Văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 12/2016

Văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 12/2016
(PLO) - Thực hiện khoản 2, khoản 3 Điều 12 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp ra Thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 12 năm 2016 như sau:

I. SỐ LƯỢNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT ĐƯỢC BAN HÀNH 

Trong tháng 12 năm 2016, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 17 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 12 Nghị định của Chính phủ và 05 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể:

Các Nghị định của Chính phủ:

1. Nghị định số 161/2016/NĐ-CP ngày 02 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.

2. Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ngân sách nhà nước.

3. Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.

4. Nghị định số 166/2016/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.

5. Nghị định số 168/2016/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm nghiệp Nhà nước.

6. Nghị định số 169/2016/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ  về xử lý hàng hóa do người vận chuyển lưu giữ tại cảng biển Việt Nam.

7. Nghị định số 170/2016/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định về việc công bố, tiếp nhận, xử lý và truyền phát thông tin an ninh hàng hải.  

8. Nghị định số 171/2016/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ về đăng ký, xóa đăng ký và mua, bán, đóng mới tàu biển.

9. Nghị định số 172/2016/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.

10. Nghị định số 173/2016/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

11. Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật kế toán.

12. Nghị định số 175/2016/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều quy định tại Nghị định số 86/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài.

Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ:

1. Quyết định số 52/2016/QĐ-TTg ngày 06 tháng 12 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động thông tin cơ sở.

2. Quyết định số 53/2016/QĐ-TTg ngày 14 tháng 12 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quy chế hoạt động của Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định ban hành kèm theo Quyết định số 17/2010/QĐ-TTg ngày 03 tháng 3 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.

3. Quyết định số 54/2016/QĐ-TTg ngày 19 tháng 12 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

4. Quyết định số 55/2016/QĐ-TTg ngày 26 tháng 12 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về Mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước.

5. Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về Tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và Danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020.

II. HIỆU LỰC THI HÀNH, SỰ CẦN THIẾT, MỤC ĐÍCH BAN HÀNH VÀ NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

1. Nghị định số 161/2016/NĐ-CP ngày 02 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.

a) Hiệu lực thi hành: 02/12/2016.

Bãi bỏ Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 21 tháng 3 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung cơ chế đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội về phê duyệt các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn  2016 - 2020; đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 03 chương, 12 điều, quy định cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, Nhà nước hỗ trợ đầu tư một phần, phần còn lại do nhân dân đóng góp (gọi tắt là dự án nhóm C quy mô nhỏ), với các nội dung chủ yếu như: (1) Tiêu chí dự án nhóm C quy mô nhỏ; (2) Thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ngân sách Trung ương, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn công trái quốc gia, vốn ODA đối với dự án nhóm C quy mô nhỏ; (3) Lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ xây dựng công trình; (4) Lựa chọn nhà thầu theo hình thức tham gia thực hiện của cộng đồng; (5) Tổ chức, giám sát thi công và nghiệm thu công trình; (6) Chi phí hỗ trợ chuẩn bị và quản lý thực hiện dự án; (7) Tổ chức thực hiện, hiệu lực và trách nhiệm thi hành.

Nghị định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.

2. Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ngân sách nhà nước.

a) Hiệu lực thi hành: 01/01/2017.

Bãi bỏ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm cụ thể hóa Luật ngân sách Nhà nước năm 2015; phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới; đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về cơ sở pháp lý quản lý ngân sách Nhà nước.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 07 chương, 55 điều, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ngân sách nhà nước về lập dự toán ngân sách; thu nộp ngân sách; kiểm soát, thanh toán chi ngân sách; quản lý ngân sách nhà nước theo kết quả thực hiện nhiệm vụ; quyết toán ngân sách; nguyên tắc, điều kiện, thẩm quyền ứng trước dự toán, chi chuyển nguồn, sử dụng dự phòng ngân sách; sử dụng quỹ dự trữ tài chính; công khai ngân sách nhà nước, giám sát ngân sách nhà nước của cộng đồng và một số nội dung khác theo quy định của Luật ngân sách nhà nước (các nội dung về kế hoạch tài chính 05 năm, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm; quản lý, sử dụng ngân sách đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước; quy chế xem xét, quyết định dự toán và phân bổ ngân sách địa phương, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương được thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ), với các nội dung chủ yếu như: (1) Thu, chi, bội chi ngân sách nhà nước và chi trả nợ gốc các khoản vay; (2) Hệ thống ngân sách nhà nước và quan hệ giữa các cấp ngân sách; (3) Dự phòng ngân sách nhà nước; quỹ dự trữ tài chính; (4) Kinh phí hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; (5) Quản lý ngân sách nhà nước theo kết quả thực hiện nhiệm vụ; phân cấp quản lý ngân sách và mối quan hệ giữa ngân sách các cấp; (6) Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; (7) Lập dự toán, chấp hành ngân sách nhà nước và kế toán, kiểm toán và quyết toán ngân sách nhà nước; (8) Công khai ngân sách nhà nước, giám sát của cộng đồng về ngân sách nhà nước; (9) Điều khoản chuyển tiếp và hiệu lực thi hành.

