Ảnh minh họa |
Theo Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (THADS) Hà Nội Chu Quang Tiến, thời gian qua số lượng việc và tiền THADS thụ lý mới ở Thủ đô ngày càng tăng và phức tạp, nhất là số lượng các vụ việc thi hành án (THA) về kinh doanh thương mại số việc và số tiền phải thi hành rất lớn còn có nguyên nhân khách quan đó là tình trạng quá tải trong công việc xảy ra tại nhiều đơn vị THADS.
Hiện bình quân một Chấp hành viên (CHV) ở Hà Nội phải giải quyết số việc trong năm rất cao như có những đơn vị lên tới 270 việc/CHV. Toàn thành phố Hà Nội, tổng biên chế của THADS là 524 người, trong đó có 238 CHV, nếu tính số việc phải thi hành trong năm hiện phải thi hành trên 153 việc/CHV(năm 2014).
Từ thực trạng nêu trên về lượng việc, tiền phải THA hàng năm, số lượng tồn hàng năm khi triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (TPL) sẽ giải quyết được một phần khó khăn, góp phần giảm tải cho cơ quan THADS, đồng thời cũng là nhu cầu đối với TPL.
Sau thời gian triển khai, Phó Cục trưởng Chu Quang Tiến nhận xét việc thực hiện chế định TPL trên địa bàn Thủ đô “bước đầu là phù hợp, cần thiết cho xã hội và cho hoạt động tư pháp, được người dân ủng hộ và đón nhận”.
Cụ thể, việc chuyển giao cho các Văn phòng TPL tống đạt các văn bản về THA đã và đang triển khai tích cực. Việc các Văn phòng TPL trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự giúp cho người dân có quyền lựa chọn cho mình nơi tổ chức THA tốt nhất. Việc này cũng sẽ giảm tải cho cơ quan THADS.
Cần tăng cường công tác kiểm tra
Mặc dù đã tích cực, cố gắng trong triển khai, chỉ đạo kịp thời, sát sao nhưng việc tổ chức thực hiện thí điểm chế định TPL trên địa bàn theo đánh giá của Cục THADS Hà Nội vẫn chưa đạt so với yêu cầu như: lãnh đạo một số đơn vị THADS chưa thực sự quan tâm đến công việc này; một số đơn vị chậm ký Hợp đồng dịch vụ tống đạt văn bản; một số đơn vị đã ký Hợp đồng dịch vụ tống đạt nhưng chậm chuyển giao văn bản, chuyển giao không hết văn bản, không chuyển giao văn bản của hồ sơ theo đơn… để Văn phòng TPL tống đạt.
Về phía các Văn phòng TPL, Cục THADS Hà Nội lưu ý: Một số Văn phòng TPL chậm, chưa thật tích cực, chủ động trong triển khai ký Hợp đồng tống đạt và thực hiện tống đạt văn bản do mới thành lập lực lượng còn mỏng, còn thiếu và yếu về kinh nghiệm chuyên môn; chi phí tống đạt thấp trong khi trình tự, thủ tục tống đạt đòi hỏi chặt chẽ, trách nhiệm đòi hỏi cao nên còn chần chừ trong triển khai, dẫn đến kết quả tống đạt còn hạn chế.
Mặt khác, do nhận thức của nhiều cơ quan, chính quyền cơ sở và của nhiều cá nhân, cán bộ cơ sở về TPL còn có mức độ; nhiều bản án, quyết định của Tòa án tuyên địa chỉ còn chung chung, chi phí tống đạt chưa được hướng dẫn cụ thể... cũng gây khó khăn nhất định cho TPL.
Ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về chế định TPL, Cục THADS cho rằng các Văn phòng TPL cũng cần nâng cao năng lực về lực lượng, chuyên môn, nghiệp vụ; xây dựng quy trình tống đạt văn bản chặt chẽ và hướng dẫn cho TPL, Thư ký TPL về trình tự, thủ tục tống đạt để đảm bảo đúng thời hạn, chặt chẽ, đúng quy định về thủ tục tống đạt văn bản, tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo hoạt động của các Văn phòng TPL, kịp thời phát hiện những vi phạm, hạn chế, những khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ, chỉ đạo kịp thời.
Ngoài ra, cần hoàn thiện chế định TPL, cần có những quy định, hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn một số nội dung về khó khăn, vướng mắc nêu trên; nghiên cứu xây dựng Luật TPL sau khi hết thời gian thí điểm.