Trong cái rủi có cái may
Khi bão truyền thông bẩn asen xảy ra, các doanh nghiệp nước mắm truyền thống hết sức vất vả trong việc giải thích với khách hàng. Ngày đầu tiên, sau buổi họp báo của Vinastas công bố tỷ lệ asen trong nước mắm, họ ngỡ ngàng. Không thể tin rằng sản phẩm truyền thống hàng trăm năm của mình lại có thể nhiễm độc nặng như vậy. Cũng may, ngay sau đó, một số nhà khoa học giải thích và chỉ ra sai sót trong công bố của Vinastas. Từ đó các nhà sản xuất hiểu được sự khác nhau giữa asen vô cơ và asen hữu cơ. Tuy nhiên, những ngày tiếp theo, cơn bão vẫn còn đang hoành hành, hầu hết các doanh nghiệp nước mắm truyền thống phải dốc toàn bộ nhân lực chỉ để làm mỗi một việc là… đi giải thích cho khách hàng. Rất may là nhờ sự chỉ đạo sát sao của đích thân Thủ tướng Chính phủ, cơn bão đã sớm được dẹp tan. Đến hôm nay thì nước mắm truyền thống đã có thể thở phào với nguy cơ bị đánh gục.
Về sự cố khủng hoảng của nước mắm lần này, nhà báo Hà Quang Ngọc- Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Pháp luật thuộc Báo Pháp luật Việt Nam phát biểu: Kinh nghiệm trong công tác truyền thông và xử lý khủng hoảng, khi sự việc xảy ra chúng ta cần phân tích rõ vấn đề bất lợi và tìm ra cái thuận lợi để đối phó. Trong đó, bất lợi là các doanh nghiệp vừa và nhỏ lâu nay chưa chú ý vấn đề pháp lý cho doanh nghiệp và sản phẩm của mình, vì thế không tự bảo vệ mình được trước chiêu trò của “truyền thông bẩn và nhà tài trợ giấu mặt”. Nên chúng ta cần khắc phục ngay điểm yếu này. Thuận lợi là khủng hoảng này đánh động rất lớn trong xã hội và các cơ quan chuyên môn, chức năng của Nhà nước đã vào cuộc, xác nhận nước mắm truyền thống không nhiễm độc… Vậy là người tiêu dùng yên tâm. Trong lúc người tiêu dùng đang quan tâm chú ý này các doanh nghiệp nước mắm nên tận dụng thời cơ quảng bá sản phẩm của mình và phân biệt cho người tiêu dùng biết và phân biệt hai loại nước mắm truyền thống khác nước mắm công nghiệp như thế nào.
Nhà báo Hà Quang Ngọc khẳng định, Trung tâm Truyền thông Pháp luật Việt Nam - Báo Pháp luật Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ, hướng dẫn, tư vấn cho các doanh nghiệp hoàn tất các thủ tục pháp lý cho sản phẩm của doanh nghiệp.
Sau cơn mưa, trời lại sáng, nhưng sáng như thế nào và sáng trong bao lâu thì lại là những câu hỏi lớn mà các doanh nghiệp nước mắm truyền thống phải tìm lời giải. Tại hội thảo này, các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống được giải cho những bài toán về nhận thức và thủ tục pháp lý để bảo vệ thương hiệu; quy trình, thủ tục xin cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm; Thủ tục xác lập đối với “Chỉ dẫn địa lý” và “Tên gọi xuất xứ hàng hoá” cũng như những phương pháp hiệu quả trong hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ làm gia tăng giá trị thương mại cho sản phẩm
Góp phần vào lời giải, ông Trần Giang Khuê, Phó đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP HCM phân tích: “Một sản phẩm đứng vững trên thị trường thì có 2 trụ cột: chất lượng sản phẩm và sở hữu trí tuệ. Doanh nghiệp phải đăng ký sở hữu trí tuệ thì mới giữ được quyền độc quyền đối với sản phẩm của mình, bao gồm: tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý”.
Đồng tình với ông Khuê, TS. Lê Thị Nam Giang (Trường Đại học Luật TP HCM) khẳng định việc đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể là hết sức cần thiết và có lợi cho doanh nghiệp truyền thống. TS. Nam Giang cho biết: “Bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ trực tiếp làm gia tăng giá trị thương mại cho sản phẩm”. Dẫn thông tin từ sản phẩm trà, TS Nam Giang chia sẻ thêm: “Chẳng hạn chè Mộc Châu giá cao hơn 1,7 – 2 lần so với sản phẩm cũng sản xuất tại Mộc Châu nhưng không đăng ký chỉ dẫn địa lý. Đó là lý do vì sao trên khắp châu Âu các nhà sản xuất hầu hết đều đăng ký chỉ dẫn địa lý”.
TS. Giang cho biết thêm, đối với nước mắm thì hiện nay chỉ mới có nước mắm Phú Quốc và nước mắm Phan Thiết là đã đăng ký và được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Với việc gia tăng giá trị thương mại thì các làng nghề truyền thống khác cũng cần thiết nên sớm đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Liên quan đến quyền độc quyền sở hữu trí tuệ, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết một thông tin khiến các doanh nghiệp có thể mạnh dạn đứng ra đấu tranh bảo vệ thương hiệu của mình là phí luật sư: “Luật Sở hữu trí tuệ quy định chi phí luật sư trong tranh chấp pháp lý về sở hữu trí tuệ thì bên thua kiện sẽ phải chi trả. Điều này tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mạnh dạn hơn trong việc tự bảo vệ quyền lợi của mình khi sở hữu trí tuệ bị xâm phạm”.
Tại hội thảo, doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống còn nhận được từ Báo Pháp luật Việt Nam lời cam kết đồng hành và cam kết hỗ trợ truyền thông khi doanh nghiệp bị sự cố về khủng hoảng truyền thông và thương hiệu. Các doanh nghiệp, nhà khoa học, cán bộ quản lý nhà nước và các chuyên gia pháp lý đều đồng tình kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần sớm ban hành quy chuẩn quốc gia về nước mắm để tránh nhập nhằng. Cần thiết phải phân biệt “nước mắm”, “nước chấm”…
Ông Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Ở Ninh Thuận, người dân phân biệt có hai loại nước mắm là “nước mắm truyền thống” với “nước mắm hóa chất”. Sản phẩm của người dân Ninh Thuận làm hàng trăm năm nay là “nước mắm truyền thống”, người dân Ninh Thuận chỉ sản xuất và sử dụng nước mắm truyền thống.
Đồng tình với ông Lê Kim Hùng, ông Trần Giang Khuê phân tích: “Nước mắm hóa chất” là gì? Là nước pha muối và thêm hóa chất. Hóa chất được gọi mỹ miều là “phụ gia”. Và hiện nay các trung tâm xét nghiệm cho biết trong nước mắm hóa chất có đến 18 loại phụ gia khác nhau”. Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nước mắm truyền thống rời hội thảo với những trang bị mới về ý thức xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Họ thấy cần thiết tại sao phải đăng ký tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý. Các doanh nghiệp cũng yên tâm khi tranh tụng để bảo vệ quyền lợi của mình khi bị xâm phạm với chi phí luật sư không phải trả và với lời cam kết đồng hành của Báo Pháp luật Việt Nam.