Nghị định này áp dụng đối với: (1) Các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội; (2) Các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo nhiệm vụ Nhà nước giao; (3) Các đơn vị sự nghiệp công lập; (4) Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến ngân sách nhà nước.

3. Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.

a) Hiệu lực thi hành: 01/01/2017.

Nghị định này thay thế Nghị định số 12/2016/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm thay thế Nghị định số 12/2016/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản; bảo đảm phù hợp với quy định của Luật phí và lệ phí và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 03 chương, 11 điều, ban hành kèm  theo 01 biểu khung mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, quy định về đối tượng chịu phí, người nộp phí, mức thu, phương pháp tính, kê khai, nộp phí và quản lý sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản (đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản theo quy định tại Nghị định này là hoạt động khai thác dầu thô, khí thiên nhiên, khí than, khoáng sản kim loại và khoáng sản không kim loại), với các nội dung chủ yếu như: (1) Tổ chức thu phí; mức phí; phương pháp tính phí; kê khai, nộp phí; (2) Các trường hợp được áp dụng mức phí bảo vệ môi trường đối với khoáng sản tận thu; (3) Quản lý sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản; (4) Tổ chức thực hiện, hiệu lực và trách nhiệm thi hành.

Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản, các cơ quan nhà nước và tổ chức, cá nhân liên quan trong việc quản lý, thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.

4. Nghị định số 166/2016/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.

a) Hiệu lực thi hành: 01/03/2017.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm đảm bảo phù hợp với chính sách của nhà nước về phát triển công nghệ thông tin trong quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh hiện nay.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 06 chương, 36 điều, ban hành kèm theo 01 phụ lục, quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp (bao gồm đăng ký tham gia giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế; giải quyết, chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; giám định, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và việc trao đổi thông tin liên quan đến việc thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp), với các nội dung chủ yếu như: (1) Nguyên tắc giao dịch, điều kiện, phương thức thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội; (2) Lựa chọn tổ chức hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin để ký hợp đồng cung cấp dịch vụ I-VAN; (3) Giá trị pháp lý của chứng từ bảo hiểm xã hội điện tử; các loại chứng từ bảo hiểm xã hội điện tử; yêu cầu đối với chứng từ bảo hiểm xã hội điện tử; thời gian nộp chứng từ bảo hiểm xã hội điện tử; lưu trữ chứng từ bảo hiểm xã hội điện tử; (4) Quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân, tổ chức I-VAN, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Trung tâm dịch vụ việc làm khi tham gia giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội và quyền, nghĩa vụ của cơ quan bảo hiểm xã hội; (5) Thực hiện giao dịch điện tử qua cổng thông tin điện tử của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và thông qua tổ chức I-VAN; chia sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu để thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội; (6) Hiệu lực và trách nhiệm thi hành.

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội và các tổ chức cung cấp dịch vụ giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội.

5. Nghị định số 168/2016/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm nghiệp Nhà nước.

a) Hiệu lực thi hành: 15/02/2017.

