Theo đánh giá của Bộ này, hiện nay, các khâu giống, thức ăn, quy trình, điều kiện sản xuất trong chăn nuôi ở Việt Nam đều ở mức khá, nhưng yếu nhất hiện nay là khả năng phòng, chữa bệnh khi toàn bộ vắc xin cơ bản vẫn phải nhập khẩu từ bên ngoài về.
“Ra lò” vắc xin LMLM trong năm 2017
Theo Cục Thú y, vắc xin lở mồm long móng (LMLM) rất quan trọng đối với ngành chăn nuôi. Đây là vắc xin chiếm thị phần lớn nhất, bởi trong tổng số 100 triệu lượng vắc xin tiêu thụ ở Việt Nam, có đến 20 triệu là vắc xin LMLM. Cục Thú y xác nhận trong năm 2017 Việt Nam sẽ bước đầu sản xuất được vắc xin LMLM, qua đó từng bước giảm thiểu nhập khẩu vắc xin, giảm giá thành chăn nuôi.
Được biết, từ năm 1997 – 2015, Cục Thú y đã định hướng và chỉ đạo Cơ quan Thú y vùng VI thu thập được 222 mẫu vi rút LMLM tốt nhất về các mặt để đưa vào nghiên cứu sản xuất vắc xin (bao gồm 154 mẫu vi rút týp O, 65 mẫu vi rút tuýp A, 03 mẫu vi rút tuýp Asia 1). Hiện nay đang tiếp tục thu thập các mẫu vi rút từ thực địa; nghiên cứu thẩm định mẫu vi rút tuýp Asia 1.
Xác định xu thế chuyển dịch nền nông nghiệp sang chăn nuôi, thủy sản là đúng với quy luật giá trị, trong 2 năm qua, Bộ NN&PTNT đã dồn sức vào để Việt Nam có thể chủ động sản xuất được vắc xin. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Việt Nam là cường quốc về nông nghiệp, trong đó có hai thế mạnh là thủy sản và chăn nuôi, đã mạnh về chăn nuôi thì không có lý do gì không phòng được bệnh.
“Một cường quốc nông nghiệp mà đi lệ thuộc hết vắc xin nhập khẩu? Do đó, các doanh nghiệp cần tập trung chăm lo nhiều ở khu vực này, để không chỉ đáp ứng cho sức sản xuất của 6 triệu tấn thịt Việt Nam mà tiến tới phải xuất khẩu vắc xin” - ông Cường nhấn mạnh.
Sẽ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Ông Vũ Tiến Lâm - Chủ tịch HĐQT Công ty RTD (tỉnh Hưng Yên) cho biết: “Hiện nay, việc đầu tư 1 nhà máy sản xuất vắc xin đạt tiêu chuẩn GMP mất khoảng thời gian trên 2 năm và cần khoảng trên 200 tỷ đồng. Chính vì thế, tôi đề xuất cần có cơ chế riêng chỉ định thầu chọn vắc xin LMLM cho phép sử dụng phòng chống dịch bệnh trong các chương trình của Nhà nước”.
Ngoài ra, DN này cũng kiến nghị cần có cơ chế để các doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn giống, tế bào từ các cơ quan nhà nước có sẵn. “Trên thế giới, mỗi vắc xin thường được bảo hộ một thời hạn nhất định, thông lệ 20 năm, sau thời gian đó thì thuộc về toàn nhân loại. Rất nhiều nước, kể cả Trung Quốc, có một cơ quan thấy vắc xin nào hết hạn bảo hộ về sở hữu trí tuệ là ông tự làm, lập ra một ngân hàng giống quốc gia... Nếu có thể Bộ giao Cục Thú y làm đầu mối để làm việc này thì rất tốt” – ông Lâm kiến nghị.
Công ty Marphavet (tỉnh Thái Nguyên) đang đầu tư xây dựng 1 dây chuyền sản xuất vắc xin LMLM riêng theo tiêu chuẩn GMP- WHO. Ông Trần Đức Hạnh - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc điều hành công ty này mong muốn Bộ NN&PTNT tạo điều kiện cho DN cùng các cơ quan của Cục Thú y được đi tham quan nhà máy sản xuất vắc xin LMLM tại Thái Lan để học hỏi kinh nghiệm từ nước bạn. Theo ông Hạnh, Thái Lan đã sản xuất thành công vắc xin tinh khiết – không có thành phần 3 ABC protein từ hơn 10 năm qua.
Bộ trưởng Cường đánh giá những kiến nghị của doanh nghiệp cũng là tư liệu cho ngành để sửa đổi Luật Chuyển giao công nghệ sắp tới và cam kết sẽ tháo gỡ ngay các kiến nghị của DN, tạo điều kiện cho DN tiếp tục phát triển.
“Chúng ta phải có khát vọng đột phát đi nhanh trong sản xuất vắc xin. Bộ NN&PTNT luôn sát cánh cùng doanh nghiệp, doanh nhân trong thời gian ngắn nhất phải giải quyết nút thắt, thúc đẩy việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin cho chăn nuôi” – Bộ trưởng Cường khẳng định.
“Hiện nay, việc đầu tư 1 nhà máy sản xuất vắc xin đạt tiêu chuẩn GMP mất khoảng thời gian trên 2 năm và cần khoảng trên 200 tỷ đồng. Chính vì thế, tôi đề xuất cần có cơ chế riêng chỉ định thầu chọn vắc xin LMLM cho phép sử dụng phòng chống dịch bệnh trong các chương trình của Nhà nước”, ông Vũ Tiến Lâm - Chủ tịch HĐQT Công ty RTD (tỉnh Hưng Yên).