Trường vừa xây đã dột
Trường Mầm non thôn Cư An được xây dựng khang trang 2 tầng, mới hoàn thành giai đoạn 1 đã vội vã đưa vào sử dụng để di tản các cháu khỏi cảnh tạm bợ học nhờ đình làng. Năm học 2014-2015, trường đón 140 học sinh đến lớp. Tuy nhiên, sân chơi chưa được lát, vẫn đất trống để cỏ mọc; tường bao chưa được xây, trâu bò nghênh ngang vào tận sân.
Song, điều các cô giáo lo ngại hơn cả là hồ nước sâu ngay cạnh sân trường là mối đe dọa đến tính mạng các cháu. Câu chuyện thương tâm xảy ra đối với trường hợp cháu Phùng Thi T (3 tuổi) Trường Mầm non B xã Thạch Đà ngã xuống ao chết đuối hồi tháng 7/2014 đến nay vẫn là nỗi ám ảnh.
“Chẳng ai dám nói trước điều gì, chúng tôi không dám cho các cháu ra ngoài vui chơi”, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Ngâm, Phó Hiệu trưởng chia sẻ.
Nhìn bề ngoài khang trang là vậy, vào các lớp học, chứng kiến sự xuống cấp về cơ sở vật chất của ngôi trường mới này càng khiến chúng tôi bất ngờ. Nhà bếp không có, nhà trường phải tận dụng nhà bếp làm nhà kho chứa đồ chơi của các cháu. Tất cả các phòng vệ sinh cho học sinh, hệ thống xả nước của la-va-bo gần như hư hỏng toàn bộ, các cô giáo phải dùng chậu để dội.
Bên cạnh đó, gạch lát nền một số chỗ bắt đầu bung, vỡ. Cửa kính phần do sự thiếu ý thức của các cháu nhỏ địa phương, phần do giông bão, gió lốc đã vỡ toàn bộ. Trên trần phòng học tầng 2, nước mưa thấm dột tong tong xuống sàn.
“Chúng tôi có làm báo cáo gửi lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh để nắm bắt được tình hình và có biện pháp xử lý vì lo ngại mưa dột dẫn đến chập điện nguy hiểm. Tuy nhiên, ngày mưa thì không thấy ai về kiểm tra, ngày nắng có cán bộ về thì vị này... không thấy dột”. Cô giáo nói xong, im lặng nhìn lên trần nhà, nơi đó những vết thấm vẫn đang xẻ rãnh thành từng núm, từng núm nối nhau.
Theo dự kiến của UBND xã Tam Đồng, nơi đây là trung tâm của trẻ mầm non toàn xã. Nhưng trường vừa đưa vào sử dụng đã xuống cấp như vậy thì các bậc phụ huynh các thôn khác khó mà tin tưởng để đưa con đi xa hơn.
Ngột ngạt 45 trẻ/lớp 24m2
Tại Trường Mầm non thôn Văn Lôi, khi phóng viên đến thì thấy các cô giáo đang dẫn học sinh lên lớp trên. Thì ra, đây là các cháu lớp 3 tuổi học ở lớp dưới, vốn là bếp đình cũ được cải tạo. Lo sợ mưa to, gió lớn, lỡ lớp học sập xuống thì các cô không gánh nổi trách nhiệm với các bậc phụ huynh.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết bếp đình cũ này có tuổi đời xấp xỉ 50 năm - ngang tuổi của cô giáo Nguyễn Thị Duyên, giáo viên kỳ cựu nhất của trường. Dù được cải tạo nhưng chỉ là làm thêm phần mái trần nhựa, quét lại vôi ve, còn nền móng lẫn cả dui mè, tre pheo, mái ngói vẫn nguyên như cũ. Chẳng vậy mà đưa các cháu ra khỏi lớp học xong, cô giáo Nguyễn Thị Dung cũng vội vàng lấy mấy chiếc chậu hứng sẵn nước mưa để vào vị trí rồi khóa cửa lại, lên lớp trên.