Nghị định số 01/CP ngày 04 tháng 01 năm 1995 về ban hành bản quy định về việc giao khoán đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trong các doanh nghiệp Nhà nước và Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2005 của Chính phủ về việc giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục các tồn tại, bất cập của các chính sách quy định về việc khoán rừng, khoán đất lâm nghiệp, khoán vườn cây và mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các tổ chức, ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp, nông nghiệp, lâm trường quốc doanh được Nhà nước giao đất, giao rừng, giao mặt nước nuôi trồng thủy sản; đảm bảo phù hợp với thực tiễn hiện nay.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 03 chương, 13 điều, ban hành kèm theo 01 phụ lục, quy định về khoán rừng tự nhiên, rừng trồng, đất rừng; vườn cây cao su, chè, cà phê, ca cao, quế và vườn cây lấy nhựa, tinh dầu, cây ăn quả lâu năm, diện tích mặt nước trong các Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được nhà nước giao đất, cho thuê đất nông nghiệp, với các nội dung chủ yếu như: (1) Tiêu chí xác định bên khoán và nhận khoán; (2) Hình thức, thời hạn, hạn mức, đơn giá và trình tự, thủ tục, hồ sơ khoán; (3) Quyền và trách nhiệm của bên khoán và nhận khoán; (4) Điều khoản chuyển tiếp; (5) Trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương; (6) Hiệu lực và trách nhiệm thi hành.

Nghị định này áp dụng đối với: (1) Ban quản lý rừng đặc dụng; Ban quản lý rừng phòng hộ; các Công ty nông, lâm nghiệp; (2) Hộ gia đình, cá nhân đang cư trú hợp pháp tại địa phương (xã, phường, thị trấn) theo quy định của Luật cư trú năm 2006; cộng đồng dân cư thôn theo quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 và Luật đất đai năm 2013 nơi có đối tượng khoán; (3) Tổ chức, cá nhân có liên quan.

6. Nghị định số 169/2016/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ về xử lý hàng hóa do người vận chuyển lưu giữ tại cảng biển Việt Nam.

a) Hiệu lực thi hành: 01/07/2017.

Bãi bỏ Nghị định số 46/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2006 của Chính phủ quy định về xử lý hàng hóa do người vận chuyển lưu giữ tại cảng biển Việt Nam.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Nghị định số 46/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2006 của Chính phủ quy định về xử lý hàng hóa do người vận chuyển lưu giữ tại cảng biển Việt Nam; phù hợp với Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2015.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 03 chương, 20 điều, quy định việc xử lý hàng hóa do người vận chuyển lưu giữ tại cảng biển Việt Nam, với các nội dung chủ yếu như: (1) Quyền lưu giữ hàng hóa của người vận chuyển; lưu giữ hàng hóa của người vận chuyển để thanh toán các khoản nợ; (2) Nguyên tắc chung xử lý hàng hóa do người vận chuyển lưu giữ tại cảng biển; thông báo về hàng hóa bị lưu giữ; thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu bị lưu giữ; (3) Giám định và xác định giá trị hàng hóa bị lưu giữ; bán đấu giá hàng hóa bị lưu giữ; xử lý hàng hóa bị lưu giữ trong trường hợp đặc biệt; chi trả tiền bán đấu giá hàng hóa bị lưu giữ; thông báo việc chi trả tiền bán đấu giá hàng hóa bị lưu giữ; xử lý số tiền bán đấu giá còn thừa sau khi đã chi trả; (4) Trách nhiệm của người nhận hàng, người vận chuyển, người lưu giữ hàng hóa và cơ quan hải quan; (5) Điều khoản thi hành.

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến việc xử lý hàng hóa do người vận chuyển lưu giữ tại cảng biển Việt Nam (không áp dụng đối với việc xử lý hàng hóa tồn đọng tại cảng biển; việc xử lý hàng hóa tồn đọng tại cảng biển được thực hiện theo quy định của pháp luật về hải quan).

7. Nghị định số 170/2016/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định về việc công bố, tiếp nhận, xử lý và truyền phát thông tin an ninh hàng hải. 

a) Hiệu lực thi hành: 01/7/2017.

