Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường có giết người?
Xuất phát từ mong muốn nhìn nhận các vấn đề pháp lý xung quanh vụ việc Thẩm mỹ viện Cát Tường, tọa đàm khoa học “Những vấn đề pháp lý đặt ra từ vụ việc Thẩm mỹ viện Cát Tường” do Trung tâm Tư vấn pháp luật, ĐH Luật Hà Nội tổ chức đã thu hút sự tham gia của rất nhiều luật sư (LS), giảng viên trong lĩnh vực pháp luật.
LS Nguyễn Huy Thiệp - Phó Chủ nhiệm Đoàn LS TP.Hà Nội - cho rằng, ở góc độ người thực hành luật, nhất thiết cần cân nhắc tội danh nào thì tương thích với hành vi của BS Tường.
Cụ thể, theo LS Thiệp, hoàn toàn có đủ cơ sở để loại trừ tội giết người đối với BS Tường, vì theo định nghĩa “giết người là hành động tước đoạt sự sống của người đang sống”. Tội danh giết người trong vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường chỉ đủ cơ sở khi chứng minh được chị Huyền chưa chết trước khi bị ném xuống sông hoặc bị phi tang xác đâu đó (nếu có) - LS Thiệp nhấn mạnh.
Cũng theo LS Thiệp: “Căn cứ vào lời khai của BS Tường và nhiều nguồn thông tin liên quan khác thì chị Huyền không còn khả năng còn sống khi bị ném xuống sông. Cụ thể, lời khai của BS Tường cho thấy từ 17h45 ngày 19/10 chị Huyền đã xuất hiện dấu hiệu ngạt thở, tím tái, BS Tường tập trung cấp cứu và sau đó xác định nạn nhân đã chết.
Ở đây nhất định xuất hiện vấn đề tâm lý của BS Tường khi nạn nhân chết là hoang mang và bấu víu, hy vọng vào dấu hiệu mong manh của sự sống ở nạn nhân. Tuy nhiên, từ 17h45 đến 23h30 không còn bất kỳ một dấu hiệu sự sống của nạn nhân, nên BS Tường đã đi đến quyết định phi tang để che giấu. Đây cũng là lý do để loại trừ tội giết người”.
Còn Trưởng Khoa Đào tạo LS của Học viện Tư pháp - TS Nguyễn Văn Điệp- cho rằng, việc những tội danh mà Công an Hà Nội khởi tố (Điều 242 và 246 Bộ luật Hình sự - BLHS) trong vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường đến thời điểm này là chính xác.
“Muốn sáng tỏ vụ việc này thì cần phải chứng minh. Ví dụ như nếu chứng minh được chị Huyền chỉ chết lâm sàng, vẫn còn cơ hội cứu chữa nhưng bị cố tình ném xuống sông thì BS Tường sẽ không thoát khỏi tội giết người. Còn nếu nạn nhân chết trong khi BS Tường làm phẫu thuật thì đó là tội vô ý làm chết người với khung hình phạt nặng nhất là 12 năm”.
Ngày 1/11/2013, Công an Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Mạnh Tường - bác sĩ (BS) Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường cùng đồng phạm là Đào Quang Khánh - nhân viên bảo vệ Thẩm mỹ viện Cát Tường.Theo đó, ông Nguyễn Mạnh Tường bị khởi tố về hai tội danh gồm “vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” theo Điều 242 Bộ luật Hình sự và “xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” theo Điều 246 Bộ luật Hình sự; Đào Quang Khánh bị khởi tố về hành vi “xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt”.
Không đồng tình với TS Nguyễn Văn Điệp, TS Lê Đăng Doanh – Khoa Pháp luật Hình sự, ĐH Luật Hà Nội cho rằng lời khai của BS Tường chính là căn cứ để xác định nạn nhân đã chết, nên không phải chờ tìm thấy xác mới định được tội danh.
Mặt khác, theo TS Doanh, xác định tội danh theo Điều 242 là đúng, có căn cứ nhất cho đến thời điểm hiện nay. “Tuy nhiên, hành vi tác động đến xác của chị Huyền (ném xuống sông) của BS Tường không phải là Điều 246 (xâm phạm thi thể) mà đây chỉ là tình tiết tăng nặng của Điều 242.
