Giá muối thấp kỷ lục
Những ngày qua, ở huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) nắng to, gió mạnh, độ ẩm thấp là điều mà người làm muối mong mỏi. Tuy nhiên, trên ruộng muối, ánh mắt của những diêm dân lại buồn tê tái, xót xa không cất nổi thành lời.
Giữa trưa, bà Phan Thị Mẹo (65 tuổi, ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) vẫn phải ra cào muối, gánh lên bờ chất thành đống mà không biết đến khi nào mới có người đến mua. “Mấy năm trước, với 2000m2 ruộng muối, gia đình tôi có thu nhập mỗi tháng xấp xỉ 3 triệu đồng. Còn năm nay, vào chính vụ sản xuất nhưng giá muối cứ rơi tự do nên càng làm càng lỗ”, bà Mẹo chua chát.
Theo bà Mẹo, thời điểm này, giá muối đất tại ruộng chỉ ở mức 300 - 400 đồng/kg, muối trải bạt 5.00 - 6.00 đồng/kg, giảm tới 50% so với cùng kỳ các năm trước nên diêm dân ai cũng nản.
“Từ đầu vụ đến nay, tôi thu hoạch được hơn 1 tấn muối trải bạt nhưng bán chưa được hơn 1 triệu đồng, chưa đủ tiền công chi phí cải tạo đất, thuê nhân công gánh muối. Tôi làm muối từ lúc mười mấy tuổi, nghề này từ thời ông cha để lại nên không bỏ được. Với lại bây giờ đã có tuổi, khó mà chuyển nghề khác được”, bà Mẹo thở dài.
Ở xã Cát Minh (huyện Phù Cát) làm muối chủ yếu là phụ nữ, họ phải còng lưng để gánh những thúng muối nặng hơn 40kg giữa cái nắng như thiêu như đốt.
Bà Nguyễn Thị Xiêm (53 tuổi) than thở: “Nhiều vụ liền, sản lượng muối rất cao, có vụ đạt đến 130 tấn/vụ/ha. Thế nhưng từ vụ muối năm ngoái, giá muối bắt đầu giảm mạnh nên làm ra mẻ nào, chất đống mẻ đó. Hiện nay, để có tiền trang trải chi phí, hàng ngày tôi phải tự đưa muối đi bán lẻ nhưng cố lắm cũng chỉ tiêu thụ được trên dưới 1,5 tạ/ngày, thật khó khăn vô cùng”.
Để có tiền trang trải, hàng ngày bà Xiêm phải đưa muối đi bán lẻ |
Diêm dân Nguyễn Văn Tiến (47 tuổi, ở xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ) cho biết, gia đình ông có 6 sào ruộng muối, những năm trước, với sức lao động của hai vợ chồng ông, làm muối 3 tháng vào mùa khô cũng đủ ăn cho những tháng còn lại. Nhờ vậy mà vợ chồng ông lo được cho con cái ăn học đến nơi đến chốn. Còn bây giờ, vợ phải đi rao bán từng ký muối ngoài chợ nhưng không được là bao.
“Giá muối hiện từ 300 - 400 đồng/kg, nếu bán 10kg thì chưa đủ để mua ổ bánh mì ăn sáng”, ông Tiến buồn bã cho biết.
Ông Tiến nhẩm tính: Để làm 1 sào ruộng muối phải tốn 20 công cải tạo ruộng, mỗi công thuê là 200 ngàn đồng, tổng chi phí hết 4 triệu đồng/sào. Cộng vào đó là chi phí cho mỗi bao muối là khoảng 13 ngàn đồng, bao gồm tiền mua bao, tiền thuê công gánh muối, tiền hốt muối vào bao, bốc vác và nếu bán cho nhà máy thì thêm tiền vận chuyển. “Vậy mà bán chỉ có 15 - 16 ngàn đồng/bao, không lỗ mới chuyện lạ”, ông Tiến nói.
Lao đao tìm kế sinh nhai
Là nghề truyền thống, sinh kế của hàng trăm gia đình nhưng từ đầu vụ sản xuất đến nay nhiều diêm dân ở xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) phải bỏ đồng muối vì chi phí sản xuất quá cao, trong khi giá muối quá thấp, càng làm càng thua lỗ.
Ông Đinh Thành Tiến, Chủ tịch UBND xã Cát Khánh, cho biết: “Từ 2 năm nay, do giá muối thấp, đầu ra khó khăn nên lượng muối tồn đọng tại địa phương khá lớn. Với diện tích 12ha ruộng muối, năm 2015, sản lượng muối sản xuất ở địa phương đạt trên 1.500 tấn, song tiêu thụ chưa đến 50%. Vụ sản xuất này, diêm dân đã bỏ hoang hơn 5 ha vì càng làm càng thua lỗ”.