Bãi bỏ Quyết định số 125/2004/QĐ-TTg ngày 09 tháng 7 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc công bố, tiếp nhận, truyền phát và xử lý thông tin an ninh hàng hải và Quyết định số 11/2009/QĐ-TTg ngày 16 tháng 01 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 125/2004/QĐ-TTg về việc công bố, tiếp nhận, truyền phát và xử lý thông tin an ninh hàng hải.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 125/2004/QĐ-TTg ngày 09 tháng 7 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc công bố, tiếp nhận, truyền phát và xử lý thông tin an ninh hàng hải và Quyết định số 11/2009/QĐ-TTg ngày 16 tháng 01 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 125/2004/QĐ-TTg về việc công bố, tiếp nhận, truyền phát và xử lý thông tin an ninh hàng hải; đảm bảo phù hợp với những quy định mới của Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 05 chương, 19 điều, quy định về việc công bố, tiếp nhận, xử lý và truyền phát thông tin an ninh hàng hải, với các nội dung chủ yếu như: (1) Quy định cụ thể về cấp độ, duy trì và thay đổi cấp độ an ninh hàng hải; (2) Cơ quan công bố, thay đổi cấp độ an ninh hàng hải; (3) Tiếp nhận, xử lý và truyền phát thông tin về cấp độ an ninh hàng hải và an ninh hàng hải; cơ chế phối hợp tiếp nhận, xử lý và truyền phát thông tin an ninh hàng hải; (4) Trung tâm Thông tin an ninh hàng hải; (5) Trách nhiệm của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chủ tàu biển Việt Nam, chủ cơ sở cảng và chủ giàn di động; (6) Điều khoản thi hành.

Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý, sử dụng và khai thác các loại tàu biển, giàn di động, cơ sở cảng sau đây: (1) Tàu biển Việt Nam hoạt động trên tuyến quốc tế và tàu biển nước ngoài hoạt động tại các vùng biển Việt Nam và vùng nước cảng biển (bao gồm: Tàu chở khách; tàu chở hàng có tổng dung tích từ 500 trở lên); (2) Giàn di động hoạt động trên tuyến quốc tế; (3) Cơ sở cảng tiếp nhận các loại tàu biển quy định tại khoản 1 và giàn di động quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định này.

8. Nghị định số 171/2016/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ  về đăng ký, xóa đăng ký và mua, bán, đóng mới tàu biển.

a) Hiệu lực thi hành: 01/7/2017.

Bãi bỏ Nghị định số 161/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về đăng ký và mua, bán, đóng mới tàu biển.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 161/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về đăng ký và mua, bán, đóng mới tàu biển; đảm bảo phù hợp với những quy định mới của Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2015.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 06 chương, 34 điều, ban hành kèm theo 01 phụ lục, quy định về đăng ký, xóa đăng ký tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam; mua, bán, đóng mới, xuất khẩu, nhập khẩu tàu biển và đăng ký mang cờ quốc tịch nước ngoài đối với tàu biển thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân Việt Nam, với các nội dung chủ yếu như: (1) Quy định cụ thể về cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam và nhiệm vụ của cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam; (2) Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam; giới hạn tuổi tàu biển nước ngoài đã qua sử dụng đăng ký lần đầu tại Việt Nam; đặt tên tàu biển; thủ tục đăng ký tàu biển không thời hạn, tàu biển có thời hạn, tàu biển tạm thời; thủ tục cấp Giấy phép tạm thời cho tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam; thủ tục đăng ký tàu biển đang đóng, tàu biển loại nhỏ; thủ tục đăng ký nội dung thay đổi, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký tàu biển; đăng ký tàu biển công vụ, tàu ngầm, tàu lặn, kho chứa nổi, giàn di động; xoá đăng ký tàu biển, tàu biển công vụ, tàu ngầm, tàu lặn, kho chứa nổi, giàn di động; (3) Mua, bán và đóng mới tàu biển; (4) Điều kiện tàu biển thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân Việt Nam đăng ký mang cờ quốc tịch nước ngoài; thủ tục đăng ký tàu biển mang cờ quốc tịch nước ngoài; (5) Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện.

Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài liên quan đến đăng ký, xóa đăng ký và mua, bán, đóng mới tàu biển. Nghị định này không áp dụng đối với việc mua, bán, đóng mới: (1) Tàu biển thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài được đóng mới tại Việt Nam; (2) Tàu biển thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài và mang cờ quốc tịch nước ngoài được bán đấu giá tại Việt Nam theo quyết định cưỡng chế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; (3) Tàu biển công vụ, tàu ngầm, tàu lặn, kho chứa nổi, giàn di động (không áp dụng đối với việc đăng ký, xóa đăng ký và mua, bán, đóng mới tàu biển chỉ sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, tàu biển có động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân và thủy phi cơ.

9. Nghị định số 172/2016/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.

a) Hiệu lực thi hành: 15/02/2017.

b) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 03 điều, sửa đổi Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, cụ thể: 

- Bãi bỏ khoản 6 Điều 6 Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.

- Quy định điều khoản chuyển tiếp: 

(1) Đối với những hợp đồng đóng mới, nâng cấp tàu đánh bắt xa bờ có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên được ký và hoàn thành, bàn giao thực tế trước ngày 01 tháng 01 năm 2015, chủ tàu được hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng tại thời điểm ký hợp đồng. Trường hợp chủ tàu tự đóng mới, nâng cấp tàu đánh bắt xa bờ có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên phát sinh trước ngày 01 tháng 01 năm 2015 (không ký hợp đồng) được hoàn thuế giá trị gia tăng đối với những hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho hoạt động đóng tàu (bao gồm cả đóng mới và nâng cấp) kể từ ngày 25 tháng 8 năm 2014 đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2015; 

(2) Đối với những hợp đồng đóng mới, nâng cấp tàu đánh bắt xa bờ có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên được ký trước ngày 01 tháng 01 năm 2015 nhưng hoàn thành, nghiệm thu, bàn giao từ ngày 01 tháng 01 năm 2015 trở đi và những trường hợp đóng mới, nâng cấp tàu đánh bắt xa bờ được ký từ ngày 01 tháng 01 năm 2015, thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế số 71/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội và Điều 1 của Nghị định này. Số thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ, tài sản cố định phục vụ cho việc đóng mới, nâng cấp tàu đánh bắt xa bờ không được hoàn thuế mà tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Chủ tàu được Nhà nước hỗ trợ vay ưu đãi theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 4 Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 3 Điều 1 Nghị định số 89/2015/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP giá trị tàu đóng mới, nâng cấp được vay ưu đãi bao gồm cả các khoản thuế giá trị gia tăng đầu vào (nếu có).

10. Nghị định số 173/2016/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

a) Hiệu lực thi hành: 15/02/2017.

Nghị định số 71/2009/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục kịp thời các hạn chế, bất cập của Nghị định số 71/2009/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch; kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Thanh tra  ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch và công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. 

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 07 chương, 29 điều, quy định các nội dung chủ yếu như: (1) Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch; (2) Hoạt động thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành; nội dung thanh tra chuyên ngành văn hóa - gia đình, thể dục, thể thao, du lịch; xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra; thanh tra lại; chế độ báo cáo công tác thanh tra; (3) Thanh tra viên; cộng tác viên Thanh tra ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch; (4) Trang phục, phương tiện, thiết bị kỹ thuật, kinh phí hoạt động của Thanh tra ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch; (5) Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thanh tra ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch; (6) Hiệu lực và trách nhiệm thi hành.

Nghị định này áp dụng đối với: (1) Cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý trực tiếp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch; (2) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ chấp hành quy định của pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch.

11. Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật kế toán.

a) Hiệu lực thi hành: 01/01/2017.

Nghị định số 128/2004/NĐ-CP ngày 31 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật kế toán áp dụng trong lĩnh vực kế toán nhà nước và Nghị định số 129/2004/NĐ-CP tháng 5 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật kế toán trong hoạt động kinh doanh hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm quy định chi tiết một số điều của Luật kế toán; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về kế toán, phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 03 chương, 38 điều, quy định chi tiết một số điều của Luật kế toán về nội dung công tác kế toán, tổ chức bộ máy kế toán và người làm kế toán, hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán, cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới và tổ chức nghề nghiệp về kế toán, với các nội dung chủ yếu như: (1) Quy định cụ thể về đơn vị tính sử dụng trong kế toán; nội dung công tác kế toán; (2) Tổ chức bộ máy kế toán và người làm kế toán; (3) Hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán; cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài; (4) Tổ chức nghề nghiệp về kế toán; (5) Điều khoản chuyển tiếp; (6) Hiệu lực và trách nhiệm thi hành.

Nghị định này áp dụng đối với: (1) Các đối tượng quy định từ khoản 1 đến khoản 9 Điều 2 Luật kế toán; (2) Các tổ chức, cá nhân nước ngoài (không thuộc đối tượng hoạt động theo pháp luật Việt Nam) có phát sinh thu nhập từ cung ứng dịch vụ hoặc dịch vụ gắn với hàng hóa tại Việt Nam; (3) Các đơn vị kế toán ngân sách và tài chính xã, phường, thị trấn; (4) Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến kế toán và hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán tại Việt Nam.

12. Nghị định số 175/2016/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều quy định tại Nghị định số 86/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài.

a) Hiệu lực thi hành: 15/02/2017.

b) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 02 điều, sửa đổi, bổ sung một số điều quy định tại Nghị định số 86/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài. Cụ thể sửa đổi, bổ sung các quy định về các hành vi bị nghiêm cấm; điểm kinh doanh; quản lý thiết bị trò chơi; mua, tái xuất và tiêu hủy đồng tiền quy ước, thiết bị trò chơi; quyền của doanh nghiệp kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng; điều kiện cấp, hồ sơ đề nghị, quy trình thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; phí cấp phép; quảng cáo; quản lý nhà nước về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng; kiểm tra, thanh tra; xử phạt hành vi vi phạm quy định về quản lý và sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, điểm kinh doanh, khu vực bố trí điểm kinh doanh trong cơ sở lưu trú du lịch, vi phạm quy định về quản lý máy, thiết bị trò chơi điện tử có thưởng.

13. Quyết định số 52/2016/QĐ-TTg ngày 06 tháng 12 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động thông tin cơ sở.

a) Hiệu lực thi hành: 01/02/2017.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý thống nhất, góp phần tạo điều kiện để các cơ quan, đơn vị, tổ chức và người dân dễ dàng tiếp cận thông tin cơ sở; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 03 điều, ban hành kèm theo Quy chế hoạt động thông tin cơ sở.

Quy chế gồm 03 chương, 21 điều, với các nội dung chủ yếu như: (1) Nội dung, nguyên tắc hoạt động thông tin cơ sở; (2) Trách nhiệm quản lý nhà nước về thông tin cơ sở; (3) Hoạt động phát thanh, truyền thanh của Đài Truyền thanh cấp xã; (4) Xuất bản bản tin thông tin cơ sở; xuất bản bản tin thông tin cơ sở điện tử (trang thông tin điện tử); xuất bản tài liệu không kinh doanh phục vụ hoạt động thông tin cơ sở; (5) Tiêu chuẩn báo cáo viên, tuyên truyền viên; quyền và nghĩa vụ của báo cáo viên, tuyên truyền viên thông tin cơ sở; (6) Nội dung, hình thức thông tin trực tiếp qua báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở; (7) Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị quản lý báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở; (8) Đối tượng và điều kiện được phép lập bảng tin công cộng; nội dung thông tin và hình thức trình bày của bảng tin công cộng; (9) Quản lý bảng tin công cộng; các hình thức thông tin cơ sở khác; (10) Điều khoản thi hành.

Quy chế này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia quản lý và thực hiện các hoạt động thông tin cơ sở.

14. Quyết định số 53/2016/QĐ-TTg ngày 14 tháng 12 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quy chế hoạt động của Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định ban hành kèm theo Quyết định số 17/2010/QĐ-TTg ngày 03 tháng 3 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.

a) Hiệu lực thi hành: 01/02/2017.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm góp phần tạo bước chuyển biến mạnh mẽ cho đầu tư phát triển Khu kinh tế Nhơn Hội; tạo việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân; đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế - xã hội và sớm đưa Bình Định trở thành tỉnh phát triển của khu vực miền Trung.

c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 03 điều, sửa đổi khoản 2 Điều 2 Quy chế hoạt động của Khu kinh tế Nhơn Hội ban hành kèm theo Quyết định số 17/2010/QĐ-TTg ngày 03 tháng 3 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế hoạt động của Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định như sau:

“2. Khu kinh tế Nhơn Hội có tổng diện tích khoảng 14.308 ha bao gồm phần diện tích khu kinh tế hiện hữu là 12.000 ha và phần diện tích bổ sung là 2.308 ha (quy hoạch phát triển Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Becamex - Bình Định).

