“Giá như được quay lại em sẽ chẳng cưới chồng sớm nữa”
Nhưng không phải thiếu nữ nào cũng may mắn như Mỵ và không riêng gì thiếu nữ mà các thiếu niên trai cũng vậy. Trong đợt rà soát về tảo hôn của Tổ chức Plan đối với 8.097 trẻ em từ 12-18 tuổi tại 146 thôn bản ở Hà Giang, Lai Châu và Quảng Trị, các khảo sát viên đã chứng kiến nhiều cảnh đời, nhiều giọt nước mắt do lấy chồng, lấy vợ sớm. Một em trai 17 tuổi, dân tộc Mông ở Hà Giang chia sẻ: “Trước khi cưới em có thời gian chơi, thoải mái hơn. Sau khi có vợ em phải chăm sóc cả gia đình, rất vất vả”.
“Giá như em được quay lại” – đó là niềm ước ao không bao giờ có thể lấy lại được của một em gái dân tộc Bru – Vân Kiều ở Quảng Trị. “Em lấy chồng từ khi 15 tuổi. Em phải nghỉ học sau khi cưới. Cuộc sống khổ hơn nhiều sau khi em sinh con. Giá như được quay lại em sẽ chẳng cưới chồng sớm nữa. Từ khi có con, em phải làm việc suốt, chẳng có thời gian nghỉ ngơi” – em gái này cho biết.
Theo con số của Tổ chức Plan đưa ra, tại 3 tỉnh Hà Giang, Lai Châu và Quảng Trị, tỷ lệ các trường hợp kết hôn trẻ em lần lượt là 8,17%, 19,43% và 5,31%. Trong năm 2015, tại Bản Lang – Lai Châu, trong số 303 bà mẹ mang thai thì có tới 73 trường hợp thai phụ dưới 18 tuổi. Trong số 136 trường hợp sinh được ghi nhân thì có 49 trường hợp là trẻ dưới 16 tuổi. Ở xã Thanh – Quảng Trị có 29 trẻ em (năm 2014) và 35 trẻ (năm 2015) từ 18 tuổi sinh con tại trạm y tế….
Điều đáng lo ngại nhất mà Tổ chức Plan cảnh báo đó là vấn đề hôn nhân trẻ em không được đề cập đến trong bất kỳ cuộc thảo luận nhóm nào của cộng đồng. Bên cạnh đó một số phong tục bị biến tướng và thay đổi theo chiều hướng xấu như kéo vợ của Mông, đi Sim của người Bru – Vân Kiều…Trong chuyến công tác tại xã Nam Mẫu – huyện Ba Bể, Bắc Kạn, phóng viên đã được thầy giáo Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ chuyện cô học sinh nữ người dân tộc Dao đang học khá, chăm chỉ, sau dịp nghỉ tết về nhà đã quyết định bỏ học lấy chồng. Khi biết tin nhà trường đã cử người đến vận động, nhưng gia đình em cho biết em đã muốn lấy
chồng nên gia đình đã nhận lễ của nhà trai. Thực tế này cũng là lời cảnh báo của Tổ chức Plan khi tổ chức này đưa ra nhận định: “Chính trẻ em là người có tiếng nói mạnh mẽ nhất trong việc quyết định cưới hay không, không hẳn do bố mẹ ép”. Hệ lụy của điều này là do đã phần trẻ em không biết mình có quyền gì và được hưởng quyền của mình như thế nào, khoảng 70% trẻ em trai và 60% số trẻ em gái không thể chỉ rõ một quyền cụ thể nào của trẻ em.
Làm gì cho trẻ em và nói gì để trẻ em hiểu?
Đó là vấn đề đã được đặt ra tại hội thảo quốc gia “Thảo luận về các cơ hội, khoảng trống và thách thức về tình trạng tảo hôn ở Việt Nam” diễn ra sáng qua 25/10 do UNFPA, Bộ Y tế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc phối hợp tổ chức. Nhận thức được mối nguy hại của nạn tảo hôn, Chính phủ Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực trong việc giải quyết tình trạng này. Cụ thể, ở góc độ pháp luật, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, Luật Trẻ em năm 2016 đã nghiêm cấm tảo hôn và các hoạt động liên quan đến việc tổ chức, hỗ trợ tảo hôn; năm 2015 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn giai đoạn 2015-2025…
Luật Hôn nhân và Gia đình có quy định tuổi kết hôn của nam là đủ 20 tuổi và nữ là đủ 18 tuổi. Nhưng ở nhiều địa phương, đặc biệt những địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, cha mẹ và họ tộc vẫn cho phép trẻ em gái kết hôn trước tuổi 18. Kết quả từ cuộc Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ ở Việt Nam năm 2014 cho thấy, tỷ lệ phụ nữ trẻ từ 15-19 tuổi kết hôn hoặc sống chung là 10,3%. Khu vực miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Mê Kông và Tây Nguyên là những nơi có tỷ lệ tảo hôn cao. Người Mông có tỷ lệ tảo hôn cao nhất là 33%, tiếp theo là người Thái 23%...
Phân tích nguyên nhân tảo hôn, Thạc sĩ Nguyễn Thị Tư, Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số - Ủy ban Dân tộc nhấn mạnh sự hạn chế về nhận thức và hiểu biết pháp luật. Theo bà Nguyễn Thị Tư, có những địa phương phụ nữ mù cả chữ và tiếng nên khó có thể tuyên truyền cho họ hiểu. Bên cạnh đó là tình trạng thờ ơ, thiếu sự can thiệp của chính quyền ở một số địa phương. Còn theo ông Nguyễn Hữu Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, nạn tảo hôn khó giải quyết vì pháp luật chưa thực sự đáp ứng và bao quát hết được các khía cạnh đa dạng của hôn nhân, gia đình, đơn cử như các quy định về áp dụng tập quán trong Luật Hôn nhân và Gia đình còn có nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến hiệu quả thực thi chưa cao...
Chính vì thế, theo bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương thì cần thiết phải xây dựng cách tiếp cận giải quyết tảo hôn ở Việt Nam. “Để làm được điều này, Chính phủ cần được tham vấn với các tổ chức nghiên cứu, các tổ chức Liên Hợp quốc tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội dân sự. Trong đó chú trọng mục tiêu thay đổi các chuẩn mực xã hội nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, có các can thiệp cho trẻ em gái nhằm ngăn chặn tình trạng bỏ học giữa chừng của các em, khuyến khích tạo điều kiện cho các em được đi học trung học chuyên nghiệp, học nghề, bố trí việc làm…” – bà Trương Thị Mai nhấn mạnh.
“Nạn tảo hôn xảy ra ở 63/63 tỉnh, thành. Tỷ lệ nữ tảo hôn cao hơn nam và khi sinh nở do thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản, non tuổi đời nên tỷ lệ mẹ chết, con chết cao” – Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến.
“Tảo hôn ở lứa tuổi trẻ em là vi phạm quyền con người của trẻ em theo tinh thần Công ước quốc tế về trẻ em mà Việt Nam đã phê chuẩn năm 1990, cũng như Hiến pháp, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Trẻ em” – Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan.
10 dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn từ 20-30%; 11 dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn từ 30-40%; 13 dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn từ 40-50%; 6 dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn từ 50-60% (Tình trạng tảo hôn ở các dân tộc thiểu số theo kết quả điều tra 53 dân tộc của Ủy ban Dân tộc).