Vẫn chưa vượt qua được đẳng cấp về cơ cấu
“Thành tựu quan trọng bậc nhất của đổi mới là việc chuyển nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp dựa trên nền tảng nền kinh tế nông nghiệp – nông dân cổ truyền sang kinh tế thị trường, nhờ đó đất nước thoát khỏi phương thức phát triển lạc hậu, biến quá trình này thành xu hướng không thể đảo ngược...”- PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khái quát.
Nhưng ngay sau đó, ông đặt câu hỏi: “Liệu sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã thoát khỏi lạc hậu?” và trả lời luôn là: “Chưa”. Dẫn chứng về thay đổi cơ cấu kinh tế, ông Thiên cho rằng mặc dù ngành công nghiệp và xây dựng tăng khá nhanh, từ 25,10% năm 1987 lên 41,24% năm 2013, song chủ yếu tăng do ngành xây dựng, còn ngành công nghiệp chế biến và chế tạo hầu như không thay đổi (17,22% năm 1987 và 18,88% năm 2013).
“Thay đổi cơ cấu của Việt Nam chưa thể dẫn đến thay đổi về chất lượng” - ông Thiên khẳng định. Đặc biệt, năng suất lao động của Việt Nam suốt 20 năm qua hầu như không thay đổi, vẫn là một đường thẳng. “Nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa vượt qua được đẳng cấp về cơ cấu khi mà đầu vào vẫn phụ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc, làm méo mó thị trường”.
Dẫn số liệu thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam khoảng 1.400USD vào năm 2012, ông Thiên lưu ý: “Mục tiêu đạt mức GDP bình quân đầu người 3.000USD vào năm 2020 (trong Chiến lược Phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2011-2020) trở nên thiếu thực tế, bởi điều này tương ứng kể từ năm 2015 trở đi, Việt Nam phải đạt được mức tăng trưởng thu nhập đầu người trên 10% mỗi năm”.
Vốn - nhân tố chủ đạo của tăng trưởng
Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Tuấn Anh cũng nhận định, tăng trưởng kinh tế trong 30 năm qua vẫn chưa đủ nhanh để rút ngắn khoảng cách giữa Việt Nam và các nước trong khu vực. Ông lưu ý, sự phát triển kinh tế trong thời gian qua chưa bền vững, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, các cân đối kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc. Các nguồn lực chưa được huy động và sử dụng với hiệu quả cao… Bằng chứng là mô hình tăng trưởng kinh tế hiện vẫn là phát triển theo chiều rộng, chủ yếu dựa vào việc khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ và vốn theo hướng tăng xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
“Tính chung trong 20 năm qua, vốn là nhân tố chủ đạo của sự tăng trưởng, đóng góp tới 46% mức độ tăng trưởng, nhân tố lao động khá ổn định, chỉ chiếm tỷ lệ 20%, nhân tố tiến bộ công nghệ và quản lý chiếm 34%, nhưng đã ngày càng đi xuống, mặc dù khi phân tích sâu thì việc ứng dụng tiến bộ công nghệ trong một số ít lĩnh vực như công nghệ thông tin, viễn thông, năng lượng, xây dựng, sinh học đã được nâng lên. Trong thời gian 10 năm gần đây, tác động của nhân tố tăng trưởng theo chiều sâu chỉ còn 20%, xấp xỉ bằng nhân tố lao động 21%, trong khi nhân tố vốn đã tăng lên tới 59%...”, ông Ánh dẫn chứng.
Sau 30 năm đổi mới, một trong những thành tựu được nhắc đến là từ một nước thiếu gạo, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, tuy nhiên, vị chuyên gia này chua chát khi dẫn số liệu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam được 3 tỷ USD thì nhập khẩu thức ăn chăn nuôi (ngô, đậu…) lên tới 4 tỷ USD (!?).
“Dò đá qua sông”
Nhắc đến thành tựu của nền kinh tế Việt Nam, GS.TSKH Nguyễn Quang Thái dẫn chứng, đó là liên tục trong 20 năm, Việt Nam đứng thứ hai về tốc độ tăng trưởng (chỉ sau Trung Quốc). Nhưng vị này lo ngại, tốc độ đó đang giảm dần. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh nhưng chất lượng rất thấp. Đặc biệt, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mặc dù chiếm tỷ trọng cao trong kim ngạch xuất khẩu nhưng giá trị gia tăng thấp, nặng về gia công, không có chuyển giao công nghệ…
“Nguy cơ “tụt hậu” nay đã trở thành thực tế và cả “lạc điệu phát triển” vì đi theo cách thức không giống ai, kìm hãm sự phát triển...”- ông Thái phát biểu. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cũng tỏ ra lo ngại khi chúng ta đổi mới trong tư duy kiểu “dò đá qua sông” mà không có một chủ thuyết, một mô hình phát triển nên các cân đối không rõ.
“Trước đây chúng ta thử sai, tức là cứ làm rồi chỉnh sửa. Nhưng bây giờ đã đổi mới phải đúng, làm sai gây hậu quả lớn lắm!”- TS Tuấn Anh lưu ý.