Phạm vi ranh giới Khu kinh tế Nhơn Hội gồm: Ranh giới phần diện tích khu kinh tế hiện hữu được xác định tại Quyết định số 142/2005/QĐ-TTg ngày 14 tháng 6 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định đến năm 2020 và ranh giới phần diện tích bổ sung là 2.308 ha (quy hoạch phát triển Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Becamex - Bình Định) được xác định theo địa giới hành chính thuộc xã Canh Vinh, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định”.

15. Quyết định số 54/2016/QĐ-TTg ngày 19 tháng 12 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

a) Hiệu lực thi hành: 05/02/2017.

Quyết định này thay thế các quy định về danh mục và nội dung Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm bảo đảm sự phù hợp với hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành theo Luật thống kê năm 2015; khắc phục những hạn chế, bất cập của Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã hiện hành.

c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 03 điều, ban hành kèm Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã gồm danh mục và nội dung chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

16. Quyết định số 55/2016/QĐ-TTg ngày 26 tháng 12 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về Mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước.

a) Hiệu lực thi hành: 25/02/2017.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm triển khai thi hành khoản 2 Điều 44 và Điều 19 Luật bưu chính; đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật và tình hình thực tế; làm cơ sở pháp lý cho việc quản lý hoạt động của Mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. 

c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 16 điều, ban hành kèm theo 02 phụ lục, với các nội dung chủ yếu như: (1) Nguyên tắc hoạt động; tổ chức Mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước; đối tượng phục vụ; dịch vụ bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước; (2) Bảo đảm an ninh, an toàn trong cung cấp dịch vụ bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước; chất lượng dịch vụ bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước; (3) Kinh phí bảo đảm hoạt động của Mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước; (4) Quyền và nghĩa vụ của Cục Bưu điện Trung ương, doanh nghiệp được chỉ định thực hiện duy trì, quản lý mạng bưu chính công cộng và đối tượng phục vụ; (5) Trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; (6) Điều khoản thi hành.

Quyết định này áp dụng đối với: (1) Cục Bưu điện Trung ương; (2) Doanh nghiệp được chỉ định thực hiện duy trì, quản lý mạng bưu chính công cộng; (3) Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động của mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước.

17. Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về Tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và Danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020.

a) Hiệu lực thi hành: 15/02/2017.

Quyết định này thay thế Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm đảm bảo thực hiện thống nhất các quy định của các luật mới được ban hành (Luật doanh nghiệp, Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp…); khắc phục các hạn chế, bất cập trong thực tiễn thực hiện Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước.

c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 04 điều, ban hành kèm theo Phụ lục I về Tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và Phụ lục II về Danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2016 - 2020 làm cơ sở phân loại, sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước hiện có và tiếp tục bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước nhằm đẩy mạnh quá trình sắp xếp, đổi mới đến năm 2020 (công ty nông, lâm nghiệp; doanh nghiệp quốc phòng, an ninh; Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước, Công ty mua bán nợ Việt Nam, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam, công ty thủy nông thực hiện sắp xếp theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ).

Quyết định này áp dụng đối với: (1) Doanh nghiệp nhà nước do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập; người đại diện phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nắm giữ cổ phần, vốn góp; (2) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước quyết định thành lập; người đại diện phần vốn góp của tập đoàn kinh tế, tổng công ty tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; (3) Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc phân loại, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Trên đây là Thông cáo báo chí văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 12 năm 2016, Bộ Tư pháp xin thông báo./.

Đọc thêm

Vận chuyển đá quý trái phép bị xử lý như thế nào?

Ảnh minh họa
(PLVN) - Vụ việc vận chuyển trái phép hơn 700 viên kim cương trị giá hàng chục tỷ đồng vừa được phát hiện đã làm dấy lên nhiều thắc mắc về quy định pháp luật liên quan đến việc mang theo kim loại, đá quý khi xuất nhập cảnh. Theo quy định hiện hành, hành lý vượt định mức miễn thuế mà không khai báo hải quan sẽ bị coi là xuất khẩu, nhập khẩu bất hợp pháp. Việc xử lý sẽ căn cứ vào mức độ vi phạm và ý thức của người thực hiện trong trường hợp cụ thể.

