Trong lời phát biểu thảo luận về Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch năm 2016, ĐB Đỗ Văn Đương (Tp HCM) đã đưa ra một số các giải pháp mà theo ông sẽ hỗ trợ được những mục tiêu Chính phủ đề ra cho việc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Theo ĐB Đỗ Văn Đương, nhiệm vụ đầu tiên là phải đấu tranh quyết liệt với những mặt trái, mặt tiêu cực, hạn chế của nền kinh tế thị trường: “Trong kinh tế thị trường, không phải mạnh ai người đấy làm. Phải cạnh tranh lành mạnh, không thể gian dối, chụp giật, ảnh hưởng ngân sách, gây ô nhiễm môi trường. ..
Lấy đất làm dự án, mở khu công nghiệp, kinh doanh thuỷ điện... phải tái định cư cho người dân, phải lo đến công ăn việc làm cho họ.
Các doanh nghiệp muốn lợi nhuận và phát triển bền vững thì phải quan tâm đến người lao động, phải lo cho sức khoẻ của họ, đừng cho họ ăn đồ ôi thiu khiến họ phải nhập viện hàng loạt.
Các thành phần kinh tế được tự do làm giàu, phải biết chia sẻ lợi ích. Vì ai đã hy sinh xương máu để có tự do độc lập? Ai đã giữ gìn biển đảo, ai giữ gìn an ninh trật tự để có môi trường yên ổn làm ăn? Và còn biết bao người nghèo chưa đủ cơm ăn áo mặc?“, ĐB Đương hỏi.
Ông cũng góp ý: Nhà nước định hướng xã hội chủ nghĩa thì phải biết điều tiết lợi nhuận, chống tích tụ tài sản, tiền bạc vào một người. Nhà nước phải điều hoà các nhóm lợi ích để bảo vệ quyền lợi của người dân và đầu tư phát triển trong kinh tế thị trường. Thế mới là Nhà nước của Dân, vì Dân, công bằng, văn mình.
Liên quan đến vấn đề của nông nghiệp, ĐB đề nghị phải đấu tranh quyết liệt với việc nhập khẩu chất cấm, chất tạo nạc trong chăn nuôi... “Tôi cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Bộ Y tế làm rõ trách nhiệm của người đã nhập khẩu 68 tấn cấm trong chăn nuôi.” – ông nói.
Trước phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi, "ông nghị" Đỗ Văn Đương phát biểu: “Hôm nay, tôi cũng kính đề nghị các bác nông dân, vì sức khoẻ cộng đồng, đừng dùng thuốc diệt chuột, diệt rau cỏ để tẩm ướp vào rau quả rồi đem ra thị trường. Vì yêu quý quê hương đất nước thì đừng biến khoai Trung Quốc thành khoai Đà Lạt”.
Góp ý trong lĩnh vực việc làm, ĐB Đỗ Văn Đương nhận định: “Trong khi chúng ta phát triển kinh tế thị trường, thì việc đào tạo nguồn nhân lực còn theo nếp cũ, chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường lao động. Có doanh nghiệp nhận hàng trăm lao động, nhưng cho vào vận hành máy móc thì chỉ có một người làm được. Sinh viên ra trường thì giấu bằng ĐH để đi làm thợ xây, phụ hồ, đánh giầy, bán báo. Thế thì đào tạo ĐH làm gì cho lắm?”.
Cũng lại gửi lời đến cử tri, ĐB Đỗ Văn Đương nói: “Tôi cũng nhắn các em tốt nghiệp phổ thông và gia đình đừng cứ nghĩ tới giấc mơ đại học. Hãy thiết thực bằng việc đi học nghề, trưởng thành từ thực tiễn rồi bổ sung kiến thức sau”.
Ông đề nghị từ năm 2016, cần mở rộng các trường đào tạo nghề, thực nghiệm, thực hành, giảm bớt các trường ĐH để tạo ra những con người nói được, làm được. Các cơ sở dạy nghề phải đổi mới, nâng tầm chất lượng. Hãy dạy cho công nhân biết cách vận hành máy móc, dạy cho ngư dân biết cách khai thác và bảo quản thuỷ sản, dạy nông dân biết cách chăm sóc vật nuôi, cây trồng theo công nghệ cao.
Về cán bộ công chức, ĐB Đương đề nghị phải lựa chọn công chức có tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, thông qua đánh giá sản phẩm công vụ, không lựa chọn những người nói thì hay, làm thì dở. “Đề nghị Chính phủ năm 2016 cần ban hành luật công vụ, sớm xác định rõ chức danh, vị trí, việc làm để chống, loại bỏ quan chức ăn bám, để có điều kiện tinh giản biên chế, tăng lương cho cán bộ làm được việc.”
Ông cũng cho rằng không chỉ cơ quan Nhà nước. mà cả bộ máy trung gian cũng cần tinh giản, tránh hiện tượng "gọn chỗ này lại phình chỗ khác". Đề nghị những người trúng cử ở các vị trí đứng đầu bộ, ngành địa phương phải soi mình, phải hứa và trong chương trình hành động của mình phải có nội dung chống tham nhũng lãng phí, và trước hết là phải làm gương cho người khác noi theo./.