Hành động “giải cứu” của đồng bào Hà Nội đối với rau củ của vùng dịch Hải Dương vừa rồi là một việc nghĩa như vậy. “Nhất hô, bá ứng”, lời kêu cứu được đưa ra và sự kêu gọi đáp lời, rất nhiều người ủng hộ, hàng chục tấn rau đã được bán hết trong một thời gian rất ngắn.
Trong số những người tham gia “giải cứu” đó, hẳn có không ít người không có nhu cầu hoặc chưa cần thiết lắm nhưng họ vẫn mua. Và, trong khi làm việc nghĩa thì cũng cần có sự dũng cảm và chấp nhận rủi ro. Tâm lý chung là e dè với nông sản, gia cầm và cả hàng hóa nữa từ vùng dịch vì sợ lây nhiễm là có thật.
“Trong cơn hoạn nạn mới hiểu lòng nhau”, câu ngạn ngữ đó thật đúng trong hoàn cảnh này, khi Hải Dương đang bị “phong tỏa” giao thương với các địa phương lân cận và khi chưa có một cơ chế phù hợp và thích ứng từ chính sách nhà nước đối với việc vừa chống dịch, vừa đảm bảo các hoạt động giao thương tại thời điểm này.
Tuy nhiên, “giải cứu” chỉ là một biện pháp tức thời, không thể là giải pháp dài lâu cũng như không thể dựa dẫm mãi vào sự giúp đỡ. Xử lý tồn đọng sản phẩm nông nghiệp hoặc chăn nuôi khác ở Hải Dương không thể chỉ bằng biện pháp “giải cứu”.
Ví dụ như đào, quất Hải Dương trong dịp Tết vừa qua, hoặc, hiện tại là hoa và gà con giống, có cơ sở phải đổ hàng nghìn gà con xuống ao cho cá ăn. Gà con - làm sao mà cộng đồng người dân Thủ đô có thể “giải cứu” được? Phương cách duy nhất là tạo điều kiện để giao thương trở lại với các quy định kiểm dịch phù hợp tránh lây lan.
Trái ngược với việc nghĩa là những việc làm vô lương tâm, thiếu trách nhiệm. Ví dụ thừa cơ dịch bệnh mà “chặt chém” đồng bào hoặc không tuân thủ những quy định nghiêm ngặt phòng chống dịch.
Những thái độ ngang ngược, thách thức hoặc cố tình chống đối lại những người đang làm công việc phong tỏa, giãn cách xã hội đã và đang bị dư luận chê trách dữ dội, kể cả những lãnh đạo địa phương thiếu quyết liệt với dịch bệnh, không có những chỉ đạo kịp thời khiến dịch bệnh bùng phát cũng bị dư luận phản ứng và tỏ sự bất bình.
Trong bất cứ hoàn cảnh nào khi việc nghĩa tỏa sáng thì các việc làm trái lại với đạo lý đó sẽ trở nên phản cảm, bị phê phán và loại trừ.