Con đường tại Hà Nội bị 'thắt cổ chai' vì vướng khu đất bị cho là “lấn chiếm”: UBND xã Tri Thủy (Phú Xuyên) xác nhận khu đất có nguồn gốc đất công

Con đường bị “thắt cổ chai” khi đi đến khu đất được cho là lấn chiếm đất đình làng. (Ảnh: Vy Hương)
(PLVN) - Sự việc xảy ra tại thôn Vĩnh Ninh, xã Tri Thủy, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, đã kéo dài nhiều năm. UBND xã xác nhận khu đất bị khiếu kiện tập thể có nguồn gốc đất công và UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo, nên hàng chục hộ dân trong thôn đề nghị cơ quan chức năng sớm có các động thái xử lý dứt điểm.

Hàng loạt vi phạm xây dựng tại cơ sở Quê Nhà (TP HCM): Phường Thảo Điền cho biết đang đôn đốc lên phương án cưỡng chế

Hàng loạt vi phạm xây dựng tại cơ sở Quê Nhà (TP HCM): Phường Thảo Điền cho biết đang đôn đốc lên phương án cưỡng chế
(PLVN) - Kết luận thanh tra (KLTT) của Thanh tra TP Thủ Đức (TP HCM) đã nêu rõ một số công trình xây dựng, trong đó có cơ sở kinh doanh Quê Nhà trên đường Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, là không phép, sai phép, phải cưỡng chế buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả. Nhưng đến nay, một số cơ sở đã không chấp hành các quyết định xử phạt, cưỡng chế, thậm chí còn xuất hiện dấu hiệu vi phạm mới.

Diễn biến sự việc liên quan Công ty Nhựt Phát - Tây Ninh: Chi cục Thuế quận 4 (TP HCM) có văn bản trả lời

Diễn biến sự việc liên quan Công ty Nhựt Phát - Tây Ninh: Chi cục Thuế quận 4 (TP HCM) có văn bản trả lời
(PLVN) - Liên quan sự việc Cty TNHH Sản xuất Tinh bột khoai mì Nhựt Phát - Chi nhánh Tây Ninh khiếu nại Kết luận thanh tra 987/KL-UBND (KLTT) của UBND tỉnh Tây Ninh cho rằng mình không trốn thuế; mới đây, Chi cục Thuế quận 4 (TP HCM, là đơn vị quản lý số hóa đơn liên quan vụ việc) đã có văn bản trả lời Báo PLVN.

Sắp phúc thẩm vụ “làm giả con dấu” tại Công ty Hoàng Long (Nam Định): Một số tình tiết cần làm rõ

Bản án 83/2024/HS-ST (bên trái) và Đơn của gia đình bị cáo Long gửi PLVN. (Ảnh: Hà Sơn)
(PLVN) - Dự kiến ngày mai (9/1), TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên phúc thẩm vụ án bị cáo Lưu Văn Long (SN 1955, ngụ TP Nam Định, tỉnh Nam Định) “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Trước đó, tại phiên sơ thẩm, bị cáo Long bị TAND tỉnh Nam Định tuyên lần lượt 3 năm 6 tháng tù và 2 năm 6 tháng tù về hai tội danh này.

Chuyển nơi cư trú có phải đổi đăng ký xe ô tô không?

Ảnh minh họa
(PLVN) - Bạn đọc hỏi: "Trước đây tôi cư trú tại Hà Nội, hiện giờ tôi mới chuyển vào TP Hồ Chí Minh. Tôi muốn hỏi Bộ Công an, trường hợp của tôi có phải đổi đăng ký xe ô tô khi chuyển nơi cư trú không? Nếu phải đổi thì tôi phải làm những thủ tục gì?".

Mức phạt lỗi sử dụng điện thoại khi lái xe từ 1/1/2025

Luật sư Lê Hiếu.
(PLVN) - Bạn Huy Phong (Hà Nội) hỏi: Do nhiều lúc phải giải quyết công việc gấp nên tôi hay sử dụng điện thoại khi đang lái xe. Xin hỏi, theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ 1/1/2025 thì hành vi sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông sẽ bị xử phạt như thế nào?