Theo Bộ NN&PTNT, năm 2016, kết quả giám sát trên diện rộng do các cơ quan thuộc Bộ thực hiện cho thấy, tỉ lệ mẫu thịt vi phạm chất cấm Salbutamol chỉ còn 6 mẫu trong tổng số 1.345 mẫu (chiếm 0,44%, năm 2015 tỉ lệ là 1,07%). Đặc biệt, trong 6 tháng cuối năm 2016 không phát hiện Salbutamol trong các mẫu thịt kiểm nghiệm, tỉ lệ mẫu thịt tồn dư kháng sinh đã giảm so với năm 2015 (11/1.345 mẫu thịt); rau, củ, quả tồn dư thuốc bảo vệ thực vật chỉ còn 4,1% (năm 2015 là 7,76%).
Đã xử lý 5.800 cơ sở vi phạm
Thực tế cho thấy, 2016 là năm cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), Bộ NN&PTNT bước đầu xử lý căn cơ một số vấn đề nổi cộm mất ATTP như sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản công bố: Năm 2016, các cơ quan trung ương và địa phương thanh kiểm tra 29.214 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, giống cây trồng, giống vật nuôi và đã phát hiện, xử lý 3.877 cơ sở vi phạm quy định về chất lượng, ATTP (chiếm 13%) với tổng số tiền xử phạt hành chính là 21,9 tỷ đồng.
Cũng theo ông Tiệp, đối với việc sản xuất, kinh doanh nông - lâm - thủy sản, các cơ quan trung ương, địa phương cũng đã kiểm tra 21.364 cơ sở, trong đó phát hiện xử lý 1.923 cơ sở vi phạm quy định ATTP với tổng số tiền xử phạt lên tới gần 7 tỷ đồng.
Năm 2016, Bộ NN&PTNT cũng đã đẩy mạnh việc “tuyên chiến” với việc sử dụng buôn bán chất cấm (chất tạo nạc Salbutamol; chất Vàng ô) trong chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật không có nguồn gốc, xuất xứ; lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT cho rằng, thị trường vật tư nông nghiệp hiện vẫn diễn biến phức tạp. Tình trạng sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp nhỏ lẻ, thời vụ có xu hướng gia tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong việc kiểm soát các mặt hàng vật tư nông nghiệp, trên thị trường xuất hiện các sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng không có trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam.
“Các sai phạm như mất vệ sinh thú y trong giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật có chiều hướng gia tăng, không có chứng nhận ATTP tại các cơ sở sản xuất thực phẩm; chấp hành không đầy đủ các quy định trong khai thác thủy sản; vận chuyển trái phép, săn bắt, mua bán động vật hoang dã… vẫn còn phổ biến” - Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT lo ngại.
Năm cao điểm hành động
Ngày 24/1/2017, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã ký ban hành Kế hoạch Năm cao điểm hành động vệ sinh, ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp 2017.
Theo đó, mục tiêu chính của kế hoạch là nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý vệ sinh, ATTP; giảm thiểu ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh nông sản, thực phẩm, đáp ứng yêu cầu về ATTP cho tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ NN&PTNT xác định là tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm. Song song với đó là tổ chức sản xuất kết nối với tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn. Kiện toàn lực lượng, nâng cao năng lực về quản lý ATTP.
Để triển khai Kế hoạch Năm cao điểm hành động vệ sinh, ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp 2017, tại Hội nghị giao ban trực tuyến về công tác vệ sinh ATTP diễn ra cuối tuần qua, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ, các Sở NN&PTNT xây dựng, trình UBND tỉnh, thành phê duyệt và tổ chức triển khai đảm bảo đúng tiến độ, hiệu quả kế hoạch hành động Năm cao điểm an toàn vệ sinh thực phẩm lĩnh vực nông nghiệp 2017 tại địa phương.
Bộ trưởng Cường cũng đề nghị, các cơ quan, ban, ngành địa phương coi nhiệm vụ quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông - lâm - thủy sản là nhiệm vụ trọng tâm. Thực hiện quyết liệt nhiệm vụ được phân công tại Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 9/5/2016 của Thủ tướng về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP; ban hành các chính sách cụ thể theo đặc thù của địa phương, ưu tiên bố trí đủ nguồn lực cho công tác quản lý vật tư nông nghiệp, ATTP nông - lâm - thủy sản và hỗ trợ phát triển, nhân rộng các chuỗi giá trị nông lâm thủy sản an toàn.
Cả nước đã có 444 chuỗi cung ứng nông - lâm - thủy sản an toàn
Về Đề án “Xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng nông - lâm - thủy sản an toàn, tính đến nay cả nước đã có 50 tỉnh xây dựng thành công 444 mô hình điểm chuỗi cung ứng nông - lâm - thủy sản an toàn, truy xuất được nguồn gốc. Nhiều doanh nghiệp lớn như: Vingroup, Dabaco, Ba Huân… Riêng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn.
Tại Hà Nội đã xây dựng và duy trì được 60 chuỗi liên kết ATTP (27 chuỗi có nguồn gốc động vật, 33 chuỗi có nguồn gốc trồng trọt); trong đó có 7 chuỗi rau, thịt với 6 cơ sở sở và 11 địa điểm bày bán được xác nhận sản phẩm an toàn. Tại TP HCM đã hình thành, duy trì được 32 chuỗi liên kết cung ứng nông sản thực phẩm an toàn với 401 điểm kinh doanh đăng ký bán các sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn.