào thủ trưởng cơ quan cấp trên của người thi hành án thực hiện quy định xem xét kỷ luật hoặc đề nghị người có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với người phải thi hành án vi phạm nghĩa vụ THAHC.
“Như thế thì hết chỗ nói”
Nhận xét về tình trạng trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH Nguyễn Sỹ Cương cho rằng đây là một vấn đề bức xúc của xã hội. “Bức tranh chung của nền hành chính nếu nhìn từ góc độ chấp hành pháp luật về TTHC phải nói là yếu kém và tùy tiện. Ban hành các quy định thì trái pháp luật; nếu có khiếu nại thì không đối thoại, không xem xét. Khi người dân kiện ra toà lại không tham gia phiên tòa, lúc tòa phán quyết thì không thực hiện. Như thế thì hết chỗ nói!”, ông Cương bức xúc.
Cho biết đã tham gia Đoàn giám sát ở 2 tỉnh, thành phố lớn ở phía Nam, ông Hoàng Văn Hùng, Ủy viên Ủy ban Tư pháp nhận xét: “Trong quá trình làm việc, có Bí thư một thành phố tuyên bố: “Tôi còn làm bí thư thì tôi chưa chấp hành bản án này”. Đó là một sự thách thức mà nếu Chính phủ không có giải pháp triệt để, không làm mạnh thì không ổn”, ông Hùng thẳng thắn nói.
Tham gia ý kiến tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ liên quan đến tình hình thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của QH vào tháng 9 vừa qua, Phó trưởng Ban Nội chính trung ương Nguyễn Thái Học cho biết ông rất suy nghĩ về tình trạng Chủ tịch UBND và cấp phó được uỷ quyền không gương mẫu trong chấp hành pháp luật về TTHC, không tham gia đối thoại, không đến toà tham gia tố tụng, thậm chí bản án có hiệu lực cũng không chịu thi hành.
“Luật ban hành dù đúng hay sai, phù hợp hay không thì công dân phải thi hành, nếu không sẽ bị xử lý. Bây giờ nói Luật TTHC không phù hợp, cán bộ nhà nước không thực hiện thì có đảm bảo tính công bằng hay không? Nếu như cấp chính quyền, người đứng đầu cấp chính quyền không gương mẫu, không tôn trọng luật pháp thì chúng ta đòi hỏi người dân thượng tôn pháp luật ra sao?”, ông Nguyễn Thái Học nói và cho biết Ban Nội chính Trung ương sẽ có kiến nghị và phải chấn chỉnh vấn đề này.
Về vấn đề này, Bộ Tư pháp chỉ ra rằng, cơ chế THAHC theo Luật TTHC năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP là cơ chế tự thi hành, do đó, đối với những trường hợp bản án, quyết định bị chậm hoặc không được tổ chức thi hành vẫn chưa có những cơ chế cụ thể, đủ mạnh để thực hiện những biện pháp cưỡng chế THAHC đối với người phải thi hành án.
Vì vậy, Bộ Tư pháp kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan có liên quan xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong việc chấp hành, chỉ đạo chấp hành nghiêm bản án quyết định của tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật; xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu trong việc không chấp hành án hành chính theo đúng quy định pháp luật.
Còn Chính phủ - với nhận định việc người có nghĩa vụ THAHC cố tình không chấp hành án khiến việc thi hành án khó khăn, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân – đã đề nghị Ủy ban Tư pháp kiến nghị QH nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật TTHC theo hướng quy định cụ thể các giải pháp để đảm bảo hiệu quả công tác THAHC trong trường hợp này.
“…Nếu như cấp chính quyền, người đứng đầu cấp chính quyền không gương mẫu, không tôn trọng luật pháp thì chúng ta đòi hỏi người dân thượng tôn pháp luật ra sao?” (Ông Nguyễn Thái Học, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương)
“Ban hành các quy định thì trái pháp luật; nếu có khiếu nại thì không đối thoại, không xem xét. Khi người dân kiện ra toà lại không tham gia phiên tòa, lúc tòa phán quyết thì không thực hiện. Như thế thì hết chỗ nói!”. (Ông Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH)