Và tình trạng trên lại một lần nữa “nóng” lên khi mới đây qua báo chí phản ánh, dư luận mới biết đến chuyện phá rừng tự nhiên tại xã An Hưng, huyện An Lão, tỉnh Bình Định diễn ra một cách trắng trợn trong một thời gian dài mà các cơ quan chức năng tỉnh này không hề hay biết.
Rừng bị chặt nhưng không có biện pháp ngăn chặn
Theo thông tin từ báo chí, tại khu vực trên, ngành chức năng đã phát hiện dấu hiệu phá rừng vào đầu tháng 6/2017 với khoảng 1ha bị chặt trắng, nhưng đã không triển khai các biện pháp ngăn chặn. Tất nhiên, là sau khi sự việc bị đưa ra công luận, các đơn vị liên quan trên địa bàn đang tìm cách đỗ lỗi cho nhau. UBND huyện An Lão cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh báo cáo về vụ phá rừng này. Xác định đây là vụ phá rừng có quy mô lớn, tính chất nghiêm trọng cần phải điều tra, làm rõ đối tượng để xử lý theo quy định của pháp luật, UBND huyện An Lão kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp, hỗ trợ UBND huyện trong việc điều tra, xác minh đối tượng vi phạm.
Lãnh đạo huyện An Lão cho biết, đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện An Lão đã tiến hành đo đạc, xác định có 43,7ha rừng do UBND xã An Hưng quản lý bị phá trái phép ở 2 khoảnh. Trong đó, một khoảnh diện tích 30,5ha được quy hoạch chức năng sản xuất, là rừng phục hồi sau nương rẫy bị chặt phá hoàn toàn, chưa đốt dọn. Cây gỗ bị chặt hạ có đường kính từ 10-35cm. Khoảnh còn lại diện tích 13,20 ha được quy hoạch chức năng phòng hộ, là rừng phục hồi sau nương rẫy cũng bị phá hoàn toàn, chưa đốt dọn. Cây gỗ bị chặt hạ có đường kính từ 10-30cm; thân gỗ có chiều dài từ 8-11m.
Trước vụ việc có tính chất nghiêm trọng này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ những vụ việc phá rừng tự nhiên trên địa bàn xã An Hưng, huyện An Lão như thông tin báo chí phản ánh; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 30/10/2017.
Phải quy trách nhiệm đến từng cá nhân
Còn nhớ, hơn một năm trước, tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh, rừng đang rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc” nên phải xây dựng cơ chế quy trách nhiệm rõ ràng cho từng cá nhân, tổ chức để xử lý nghiêm. Cũng chính vì thực trạng đáng buồn từ rừng Tây Nguyên nên Thủ tướng đã yêu cầu đóng cửa tất cả rừng tự nhiên; không chuyển 2,25 triệu ha rừng tự nhiên còn lại sang mục đích khác, kể cả dự án được phê duyệt, chưa triển khai.
Nhưng rồi, trong khi câu chuyện phá rừng và chỉ đạo khẩn cứu rừng Tây Nguyên của Thủ tướng đang được cả xã hội quan tâm và kỳ vọng sẽ có chuyển biến tích cực thì rừng vẫn liên tiếp bị “chảy máu”, đã đặt ra nhiều câu hỏi lớn về trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng hiện nay.
Điển hình là tại vựa rừng Sơn Động (tỉnh Bắc Giang) với những khu bảo tồn thiên nhiên quý giá đã bị tàn phá một cách công khai. Điều khiến dư luận phẫn nộ là rừng bị phá không phải do “lâm tặc” mà do chính người nhà của một lãnh đạo địa phương. Và, trong suốt hơn một năm, hàng chục nghìn m2 rừng bị chặt phá nhưng lực lượng kiểm lâm tại đây không phát hiện được, cho đến khi có đơn tố cáo của một người dân. Để rồi sau đó, Hạt Kiểm lâm Sơn Động mới phải lập đoàn kiểm tra xác minh kết luận sự việc.
Hay như hồi đầu năm nay, trước thông tin về việc chặt phá rừng tại địa bàn huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk (thậm chí nhiều nơi “lâm tặc” còn ngang nhiên dựng lán trại, mang cưa vào để khai thác khiến nhiều diện tích rừng ở đây bị cạo trọc trong suốt một thời gian dài nhưng các cơ quan chức năng vẫn không có biện pháp ngăn chặn), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phải yêu cầu UBND tỉnh Đắk Lắk sớm kiểm tra, làm rõ những vấn đề báo chí nêu, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Có thể nói, việc chỉ đạo đóng cửa rừng chính là quyết tâm lớn của Chính phủ đối với vấn đề hết sức hệ trọng này. Không chỉ vậy, người đứng đầu Chính phủ còn chỉ đạo rà soát lại giấy phép các cơ sở chế biến gỗ tự nhiên, qua đó phát hiện sai phạm để xử lý, đồng thời quy rõ trách nhiệm cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện, xã đối với các vụ mất rừng trên địa bàn. Cán bộ kiểm lâm cũng phải phối hợp với chủ rừng để ngăn chặn việc phá rừng ngay tại rừng chứ không phải ra đứng ở quốc lộ để chặn xe.
Nhưng, nếu chỉ có quyết tâm từ Trung ương, nếu chỉ có Chính phủ chỉ đạo “đóng” cửa rừng mà chính quyền địa phương lại không “đóng”, không “khóa”; thậm chí có “khóa” nhưng lại lén lút, móc ngoặc để giao “chìa khóa” vào tay “lâm tặc” thì lúc ấy không ai chắc những cánh rừng màu mỡ trên khắp cả nước lại không tiếp tục bị “xẻ thịt”?
Cũng bởi nhận định lực lượng chức năng chưa làm tốt nhiệm vụ, tại hội nghị nêu trên, Thủ tướng đã chỉ đạo phải xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, móc nối, bao che, dung túng hành vi phá rừng, kể cả xử lý hình sự.