Về Vườn Quốc gia Tràm Chim để được trải nghiệm thu “đập” và thưởng thức lúa trời… thật là một thú vui tao nhã, lý tưởng của khách du xuân! Lúa trời đã được xếp vào loại nông sản quý hiếm cao cấp, được Nguyễn Ánh (triều Nguyễn giai đoạn 1802 - 1945) đưa vào cung đình dùng trong những ngày đại lễ, cúng tế và làm đặc sản tiếp đãi “thượng khách”… Quần thể lúa trời hiện còn được lưu giữ và bảo tồn khoảng 678ha tại Vườn Quốc gia Tràm Chim tọa lạc trên địa bàn huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp.
Theo Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức thì: Lúa trời còn gọi là “Quỹ cốc”; còn những cụ sống lâu năm ở vùng Đồng Tháp Mười cho biết lúa trời còn gọi là lúa ma! Bởi lẽ, loại lúa này không ai gieo sạ mà nó tự nhiên mọc trên cánh đồng mênh mông nước của vùng Đồng Tháp Mười xưa.
Hàng năm, vào khoảng tháng tư dương lịch, lúc trời bắt đầu sa mưa, hột lúa bắt đầu nẩy mầm và mọc cao lên chừng 5 tấc, thân lúa cứng, lá to bản… Từ tháng 8 đến tháng 12, cây lúa vươn dài, ngoi lên khỏi mặt nước, lúa trời trổ đòng, đơm bông, vô hạt chắc rồi chín từng hạt vào lúc nửa đêm khuya khoắt và rơi rụng vào lúc mặt trời vừa ló dạng… Bông lúa ma to, dài và thẳng hơn lúa thường, hạt lúa trên bông thưa (ít hạt) nhưng lại có vị thơm rất đặc biệt…
Ông Lê Huỳnh Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Du lịch và Giáo dục môi trường Vườn Quốc gia Tràm Chim cho biết: “Về đặc tính của cây lúa trời là chống chọi được với lũ rất tốt. Mùa lũ, nước dâng cao thì không bị ngập - lúa ma trong một đêm sẽ vượt lên cao khỏi mặt nước. Nước lên tới đâu, lúa trời sẽ lên tới đó.
Đặc biệt, khác với lúa mình là có những cái đuôi, hột lúa có những cái đuôi rất là dài, sản lượng lại thấp nên đa số chỉ còn trong Vườn mình bảo tồn chứ người dân ở ngoài người ta sẽ tiêu diệt hết. Vì nếu để bị lai ra lúa sản xuất nông nghiệp sẽ ảnh hưởng đến giá trị, năng suất lúa… Thật sự, lúa ma nó tự nhiên nên tất cả các dưỡng chất trong lúa ma toàn là thiên nhiên, rất là tốt cho sức khỏe. Hàm lượng đạm cũng như protein cao…”.
Với đặc tính trên, ngày xưa cư dân Đồng Tháp Mười thường đi gặt lúa trời vào lúa nửa đêm tới hừng sáng là chở sản phẩm lúa trời đầy xuồng về nhà... Khi thu hoạch lúa trời, ít nhất phải có 2 người và thường được trang bị đầy đủ phương tiện và dụng cụ như: một chiếc xuồng ba lá có căng một tấm đệm ở giữa theo chiều dọc gần 2m của chiếc xuồng, cao khoảng 1,5m với hai cây đứng.
Cây trước cao 2,5m và cây sau chỉ cao bằng tấm đệm… được gọi là cây cần câu. Hai cần đập bằng tre dài khoảng 2,5m nằm hai bên và dọc theo chiều dài tấm đệm. Một đầu buộc chặt vô cây cần câu, khoảng giữa cần đập được cột dây treo trên đầu cần câu.
Khi đập lúa, người đứng trước mũi chống xuồng đi vào đám lúa ma, người ngồi sau cầm hai cần đập, đập lúa vào tấm đệm cho rụng hột vào trong xuồng. Trên xuồng có hai người, một người bơi, một người kia đập lúa. Mỗi bông lúa chỉ rụng một hoặc hai hạt trên xuồng, phải bỏ công vất vả, khổ nhọc lắm vì từ nửa đêm đến sáng mới thu gặt lúa trời được đầy xuồng…
Vườn Quốc gia Tràm Chim đã tổ chức cho du khách trải nghiệm thu hoạch lúa trời vào sáng sớm tinh mơ. Với 5 chiếc xuồng được trang bị sẵn các dụng cụ thu hoạch lúa trời tại 134ha ở khu vực Trạm Phú Hiệp, Phú Đức (chiếm 16% diện tích lúa trời hiện có trong Vườn Quốc gia Tràm Chim). Du khách sẽ được trải nghiệm cảm giác “từ thuở mang gươm đi mở đất”.
Các đầu bếp ở khu ẩm thực của địa danh du lịch sinh thái rừng tràm Gáo Giồng cho biết: Sau khi đập lúa trời xong, đem về ngâm trong nước ba ngày rồi đem phơi cho rụng đuôi trước khi cho vào cối giã thành gạo giống như lúa thường, nhưng không giã gạo quá trắng. Gạo lúa trời dài hơn gạo thường và có hàm lượng dinh dưỡng cao.
Khi nấu, đổ gạo và nước vào nồi đất, úp một lá sen vào nồi trước khi đậy vung, chất đốt được đun bằng củi hoặc rơm, nếu sử dụng nhiên liệu khác để đun sẽ làm giảm hương vị lúa trời.
Cơm nấu bằng gạo lúa trời có màu hồng nhạt và hương vị ngọt, béo, thơm, dẻo... đặc trưng của miền quê sông nước Tây Nam bộ. Một cách nấu cơm gói lá sen hiện nay được nhiều nhà hàng, quán ăn đặc sản như ở các Khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng... thực hiện để giới thiệu món cơm nấu bằng gạo lúa trời hấp lá sen của ông cha ta từ thời khẩn hoang và đáp ứng nhu cầu ẩm thực của du khách khi đến tham quan nơi này…
Trong quá trình nấu cơm bằng gạo lúa trời, không ít người tranh thủ chắt nước rồi bỏ vào chút đường phèn hay ít mật ong để có một thức uống thơm ngon, thú vị… Lúa trời còn được sử dụng để chế biến bột dinh dưỡng chất lượng cao dành cho trẻ em, làm bột tinh lọc đổ bánh xèo và các loại bánh thơm ngon, bổ dưỡng khác…
Lúa trời là loại giống lúa quý hiếm đang được bảo tồn lưu trữ nguồn gen tại Vườn Quốc gia Tràm Chim để gửi sang Viện Lúa Quốc tế (IRRI) làm thành giống lúa mới thuộc nhóm IR chịu phèn tốt nhằm đáp ứng nhu cầu canh tác thích hợp ở những vùng U Minh, Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên… Thật độc đáo với “Quỹ cốc” ở Đồng Tháp Mười!./.