Đưa chúng tôi lên Văn phòng nhà trường là mái vẩy bạt che tạm bợ như quán nước vỉa hè đã gãy gập, cô Đỗ Thị Chăm Hiệu trưởng Trường Mầm non Tam Đồng không giấu được vẻ ái ngại trước sự xuống cấp của cơ sở vật chất nhà trường.
Tầng 1, một phòng học khoảng 48m2 có đến 64 trẻ. Lên đến tầng 2, một phòng học cũ, được ngăn vách nhựa làm 2 lớp, mỗi lớp khoảng 24m2 với 45 học sinh. Phòng nào cũng vậy, vách ngăn đã rách nát, các cháu lớp học này còn chui sang lớp học khác trêu đùa “lêu lêu” với nhau.
Những ngày này gió mùa, trời mát nên các cháu còn háo hức vừa học vừa chơi. “Các anh chờ đến tháng 8, vào đầu năm học mới, các cháu đến đủ, vào lớp thì ngày nào cũng có khoảng 20 cháu ngửa mặt lên trời ngằn ngặt khóc vì ngột ngạt”, một vị phụ huynh có con 4 tuổi cho hay. “Có những cháu cơ thể yếu, cho vào lớp bức bí quá, sợ cháu ngất, các cô giáo phải động viên gia đình đưa con về nhà. Cháu nhà tôi cũng là một trong số đó”, vị phụ huynh khác có con 3 tuổi chia sẻ.
Lớp học chật chội, cơ sở vật chất xuống cấp cho nên năm học 2015-2016, dù các bậc phụ huynh trong thôn có nhu cầu gửi con 2 tuổi đến trường, nhà trường cũng chỉ dám nhận 1 lớp với khoảng 40 học sinh chứ không dám nhận thêm.
“Cuộc họp nào tôi cũng có ý kiến, có cả đối thoại với ông Nguyễn Xuân Trường - Chủ tịch UBND huyện Mê Linh nhưng chỉ được vài hôm rồi lại đâu vào đấy”, cô giáo Đỗ Thị Chăm phân trần.
Mái vẩy bạt đã gãy gập. |
Còn tạm bợ đến bao giờ?
Ông Nguyễn Văn Cơ, Phó trưởng thôn Văn Lôi cho biết, từ năm 2013, khi tiến hành dồn điền đổi thửa xây dựng nông thôn mới, thôn Văn Lôi đã dành sẵn 5.000m2 đất quỹ 2 để xây dựng trường mầm non và Nhà văn hóa của thôn. “Nhưng chẳng hiểu sao, đến nay việc xây dựng vẫn chưa được tiến hành”, ông Cơ thắc mắc. Thắc mắc này không chỉ của riêng ông Phó trưởng thôn mà cũng là thắc mắc chung của đại bộ phận đảng viên và nhân dân trong toàn xã Tam Đồng.
Trong cuộc tiếp xúc cử tri tháng 7/2015, trước sự chứng kiến của ông Đỗ Minh Tuấn – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Mê Linh và ông Trần Ngọc Thanh - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Công an huyện Mê Linh, ông Lê Văn Mậu – Bí thư chi bộ thôn Văn Lôi nêu ý kiến: Xã Tam Đồng đã qua 3 thế hệ Chủ tịch UBND xã mà Trường mầm non vẫn để tạm bợ.
“Tôi nhất trí rằng huyện Mê Linh còn có những khó khăn, tuy nhiên về cơ sở vật chất, chúng ta nên quan tâm đến các cháu mầm non. Nhà văn hóa thôn Văn Lôi đến nay vẫn chưa có, nhân dân chúng tôi nhất trí tạm thời chưa xây dựng. Nhưng không thể để hàng trăm cháu mầm non phải đi học tạm bợ như hiện nay. Thực trạng này đã kéo dài hàng chục năm và sẽ còn kéo dài đến bao giờ?”, ông Mậu đặt câu hỏi./.