Nguyên nhân của cuộc chiến thành Troy
Huyền thoại thành Troy bắt đầu từ chuyện chàng hoàng tử Paris, người được mệnh danh là hoàng tử đẹp trai nhất phương Tây lúc bấy giờ, một hôm chàng ta đang tham gia một bữa tiệc cùng chư hầu, hoàng tử hỏi ai là người có nhan sắc tuyệt trần nhất thế gian có thể xứng đôi với chàng.
Các chư hầu liền nói, ở phương Đông có nàng Helen tóc vàng xinh đẹp, cực kỳ diễm lệ là người tuyệt xứng với hoàng tử nhất. Người đẹp nhất phương Tây với người đẹp nhất phương Đông nếu kết duyên với nhau quả là một ý kiến tuyệt vời. Tuy vậy, nàng Helen lại đang là vợ của vua Sparta là Menelaus.
Quyết chiếm bằng được nàng Helen xinh đẹp, hoàng tử Paris đã nhờ đến sự giúp đỡ của các vị thần và cũng trùng hợp làm sao, ngay lúc đó, các vị thần cũng đang có một cuộc chiến sắc đẹp, xem ai xứng đáng nhận được quả táo cho người đẹp nhất.
Cuộc thi bất phân thắng bại của ba ứng cử viên là nữ thần Hera, Aphrodite và Athena. Không thể quyết định được ai là người đẹp nhất, ba vị thần quyết định nhờ đến Paris, người được công nhận là người đẹp nhất trần gian để phán định.
Hình ảnh con ngựa gỗ thần thoại trong cuộc chiến thành Troy. |
Trước khi phán định, Paris kể câu chuyện của mình với các nữ thần và Aphrodite hứa giúp Paris nên chàng quyết định trao quả táo cho nữ thần Aphrodite. Sau đó, với sự giúp đỡ từ nữ thần tình yêu và sắc đẹp, Paris đã đến thăm Sparta, quyến rũ thành công nàng Helen, khiến nàng bỏ chồng trốn theo chàng. Menelaus biết tin vô cùng tức giận nên đã nhờ đến anh mình là vua xứ Mycenae – Agamemnon giúp đoạt lại vợ.
Agamemnon thấy danh dự mình bị xúc phạm nên quyết tâm dẫn quân đi đánh thành Troy, giành lại Helen và lấy lại tôn nghiêm của mình. Thế là từ đó cuộc chiến tranh thành Troy huyền thoại đã bùng nổ.
Con ngựa gỗ thành Troy ghi dấu lịch sử
Trong thành Troy có bức tượng gỗ của thần Athena, gọi là Palladium và người Hy Lạp biết rằng chừng nào còn giữ được bức tượng này thì thành Troy còn an toàn. Quân Hy Lạp biết thế nên đã phái chiến tướng Diomedes và Odysseus cơ trí, vào một đêm tối trời, leo lên tường thành Troy, đột nhập vào đền thờ Athena, đánh cắp Palladium, mang pho tượng về doanh trại quân Hy Lạp.
Nhưng ngay cả khi đã có được pho tượng che chở cho thành Troy rồi, người Hy Lạp vẫn biết nếu không có một đòn quyết định thì cuộc chiến sẽ không bao giờ kết thúc. Gần 10 năm đã trôi qua, nhưng các bức tường của thành Troy vẫn đứng vững trước các cuộc công phá dữ dội của quân Hy Lạp. Bốn đội quân tấn công vào bốn mặt thành thôi chưa đủ, cần phải có một lực lượng từ bên trong đánh ra thì may ra mới hạ được Troy. Nhưng làm thế nào để đưa được đạo quân thứ năm đó vào thành?
Một lần nữa, người Hy Lạp lại phải dựa vào tài trí của Odysseus. Ông ra lệnh cho thợ trong vòng ba ngày phải đóng xong một con ngựa gỗ khổng lồ, đủ chứa được vài chục người. Đích thân Odysseus sẽ chui vào đó cùng với một số chiến tướng như Neoptolemus, Epeius, Melenaus và hơn mười dũng sỹ khác nữa. Con ngựa có cửa chốt bên trong chắc chắn. Sau khi các dũng sỹ đã rút vào trong bụng ngựa, quân Hy Lạp để con ngựa lại bên ngoài, đối diện với cổng Scaean của thành Troy, xong cho đốt hết tất cả các doanh trại, lên thuyền nhổ neo đi.
Khi quân Troy thấy doanh trại quân Hy Lạp bốc cháy, các chiến thuyền lần lượt kéo nhau đi, bèn ngây thơ vui sướng cho rằng người Hy Lạp thế là đã phải chấp nhận thất bại, cuộc chiến tranh 10 năm thế là chấm dứt. Họ kéo đến doanh trại Hy Lạp, chỉ còn thấy những tàn tích của mười năm đóng quân.