Tình trạng diêm dân bỏ ruộng cũng đang xảy ra tại cánh đồng muối xã Cát Minh. Ông Phạm Thái, cán bộ văn phòng thống kê xã Cát Minh, cho biết: “Do làm muối không có lãi nên diêm dân trên địa bà xã chỉ sản xuất 56/65 ha. Đến thời điểm này, sản lượng muối thu hoạch được trên 300 tấn nhưng chưa tiêu thụ được vì thương lái hầu như không mua. Do vậy, đời sống của 600 hộ diêm dân ở địa phương gặp rất nhiều khó khăn, nguy cơ thiếu đói khi giáp hạt rất cao”.
Tại xã Cát Minh, những người trẻ không đủ kiên nhẫn với nghề muối đành xin vào xí nghiệp làm công nhân. Chỉ còn những người lớn tuổi, không có công ty nào nhận nên phải cố bám vào ruộng muối sống qua ngày.
“Nhà tôi có 5 nhân khẩu, tất cả đều trông chờ vào nghề muối này. Bây giờ bỏ muối thì lấy gì gắp cơm, mấy đứa nhỏ lấy tiền đâu mà đến trường. Con tôi đang tuổi ăn học, chẳng lẽ bắt nó nghỉ học để đi làm công nhân”, bà Xiêm chua chát.
Bỏ ruộng, chẳng biết sinh nhai bằng gì nên nhiều diêm dân ở xã Mỹ tìm kiếm nghề khác để làm mưu sinh qua ngày. Ông Tiến chia sẻ: “Hiện tại, tôi làm thuê bằng nghề bốc vác, được 150 ngàn đồng/ngày, dù nhọc nhằn nhưng không sợ lỗ. Tại đây, nhiều diêm dân còn bỏ nghề, đi vào TP.Hồ Chí Minh, lên Gia Lai, Đắk Lắk làm thuê, chứ không còn mặn mà gì với nghề muối”.
Ông Lê Văn Toản, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Chánh (huyện Phù Cát), cho biết: “Không chỉ ở địa phương mà nhiều nơi trong tỉnh, diêm dân cũng lâm vào tình cảnh lao đao, phải bỏ ruộng muối tìm đến nơi khác mưu sinh kiếm sống. Thiết nghĩ, các ban ngành có liên quan cần tiến hành ngay một cuộc điều tra khoa học bài bản về tình hình sản xuất muối, nhu cầu của từng ngành và xã hội, để từ đó xây dựng chiến lược phát triển ổn định cho ngành muối, chủ động cân đối cung cầu trong nước và phục vụ xuất khẩu”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn tỉnh Bình Định có 2 nhà máy thu mua, chế biến muối là Công ty cổ phần Muối và Thương mại miền Trung, Công ty cổ phần Muối và Thực phẩm Bình Định nhưng hàng năm lượng muối trong tỉnh mà 2 doanh nghiệp này mua vào rất thấp. Nguyên liệu chế biến mà họ sử dụng chủ yếu mua từ các tỉnh phía Nam do chất lượng muối tốt giá lại rẻ hơn. Do vậy, việc tiêu thụ muối nguyên liệu tại các đồng muối trên địa bàn tỉnh hoàn toàn phụ thuộc vào các thương lái, hoặc diêm dân tự bơi bằng cách đưa đi bán lẻ, hoặc đổi lúa.
Ông Bùi Đắc Cường, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn thuộc Sở NN&PTNT Bình Định, cho biết: “Chi cục đang xúc tiến việc xây dựng chính sách khuyến khích phát triển nghề muối trên địa bàn tỉnh. Diêm dân tham gia liên kết với doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu muối được nhà nước hỗ trợ bạt làm muối sạch; hỗ trợ 100% chi phí mua bạt cho hộ nghèo; hỗ trợ 70% chi phí mua bạt cho các hộ khác; diêm dân đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị trong sản xuất, chế biến muối được ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất vốn vay.
Đối với các doanh nghiệp có dự án đầu tư nhà máy hoặc cơ sở chế biến muối được ngân sách hỗ trợ kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng. Hỗ trợ chi phí vận chuyển từ đồng muối đến nhà máy, hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, thông tin thị trường, xúc tiến thương mại”.
Muối nằm chất thành đống, nhiều tháng trời vẫn chưa bán được |
Nói là vậy, song hiện nay ít có doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến muối. Trong khi đó, điệp khúc “được mùa, mất giá” từ lâu đã trở nên khá quen thuộc đối với người sản xuất muối. Nghề làm muối ở tỉnh Bình Định lâu nay rất bấp bênh do giá muối luôn biến động thất thường, nên đời sống diêm dân luôn khó khăn, nhưng bỏ ruộng muối thì không biết làm gì để sống. Nếu trong thời gian tới, giá muối không được cải thiện, chắc chắn số hộ bỏ ruộng muối sẽ còn tăng lên nữa.