Thừa phát lại vẫn đang “mò mẫm” trong lập vi bằng
Một trong những vấn đề của Thừa phát lại (TPL), theo TS. Dương Thanh Mai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Trưởng đoàn khảo sát, là về nhận thức. “Năm ngoái, khi chúng tôi đi khảo sát ở một số địa bàn nơi đặt Văn phòng TPL cho thấy, tỷ lệ người dân biết về chế định TPL là 58%. Tuy nhiên, năm nay theo ghi nhận chưa đầy đủ thì tỷ lệ người dân biết về chế định này chỉ khoảng 53%. Tỷ lệ này cũng không đồng đều giữa các quận, huyện”.
Do đó, theo TS. Dương Thanh Mai, đẩy mạnh tuyên truyền về TPL luôn là việc làm phải được ưu tiên hàng đầu và thường xuyên, liên tục.
Trưởng Văn phòng TPL Ba Đình Nguyễn Văn Lạng cũng đồng tình với nhận xét trên. Ông Lạng cho biết: “Không ít cơ quan, một số UBND, Công an cấp xã, phường chưa hiểu biết nhiều về TPL nên cán bộ và TPL còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác minh điều kiện thi hành án. Đặc biệt có nơi từ chối, không cung cấp yêu cầu xác minh của TPL, hoặc yêu cầu phải gửi lại tài liệu, hẹn thời gian đến làm việc sau. Nhiều vụ cán bộ phải đi lại nhiều lần mà không có kết quả”.
Riêng đối với việc lập vi bằng, đến nay sau một thời gian hoạt động, theo ông Lạng, TPL vẫn đang “mò mẫm” vì pháp luật hiện chưa quy định cụ thể về hình thức, nội dung vi bằng cũng như hạn chế một số việc không được lập vi bằng…
Còn theo Phó Chánh án TAND TP.Hà Nội Nguyễn Tiến Vũ, trên địa bàn Thủ đô có 31 Tòa án đang hoạt động, trong khi chỉ có 7 Văn phòng TPL được thành lập ở trung tâm các quận nội thành nên chưa đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, việc phân chia địa hạt tống đạt cũng không phù hợp. Đơn cử như Văn phòng TPL Hoàn Kiếm có trụ sở tại quận Hoàn Kiếm được tống đạt các văn bản tố tụng của TAND TP.Hà Nội và một số quận, huyện, trong đó có cả Ba Vì.
“Trong trường hợp này thì Tòa án huyện Ba Vì khi phải tống đạt giấy triệu tập cho đương sự cư trú trên địa bàn, chỉ cần đến trực tiếp sẽ nhanh hơn là chuyển cho Văn phòng TPL Hoàn Kiếm, phải mất mấy ngày sau mới nhận lại biên bản tống đạt. Do vậy, các đơn vị này chưa triển khai được việc ký hợp đồng với Văn phòng TPL”, ông Vũ nói.
Ngoài những nguyên nhân khách quan, hoạt động của TPL chưa được như mong muốn cũng không loại trừ vấn đề năng lực. Phó Cục trưởng Cục THADS Hà Nội Chu Quang Tiến nêu thực trạng: “Nhiều trường hợp tống đạt văn bản không đạt yêu cầu khiến chấp hành viên phải đi thực hiện lại. Ví dụ giao văn bản cho người khác nhận thay nhưng biên bản không ghi rõ là ai trong khi Luật THADS quy định rất rõ những đối tượng nào được nhận thay và có trách nhiệm cam kết phải giao cho người được tống đạt”. Thêm vào đó, thời gian tống đạt của TPL cũng còn chậm, trả kết quả cũng chậm nên chưa phục vụ kịp thời cho hoạt động THA; lực lượng của TPL còn mỏng, nhiều nơi chưa chuyên nghiệp.
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về Thừa phát lại
Với những kết quả sau gần 2 năm triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn TP.Hà Nội đã khẳng định chủ trương hoàn toàn đúng đắn của Đảng và Nhà nước, tuy nhiên theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Hồ Xuân Hương thì còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ. Sở Tư pháp đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật về TPL; đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với TANDTC để kiểm tra, thống nhất phương án thanh toán đối với chi phí tống đạt văn bản chưa thanh toán cho các Văn phòng TPL; nắm bắt những khó khăn của các đơn vị trong quá trình triển khai áp dụng thống nhất về quy trình tống đạt văn bản của Tòa án; chỉ đạo và hướng dẫn TAND các cấp tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thí điểm TPL về áp dụng mức kinh phí tống đạt theo quy định tại Thông tư liên tịch số 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BTC.
Để công tác đăng ký vi bằng được thống nhất tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thí điểm TPL cũng như hạn chế việc khiếu nại, tranh chấp khi Sở Tư pháp từ chối đăng ký vi bằng, Sở Tư pháp cũng đề nghị Bộ Tư pháp có văn bản hướng dẫn cụ thể để có cơ sở xác định cụ thể về phạm vi, thẩm quyền lập vi bằng của TPL, từ đó xác định được những trường hợp Sở Tư pháp từ chối đăng ký vi bằng do TPL lập; hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục đăng ký vi bằng tại Sở Tư pháp; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về TPL đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, đặc biệt là đội ngũ cán bộ công chức có liên quan trực tiếp đến hoạt động TPL.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng để hoạt động TPL thực sự hiệu quả thì chính các TPL cũng phải tự nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp để khẳng định vai trò cần thiết của mình trong đời sống kinh tế - xã hội.