Nhưng sao có con ngựa gỗ khổng lồ để lại?Cùng lúc đó, quân Troy tóm được Sinon – một tên lính Hy Lạp đã được Odysseus cài lại. Được dẫn đến trước mặt vua Rriam thành Troy, hắn giải thích rằng người Hy Lạp, mệt mỏi vì chinh chiến dằng dặc mãi không thắng được, đã quyết định rút quân, quay về quê hương.
Nhưng trước khi rút quân, họ bị thần Athena trách cứ. Nữ thần nói nàng rất tức giận vì người Hy Lạp dám đánh cắp pho tượng Palladium trong thành Troy. Thần nói nếu muốn được yên thân quay về xứ sở thì phải tổ chức hiến tế bằng máu người Hy Lạp, y như lúc đầu xuất quân đã từng hiến tế. Bằng không sẽ bị trừng phạt. Sinon bảo, chính hắn là kẻ bị Odysseus chọn làm vật hiến tế, nhưng hắn đã khôn khéo trốn thoát được.
Cuộc chiến 10 năm dần đến hồi kết
Vua Priam có lẽ thời gian qua mải đau buồn vì con trai Hector chết, nên ngớ ngẩn tin ngay lời Sinon, không thắc mắc.Về phần con ngựa gỗ,Sinon nói, do thần Athena giận dữ vì vụ ăn trộm Palladium, nữ thần ra lệnh cho họ phải chế một con ngựa gỗ, tặng lại cho thành Troy, thế chỗ cho bức tượng làm linh vật của thành đã bị lấy mất.
Người Hy Lạp không dám trái lệnh, nhưng cố tình làm con ngựa gỗ thật to để người Troy không thể mang vào trong thành, thành Troy do đó sẽ không được bảo vệ nếu như quân Hy Lạp quay lại một lần nữa…
Câu chuyện do Odysseus bịa ra và Sinon rót vào tai vua Priam thì lại quá có lý, đủ để nhà vua phải suy tính. Nếu mang được con ngựa gỗ – linh vật của nữ thần Athena vào bên trong thì thành Troy sẽ bền vững mãi mãi. Vua lại còn sợ ngựa gỗ quá to, không lọt qua cổng thành được, nên đã ra lệnh cho quân dân Troy phá hẳn một đoạn tường thành để đưa ngựa gỗ vào trong thành.
Nhưng không phải ai cũng tin vào lời bịa tạc của Sinon. Laocoon, viên tư tế của thần Apollo, đã ra sức ngăn cản vua Priam, nhưng nữ thần Athena, vẫn không nguôi căm hận đối với Paris, phái luôn hai con rắn thần từ dưới mặt biển nhô lên cắn chết Laocoon. Người Troy thấy thế càng tin rằng ngựa gỗ chính là linh vật của thần linh và quyết chí kéo nó vào thành.
Khi ngựa gỗ đã được kéo vào thành, con gái vua Priam là nữ tiên tri Cassandra – kẻ bị nguyền đã khóc lóc, cảnh báo người dân Troy về tai họa ghê gớm đang đến gần. Đáp lại lời nàng chỉ có những lời chế nhạo.
Đêm hôm ấy, khi quân và dân thành Troy đang ngủ say sưa trong cảm giác yên bình. Sinon bèn lẻn ra bờ biển đốt lửa làm hiệu rồi đến gõ nhẹ vào bụng con ngựa gỗ. Nghe ám hiệu, các tráng sỹ Hy Lạp từ trong bụng ngựa mở chốt chui ra, họ chia nhau đi khắp bốn cổng thành, giết hết lính canh, mở toang cửa rồi nổi lửa đốt các ngôi nhà trong thành. Trong chốc lát, thành Troy đã ngập chìm trong biển lửa.
Thấy tín hiệu lửa cháy, hạm đội Hy Lạp đang phục quanh đảo gần đó nhanh chóng quay lại, đổ quân lên bờ. Quá dễ dàng khi tòa thành đã bị mở toang bốn mặt, quân Hy Lạp xông vào, mặc sức chém giết. Một trong những thành bang lớn nhất thời cổ đại đã bị người Hy Lạp san bằng thành bình địa.
Sau này, những thuật ngữ như “ngựa gỗ thành Troy” hay “đạo quân thứ năm” đã trở thành kinh điển, để chỉ chiến thuật nội ứng từ trong nội bộ đánh ra. Chúng cũng là chủ đề vô tận cho các tác phẩm văn học nghệ thuật, mỹ thuật.