- Thưa ông, thế nào là hỏi cung?
Hỏi cung là biện pháp điều tra theo trình tự luật định đối với một người đã bị khởi tố bị can nhằm làm rõ sự thật về hành vi phạm tội của họ và của những người đồng phạm.
- Thẩm quyền hỏi cung bị can?
Thông thường, Điều tra viên là người hỏi cung bị can. Trong trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên có thể hỏi cung bị can. Việc hỏi cung do Kiểm sát viên tiến hành cũng phải theo đúng thủ tục được quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự BLTTHS.
- Hỏi cung được tiến hành khi nào?
Sau khi quyết định khởi tố bị can, Điều tra viên phải tiến hành ngay việc hỏi cung bị can, nhằm sớm làm rõ sự thật về hành vi phạm tội của bị can, giúp cho công tác điều tra được xử lý nhanh chóng, kịp thời, đáp ứng yêu cầu không để lọt tội phạm và không làm oan người vô tội.
Điều tra viên không được hỏi cung bị can vào ban đêm (từ 22h ngày hôm trước đến 6 h sáng ngày hôm sau), trừ trường hợp không thể trì hoãn được (Ví dụ như cần phải phục vụ yêu cầu truy bắt người đồng phạm, thu giữ vật chứng, công cụ, phương tiện phạm tội, làm rõ và ngăn cản kịp thời những hành vi phạm tội của những người đồng phạm với bị can…). Mọi trường hợp hỏi cung bị can vào ban đêm, Điều tra viên phải ghi rõ lý do vào biên bản hỏi cung.
- Địa điểm hỏi cung bị can?
Thông thường việc hỏi cung bị can được tiến hành tại trụ sở của Cơ quan điều tra. Tuy nhiên, Điều tra viên cũng có thể hỏi cung bị can tại nơi đang tiến hành điều tra hoặc tại nơi ở của người đó.
- Thủ tục hỏi cung bị can?
Trước khi hỏi cung bị can, Điều tra viên phải đọc quyết định khởi tố bị can và giải thích cho bị can biết rõ quyền và nghĩa vụ được quy định tại Điều 49 của BLTTHS. Việc này phải được ghi vào biên bản. Thủ tục này không phải thực hiện khi hỏi cung những lần sau.
Nếu vụ án có nhiều bị can thì phải hỏi cung riêng từng bị can và không được để cho các bị can tiếp xúc với nhau để tránh các bị can thông cung, khai báo không đúng sự thật. Điều tra viên phải sắp xếp thời gian triệu tập bị can để hỏi cung riêng mỗi bị can vào thời gian khác nhau.
Nếu vụ án do nhiều Điều tra viên tiến hành điều tra và cần thiết phải hỏi cung nhiều bị can cùng một thời gian thì phải bố trí các chỗ hỏi cung riêng để các bị can không tiếp xúc được với nhau.
Mỗi lần hỏi cung bị can, Điều tra viên đều phải lập biên bản. Biên bản phải ghi đầy đủ lời trình bày của bị can, các câu hỏi của Điều tra viên và các câu trả lời của bị can. Nghiêm cấm Điều tra viên tự thêm, bớt hoặc sửa chữa lời khai của bị can.
Sau khi hỏi cung xong, Điều tra viên đọc lại biên bản cho bị can nghe hoặc để bị can tự đọc biên bản. Trong trường hợp có bổ sung và sửa chữa biên bản thì bị can và Điều tra viên cùng ký xác nhận. Nếu biên bản có nhiều trang thì bị can phải ký vào từng trang của biên bản.
Trường hợp bị can tự viết lời khai thì Điều tra viên và bị can cùng ký xác nhận vào tờ khai; và Điều tra viên vẫn phải lập biên bản hỏi cung chứ không được dùng biên bản viết tự khai để thay thế cho biên bản hỏi cung.
- Trường hợp bị can không ký biên bản hỏi cung thì xử lý thế nào?
Trường hợp bị can từ chối ký biên bản hỏi cung thì Điều tra viên phải ghi rõ vào biên bản việc từ chối đó và lý do từ chối không ký biên bản. Nếu bị can vì nhược điểm thể chất hoặc vì lý do khác mà không thể ký biên bản, Điều tra viên và người chứng kiến hoạt động điều tra cùng ký xác nhận. Nếu bị can không biết chữ thì phải điểm chỉ vào biên bản.
- Việc ghi âm cuộc hỏi cung có thay thế biên bản hỏi cung?
Việc ghi âm cuộc hỏi cung không thay thế cho biên bản hỏi cung. Nếu cuộc hỏi cung được ghi âm và muốn đưa băng ghi âm vào hồ sơ vụ án thì khi bắt đầu hỏi cung, Điều tra viên phải thông báo cho bị can biết việc đó và khi kết thúc phải phát lại băng ghi âm nội dung hỏi cung để Điều tra viên và bị can cùng nghe.
Điều tra viên vẫn phải lập biên bản hỏi cung mặc dù có ghi âm. Sau khi kết thúc hỏi cung, Điều tra viên vẫn phải đọc lại biên bản hỏi cung cho bị can nghe và ký xác nhận vào biên bản hỏi cung. Trong biên bản hỏi cung ghi rõ là bị can đã được nghe băng ghi âm việc hỏi cung và xác nhận là đúng.
- Luật sư bào chữa cho bị can có quyền được tham gia cuộc hỏi cung?
Luật quy định: “Người bào chữa có quyền có mặt khi hỏi cung bị can và nếu Điều tra viên đồng ý thì được hỏi bị can”. Khi cuộc hỏi cung có mặt người bào chữa thì người bào chữa phải cùng ký vào biên bản. Trong trường hợp người bào chữa được hỏi bị can thì trong biên bản phải ghi đầy đủ câu hỏi của người bào chữa và câu trả lời của bị can.
- Luật nghiêm cấm những hành vi nào của người hỏi cung?
Luật nghiêm cấm Điều tra viên, Kiểm sát viên thực hiện các hành vi sau:
- Tự thêm, bớt hoặc sửa chữa lời khai của bị can
- Bức cung hoặc dùng nhục hình
Bức cung là bức ép bị can phải khai báo, khai không đúng sự thật, khai theo ý muốn chủ quan của Điều tra viên, Kiểm sát viên bằng việc dùng những thủ đoạn, phương pháp hỏi cung trái pháp luật như đe dọa dùng nhục hình, đe dọa bắt giam bị can (đang tại ngoại) hoặc người thân của bị can; đe dọa, khống chế về tinh thần..
Dùng nhục hình là tra tấn, đánh đập hoặc dùng các thủ đoạn thô bạo khác làm cho bị can đau đớn về thể xác, hoảng loạn về tinh thần mà phải khai báo không đúng sự thật hoặc khai báo theo ý muốn của người hỏi cung.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!