Đại biểu phát biểu tại cuộc hội thảo |
Đánh giá những khó khăn, vướng mắc khi áp dụng qui định của Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-TANDTC ngày 15/09/2011 hướng dẫn áp dụng một số qui định về tương trợ tư pháp (TTTP) trong lĩnh vực dân sự của Luật Tương trợ tư pháp (TT 15), bà Phạm Hồ Hương, Trưởng phòng Tư pháp quốc tế, Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp cho biết: TT 15 ra đời đã tháo gỡ nhiều vấn đề vướng mắc trong thực tiễn TTTP về dân sự, khẳng định một sự chuyển biến mạnh mẽ và được xem như hành lang pháp lý quan trọng, qui định rõ ràng về trình tự, thủ tục thực hiện, xử lý kết quả TTTP.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, thực tiễn cho thấy TT 15 cũng còn nhiều hạn chế, bất cập ảnh hưởng đến quá trình tố tụng của Tòa án, dẫn đến tình trạng một loạt vụ án bị tồn đọng, không bảo đảm được quyền lợi của các đương sự trong các vụ việc dân sự.
Một trong những vướng mắc đó là chi phí trong ủy thác tư pháp (UTTP) về dân sự. Hiện chưa có văn bản nào qui định về mức thu chi phí UTTP trong quá trình giải quyết vụ việc có yếu tố nước ngoài cần TTTP nên Tòa án địa phương còn lúng túng.
Về vấn đề nguyên tắc có đi có lại trong việc thực hiện UTTP, đối với các trường hợp UTTP đến các nước mà Việt Nam đã ký Hiệp định TTTP thì phần lớn đều có kết quả trả lời nhưng đối với những nước mà Việt Nam chưa ký Hiệp định TTTP thì hầu hết không có kết quả, do đó việc đặt ra nguyên tắc có đi có lại theo TT 15 là không phù hợp.
Về xử lý kết quả UTTP tại Tòa án, mặc dù Điều 15 TT 15 qui định việc xử lý kết quả, nhưng vấn đề này khi áp dụng vào thực tiễn còn nhiều bất cập dẫn đến việc Tòa tạm đình chỉ vụ án, ảnh hưởng trực tiếp đến cá nhân và pháp nhân trong nước….
Về thực tiễn áp dụng TT 15 trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc dân sự có đương sự ở nước ngoài, ông Lê Mạnh Hùng – Trưởng phòng Pháp luật quốc tế, Viện Khoa học xét xử TANDTC cho biết, trung bình mỗi năm, TAND tỉnh, thành phố thụ lý, giải quyết khoảng 3.500 – 4.000 vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động có đương sự ở nước ngoài. Một trong những khó khăn hiện nay là qui trình tống đạt văn bản tố tụng của Tòa án cho đương sự ở nước ngoài, đặc biệt cho công dân Việt Nam ở nước ngoài theo phương thức UTTP còn phải qua nhiều khâu, nhiều cơ quan.
Cần giảm bớt khâu trung gian
Như vậy, làm sao để việc UTTP đạt kết quả tốt hơn, góp ý cho việc sửa đổi TT 15, ông Hồ Quân Chính, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Cục Thi hành dân sự TP.HCM cho biết: “Trong những năm qua, cơ quan thi hành án dân sự thực hiện việc UTTP rất nhiều nhưng kết quả thu về là bằng không. Nhiều hồ sơ gửi đi hàng năm, hàng tháng không có hồi âm. Điều đó cho thấy thời gian thực hiện UTTP quá lâu. Chúng ta cần phải làm sao để trình tự, thủ tục phải nhanh gọn, bỏ bớt trung gian.
Cụ thể như nên cho cơ quan có thẩm quyền tống đạt trực tiếp cho công dân ở nước ngoài, nếu không trái với pháp luật sở tại hoặc thông qua cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài mà không chuyển hồ sơ qua cơ quan trung gian là Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao. Về vấn đề UTTP trong thi hành án dân sự quy định tại TT 15, chúng tôi không thấy vai trò của cơ quan thi hành án dân sự ở đâu cả, vì vậy đề nghị nên đưa thi hành án vào Điều 7 mục “Qui định cơ quan có thẩm quyền”để chúng tôi có thể đàng hoàng thực hiện việc UTTP”.
Về thời gian UTTP, bà Nguyễn Thị Hồng Tuyến, Phó Chánh Tòa Dân sự TAND tỉnh Đồng Nai cho rằng: Án tồn của chúng tôi hiện nay có 50% là án ly hôn có yếu tố nước ngoài, những án này đa số đều chờ UTTP. Tuy nhiên, qui định hiện nay về thời gian UTTP là quá lâu. Có nhiều đương sự của tôi chỉ vì chờ UTTP để ly hôn mà cơ hội lấy chồng bị bỏ lỡ. Hoặc có trường hợp một người có bạn trai, xin UTTP để ly hôn nhưng trong khi chờ được UTTP thì bị bạn trai bỏ và cô ấy phải nuôi con một mình.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng Hội thảo đã thảo luận 6 vấn đề về nội dung và một vấn đề về kỹ thuật với tinh thần làm việc khẩn trương và trách nhiệm. Cụ thể, về TTTP trong lĩnh vực dân sự, các đại biểu đã nhất trí cao là cần có sự hoàn thiện thực tiễn hiện nay. Đây là đầu vào rất quan trọng để nhóm soạn thảo xây dựng văn bản sát với thực tế.
Thứ trưởng cũng nhận định, đồng hành với việc sửa TT 15 cần sửa Bộ Luật Tố tụng Dân sự và Luật Thi hành án dân sự với những qui định cụ thể liên quan đến vấn đề này, đồng thời cần rà soát lại toàn bộ qui trình để biết hồ sơ đang nằm ở đâu, vướng ở khâu nào cũng như xem xét lại thẩm quyền của cơ quan thi hành án trong việc thực hiện UTTP.
Liên quan đến việc tống đạt cho công dân Việt Nam ở nước ngoài, Thứ trưởng cho biết, các đơn vị chức năng sẽ nghiên cứu giải pháp để tống đạt trực tiếp có sự tham gia của cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài… Nói chung, phải làm sao để dễ thực hiện, tránh phát sinh, để việc thực hiện UTTP khi áp dụng vào cuộc sống.