Vẫn còn nhiều bất cập
Phạt “nguội” không chỉ thể hiện chính xác hành vi vi phạm mà còn giúp giảm bớt sự có mặt thường xuyên của lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) trên đường, hạn chế tiêu cực trong quá trình xử lý vi phạm. Vì vậy, ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông của người tham gia giao thông được nâng cao, góp phần giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông.
Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện, truy tìm và xử lý đối tượng vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã được nhiều nước thực hiện. Ở Việt Nam, từ năm 2008, Cục CSGT đã thử nghiệm hệ thống giám sát, xử lý vi phạm giao thông trên tuyến quốc lộ 1A, đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Đến nay, hệ thống giám sát giao thông đã được triển khai tại nhiều địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng, TP Cần Thơ, Kiên Giang, Đồng Nai… và trên một số tuyến cao tốc.
Thông qua hệ thống giám sát, các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông được ghi nhận và truyền dữ liệu về Trung tâm chỉ huy để sàng lọc, phân tích. Ngay sau đó, thông tin này có thể được thông báo đến các tổ công tác làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát ngoài hiện trường biết, dừng phương tiện kiểm soát, xử lý theo đúng quy định.
Trường hợp chưa có điều kiện dừng được phương tiện tại thời điểm đó, dữ liệu được biên tập báo cáo cấp có thẩm quyền tổ chức xác minh, gửi thông báo vi phạm đến chủ phương tiện, đến cơ quan công an nơi có vi phạm bị phát hiện để giải quyết.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chủ trương phạt nguội hiện nay vẫn chưa rộng, tỷ lệ phạt nguội còn thấp và đối tượng tập trung xử lý chủ yếu vẫn chỉ là trường hợp vi phạm của xe ô tô.
Ngoài ra, hành lang pháp lý để xử lý phạt nguội cũng chưa đầy đủ. Cụ thể, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục xử lý đối với các trường hợp phát hiện các phương tiện vi phạm nhưng không dừng ngay được phương tiện, nhiều quy định còn chung chung.
Việc đóng phạt chủ yếu dựa trên tinh thần tự giác của chủ phương tiện chứ chưa có chế tài xử lý chủ phương tiện cố tình không đến làm việc theo thông báo vi phạm hoặc không thừa nhận là người điều khiển phương tiện vi phạm, không biết người điều khiển là ai. Một số quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính về chuyển quyết định xử phạt, thu tiền phạt qua tài khoản... còn chưa đầy đủ, rõ ràng.
Ngoài ra, thiết bị phục vụ cho việc giám sát chưa đầy đủ cũng là một trong những nguyên nhân gây ra khó khăn trong việc xử lý phạt nguội. Hiện nay, hệ thống giám sát mới chỉ tập trung ở những khu vực trọng điểm nội đô và các tuyến quốc lộ, chưa rộng khắp nên chưa thể triển khai việc phạt nguội một cách rộng rãi. Cùng với đó, sự kết nối trong hệ thống camera giám sát giao thông vẫn chưa đồng bộ, dẫn đến lãng phí trong đầu tư nguồn lực.
Theo Phòng CSGT - Công an TP Hà Nội, hiện đơn vị này đang quản lý, sử dụng 450 camera giám sát, phát hiện vi phạm giao thông tại các nút giao thông trọng điểm và các tuyến phố ở khu vực nội đô. Với số lượng trang thiết bị như hiện nay thì không thể bao quát và xử lý vi phạm trên toàn địa bàn TP. Trong khi đó, việc đầu tư lắp đặt trang thiết bị cho việc xử lý vi phạm qua hình ảnh theo hình thức xã hội hóa chưa thực hiện được do chưa được cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Làm sao để việc phạt nguội được khả thi hơn
Phạt nguội là chủ trương văn minh, nhưng nếu thực hiện không đến nơi đến chốn dễ tạo hoài nghi trong dư luận. Vì vậy, theo một số chuyên gia, cơ quan chức năng cần sớm sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phạt nguội để kịp thời khắc phục những “lỗ hổng”, bất cập.
Trong đó, cần tập trung quy định về các chế tài mạnh bắt buộc người vi phạm đến nộp phạt (như: cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, mức phạt lũy tiến và phương tiện vi phạm không được đăng kiểm; quy định chặt chẽ về trách nhiệm ràng buộc giữa chủ sở hữu và người sử dụng phương tiện; khuyến khích chủ phương tiện làm thủ tục sang tên, đổi chủ.
Nghiên cứu luật hóa quy định lực lượng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được sử dụng hình ảnh ghi nhận về hành vi vi phạm hành chính về giao thông do tổ chức, cá nhân cung cấp để làm cơ sở xử phạt; phương thức thông báo quyết định xử phạt lỗi vi phạm qua trang web, tin nhắn, facebook...
Một biện pháp quan trọng không thể thiếu là tăng cường tuyên truyền cho người dân ủng hộ chủ trương phạt nguội và chấp hành nộp phạt nếu vi phạm, tính toán những đợt cao điểm xử lý kết hợp tuyên truyền ở những tuyến đường trọng điểm để nâng cao ý thức người tham gia giao thông.
Về giải pháp căn cơ lâu dài, cần triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý thông tin của người lái theo địa chỉ, về xử lý vi phạm hành chính để xử lý phạt nguội thuận lợi hơn.
Đăng ký xe phải kèm theo có tài khoản ngân hàng
Theo Luật sư Nguyễn Đức Chánh - Đoàn Luật sư TP HCM, quá trình xử phạt gặp khó khăn và không hiệu quả chủ yếu do hai nguyên nhân chính: Một là việc mua bán xe không sang tên đổi chủ dẫn tới lực lượng chức năng khó xác định người vi phạm. Về vấn đề này, chúng ta cần làm gắt gao hơn, quy định chặt chẽ hơn về việc sang tên, đổi chủ xe.
Nguyên nhân thứ hai là việc CSGT mời chủ xe đến làm việc, thực hiện đóng phạt vẫn thực hiện thủ công, rườm rà nên mất thời gian. Người vi phạm sẽ có lý do lẩn tránh. Ở các nước trên thế giới, họ khấu trừ luôn vào tài khoản tại ngân hàng của chủ xe.
Tại Việt Nam, chúng ta cũng nên áp dụng việc khi công dân đi đăng ký xe thì kèm theo tài khoản ngân hàng. Khi vi phạm giao thông, bị rơi vào trường hợp phạt nguội mà người vi phạm không chấp hành thì sẽ bị trừ tài khoản ngân hàng. Ngân hàng sẽ gửi đầy đủ nội dung bị khấu trừ cho người dân.
Cần có quy chế phối hợp chặt chẽ hơn trong việc phạt nguội giữa công an và cơ quan đăng kiểm.