Tương tự như vụ Nguyễn Đức Nghĩa cắt đầu ném xuống sông cũng chỉ xử lý tội giết người. Cơ quan điều tra khởi tố bị can Tường về 2 tội danh quy định tại Điều 242 và Điều 246 Bộ luật Hình sự là không có cơ sở, bởi lẽ theo lý luận cơ bản của pháp luật hình sự Việt Nam, về nguyên tắc “một hành vi phạm tội không thể truy cứu trách nhiệm hình sự về 2 tội danh”.
Tôi cho rằng hiện nay cơ quan công an khởi tố với hai tội danh trên cũng là do sức ép dư luận, để cho khung hình phạt tăng lên. Với BS Tường là thế, nhưng với bảo vệ Khánh thì khác. Hành vi của Khánh chính là đã phạm tội theo Điều 246 BLHS” – TS Lê Đăng Doanh phân tích.
Có nhất thiết phải tìm thấy xác?
Đã gần một tháng trôi qua kể từ ngày bị ném xuống sông, gia đình và các lực lượng tìm kiếm vẫn chưa thể tìm thấy xác nạn nhân dưới sông sâu và cơ hội tìm thấy ngày càng thu hẹp. Điều này đặt ra một dư luận trong xã hội cũng như những tranh cãi trong giới pháp lý là: Có nhất thiết phải tìm thấy xác thì mới xác định được tội danh cũng như đưa ra xét xử vụ việc?
LS Nguyễn Văn Chiến – Phó Chủ nhiệm Đoàn LS TP.Hà Nội, Phó Tổng thư ký Liên đoàn LS Việt Nam - cho rằng, thông thường những vụ án giết người là tiếp cận xuôi, có nghĩa là phát hiện nạn nhân trước rồi mới truy tìm thủ phạm, nhưng riêng vụ việc Thẩm mỹ viện Cát Tường là tiếp cận ngược.
Bằng chứng là trong vụ này sự việc được mở từ việc người qua đường tìm thấy xe máy và đồ đạc của nạn nhân, sau đó công an mới truy ngược lại nơi nạn nhân đã hiện diện cuối cùng, rồi lời tự thú của BS Tường và những người liên quan… để xác định là đã có sự kiện phạm tội xảy ra.
Tuy nhiên, cho đến nay vì chưa tìm được xác nạn nhân nên chưa thể khẳng định những lời tự thú, lời khai trên là có cơ sở xác thực. “Chắc gì chị Huyền đã chết? Vậy vấn đề đặt ra ở đây là gì? Giả sử có nguồn tin đặt ra chị Huyền chưa chết hoặc chết không do sự tác động của BS Tường thì sao? Đây chính là cơ sở để thay đổi tội danh, thậm chí tạm đình chỉ điều tra nếu chứng minh được” – LS Nguyễn Văn Chiến liên tiếp đặt ra những câu hỏi.
Từ đó, LS Chiến nhấn mạnh rằng cần phải xác định xem chứng cứ nào quyết định vấn đề và khi xác định chứng cứ phải nhìn dưới góc độ khoa học chứ không thể chỉ căn cứ vào lời khai của những người trong cuộc.
Viện dẫn những quan điểm tham khảo từ giới pháp y nhận định về vụ việc nếu như tìm thấy xác nạn nhân, TS Phan Thanh Mai - Chủ nhiệm Khoa Pháp luật Hình sự, ĐH Luật Hà Nội khẳng định: “Muốn xác định đúng tội danh của BS Tường và đồng phạm thì nhất định phải tìm thấy xác vì theo Điều 155- Trưng cầu giám định của Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) “bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định nguyên nhân chết người, tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khỏe hoặc khả năng lao động…”.
… Bên cạnh những tranh luận trái chiều, các đại biểu tham gia tọa đàm cũng nhấn mạnh ý kiến của họ chỉ nên được nhìn nhận dưới góc độ khoa học, nghiên cứu, chứ không phải là định tội thay cơ quan tố tụng.
Và trên hết, khái niệm suy đoán vô tội được quy định trong BLTTHS “không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật” phải nhất thiết được tôn trọng.