Làm tổ trưởng tổ dân phố kiêm Phó Bí thư Chi bộ nhiều năm, bác Bạt chưa bao giờ nghĩ cái duyên hòa giải lại “cập bến” với mình thật nhẹ nhàng, bất ngờ. Thường xuyên có cơ hội tiếp xúc cùng mọi người, sát sao nhiều công việc trong khu dân phố, bác dần trở thành “địa chỉ” tin cậy của cả khu, được đề cử vào Tổ hòa giải năm 2013 và ngay sau đó, tiếp tục được bầu vào Tổ hòa giải của khu dân phố theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở.
Bề dày thâm niên chưa nhiều, bác cùng các hòa giải viên trong Tổ đã gặp không ít khó khăn, trở ngại. Nhưng với sự tâm huyết, nhiệt tình trong công việc cộng với vốn sống, hiểu biết luật pháp và khả năng thuyết phục “thấu tình, đạt lý”, khách quan, công bằng, bác đã hóa giải kịp thời những mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư, tránh để bé xé thành to.
Kinh nghiệm hòa giải của bác Bạt là khi có vụ việc phát sinh, bác sẽ chủ động nghiên cứu, nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, rồi bác đến tận nơi để tìm hiểu, xác minh, bác thâm nhập, nghe người dân trình bày để có thêm cơ sở đánh giá, tìm ra hướng giải quyết, đặc biệt bác luôn vận dụng những phong tục tập quán của địa phương, những quy ước của khu dân phố, sau đó tiến hành gặp gỡ các bên để hòa giải.
Bác đã hòa giải thành nhiều vụ tranh chấp đất đai, vợ chồng mâu thuẫn, gia súc phá hoại hoa màu... Có những vụ việc chỉ cần hòa giải một lần là xong, song cũng có trường hợp phải đi lại nhiều lần. Tuy nhiên, bác luôn coi công việc của tập thể như việc của nhà mình, khi nào xong việc mới nhẹ lòng.
Ấy vậy mà kỷ niệm được bác Bạt nhớ nhất lại là một vụ hòa giải không thành dù nội tình vụ việc rất đơn giản. Chuyện như thế này, nhà cô T nuôi gà, cứ đến chiều là thả gà ra. Gà lại toàn nhảy vào nhà cô X hàng xóm để phá vườn rau, đi vệ sinh lung tung.
Cô X đến nhờ hòa giải viên nhắc nhở gia đình cô T. Bác Bạt đến nhắc nhở, bảo rằng chăn nuôi không thể cấm nhưng cũng nên nhốt gà để giữ vệ sinh sạch sẽ, không làm mất đi tình làng nghĩa xóm.
Cô T nói sẽ làm theo, sẽ nhốt gà nhưng cứ 5h chiều vẫn thả gà ra. Hai gia đình lời qua tiếng lại cãi nhau, theo bác Bạt, tức là hòa giải không thành. “Cuối cùng phải chờ đến lúc gà lớn, bán được thì mâu thuẫn… tự hết” – bác Bạt bật cười vui vẻ.
Tổ hòa giải của bác Bạt, ngoài bác còn có 4 người khác gồm Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố, Trưởng các ban, đoàn thể như Mặt trận, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh. Bác Bạt luôn đánh giá rất cao trách nhiệm của các hòa giải viên trong tổ đối với công tác hòa giải và cũng là những người luôn cùng bác nhiệt tình với công việc đòi hỏi sự tự nguyện này. Vừa qua, bác cùng tổ hòa giải của mình vinh dự được đại diện cho tỉnh Điện Biên tham dự tranh tài với 25 đội thi khác tại Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III khu vực miền Bắc.
Bác Bạt nhận thấy Hội thi rất quy củ, người dân Ninh Bình đón tiếp rất nồng nhiệt, rất quan tâm với các đoàn về đây dự thi. Hơn thế, đối với Hội thi Hòa giải viên giỏi, bác cho biết rút ra được bài học kinh nghiệm bổ ích trong lĩnh vực hòa giải ở cơ sở để về làm công tác này được tốt hơn, làm sao cho đúng pháp luật, hợp lòng dân, vì tình làng nghĩa xóm. Gửi lời cảm ơn Bộ Tư pháp và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Bình cho các hòa giải viên có cơ hội giao lưu, học hỏi, bác Bạt mong muốn nếu được thì nên 2 năm tổ chức một lần để mọi người hiểu hơn về pháp luật, trau dồi kiến thức pháp luật.
Nhờ tập luyện cho Hội thi, bác Bạt càng thêm thấm thía rất cần hiểu biết pháp luật và không hề thấy pháp luật khô khan, khó nhớ mà còn mở mang, am hiểu thêm các quy định pháp luật như Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình… Trước kia đi hòa giải, bác vẫn vận dụng kinh nghiệm, nói tình nhiều hơn lý hoặc ít khi vận dụng được cụ thể các điều khoản, nhưng gần đây mỗi lần bắt tay vào việc, bác đều đưa ra căn cứ pháp lý khiến các bên mâu thuẫn hiểu rõ vụ việc của mình hơn. Nói chuyện với tôi, bác Bạt ví dụ vanh vách như: gây tiếng ồn từ 22h hôm trước đến 6h sáng hôm sau bị phạt từ 100 – 300 nghìn đồng; quy định về tảo hôn (điểm a khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình).
“Mình dẫn quy định nam từ đủ 20 tuổi, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên, căn cứ vào đó mà nói thì nhiều người phải chịu, không tảo hôn nữa. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp cứ tổ chức ở vùng sâu, vùng xa bản người Mông của Điện Biên. Mình không biết được, họ cứ đến ở với nhau, có con đón về, uống rượu mừng mình mới biết, gửi rể. Rồi sinh con thứ 3, tổ tôi không có nhưng phường vẫn có” – bác tâm sự.
Tiểu phẩm “Cảm ơn hòa giải” của đội Điện Biên tham dự Hội thi khu vực như một minh chứng nhức nhối về nạn tảo hôn đang diễn ra nơi vùng cao. Một cô bé đòi tự tử bằng lá ngón vì bị bố mẹ bắt kết hôn sớm, phải bỏ dở học hành, bỏ ước mơ trở thành cô giáo. Rất may là cô giáo của em đến nhờ hòa giải viên tới nói chuyện để hòa giải mâu thuẫn gia đình, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống tương lai của con trẻ. “Hòa giải phải kịp thời mới tránh được hậu quả xảy ra” – bác Bạt tâm niệm.