Đó là các dự án “Vì mục đích sử dụng kháng sinh đúng đắn nhất” và chiến dịch “Từ trang trại đến bàn ăn”. Cả hai dự án này đều nhằm ngăn chặn tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh vốn là mối đe dọa lớn đến sức khỏe của cộng đồng toàn thế giới. Theo Tổ chức Y tế thế giới, từ nay đến năm 2050, nếu không có một chương trình hành động thích hợp, việc sử dụng thuốc kháng sinh vô độ sẽ có thể cướp đi sinh mạng của một triệu người mỗi năm trên toàn thế giới.
Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng nguy hiểm này, thậm chí còn là quốc gia có tình trạng kháng kháng sinh cao so với thế giới. “Nếu cứ sử dụng kháng sinh bừa bãi như hiện nay sẽ đến lúc chúng ta chết trên thuốc” – đó là lo ngại của Ths. BS Nguyễn Trung
Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương lo ngại khi trả lời báo chí. Theo Ths Nguyễn Trung Cấp, bình thường kháng sinh được phát minh ra sau 1 thời gian sẽ nhờn vì vi khuẩn thay đổi thích nghi với kháng sinh, tốc độ kháng và mức độ kháng khác nhau.
Kháng kháng sinh là một tình trạng nguy hiểm vì khi người bệnh mang mầm bệnh kháng kháng sinh thông thường sẽ phải sử dụng kháng sinh thế hệ mới, kết hợp nhiều loại, cao liều, khả năng thành công thấp, tỷ lệ tử vong cao, thời gian nằm viện kéo dài, điều trị khó khăn. Không chỉ thế, việc sử dụng phối hợp nhiều kháng sinh, cao liều gia tăng tác dụng phụ như suy thận, suy gan.
Theo các bác sĩ, có 5 nguyên nhân dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh tăng cao ở Việt Nam. Nguyên nhân thứ nhất dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh là người dân có thể tự mua kháng sinh dễ dàng, chỗ nào cũng mua được dẫn đến tình trạng sử dụng kháng sinh bừa bãi.
Một số bệnh lý không cần kháng sinh người ta vẫn sử dụng khiến cho vi khuẩn kháng thuốc. Nguyên nhân thứ hai là việc kê đơn của thầy thuốc cũng gây nên tình trạng kháng kháng sinh. Nguyên nhân thứ ba là nguy cơ sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi. Người dân lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi dẫn đến vi khuẩn trong môi trường cũng trở nên kháng kháng sinh, khi gây bệnh cho người trở thành vi khuẩn kháng kháng sinh.
Nguyên nhân thứ tư, tình trạng lây chéo do quá tải bệnh dẫn tới 1 bệnh nhân có 1 vi khuẩn kháng kháng sinh có thể chuyển vi khuẩn kháng kháng sinh cho người khác. Ở các nước khác, những bệnh nhân có vi khuẩn kháng thuốc là họ cách ly làm ngăn chặn lan rộng vi khuẩn kháng thuốc. Nguyên nhân thứ 5, dược sĩ là những người chưa đặt chân đến bệnh viện nhưng vẫn tư vấn chẩn đoán và bán thuốc, kể cả dược sĩ đại học thời lượng đi bệnh viện cũng rất ít. Ở Việt Nam rất phổ biến tình trạng này. Trong khi đó, đối với ngành y, một dược sĩ chẩn đoán bệnh là không thể.
Hy vọng rằng trong thời gian không xa, Việt Nam cũng sẽ được thụ hưởng thành quả của hai dự án vừa được Ủy ban Châu Âu trao giải nói trên để chặn đứng được tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh như hiện nay.