Tại hội thảo, đại diện TAND TP.HCM ông Nguyễn Đức Phước cho biết: Trong những năm qua, TAND hai cấp TP.HCM luôn là địa phương dẫn đầu của cả nước về tỷ lệ thụ lý giải quyết các loại án, số lượng án thụ lý năm sau cao hơn năm trước, tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp. Trong đó, hoạt động Thừa phát lại (TPL) đã góp phần tích cực trong việc hoàn thành chỉ tiêu giải quyết các loại án.
Từ năm 2010 đến tháng 12/2014, TAND hai cấp TP.HCM đã chuyển giao công tác tống đạt cho các Văn phòng TPL thực hiện việc tống đạt tổng cộng 316.954 văn bản. Việc này đã giúp cho thư ký, thẩm phán có thời gian tập trung cho công tác chuyên môn, nghiên cứu hồ sơ, kiểm tra chặt chẽ quá trình giải quyết các loại án, giúp cơ quan Tòa án hoàn thành kết quả giải quyết án trong thời gian qua.
Công tác lập vi bằng cũng góp phần đảm bảo sự khách quan, công bằng trong quá trình giải quyết án, người dân ngày càng hiểu thêm về chế định này nên đã đón nhận một cách tích cực. Trong quá trình xét xử, Tòa án cũng đã sử dụng vi bằng làm chứng cứ để giải quyết một số tranh chấp như: Vi bằng ghi nhận hành vi giao thông báo đòi nhà, vi bằng ghi nhận hiện trạng nhà, vi bằng ghi nhận sự thỏa thuận và cam kết của các bên… giúp cho việc giải quyết án được thuận lợi.
Tuy nhiên, hoạt động TPL vẫn còn nhiều hạn chế như mỗi văn phòng TPL có biểu mẫu qui trình tống đạt khác nhau, tống đạt không đúng người được tống đạt, tống đạt không đúng qui định, thời hạn tống đạt còn vi phạm như sau khi tống đạt phải thông báo kết quả tống đạt trước 2 ngày làm việc nhưng có trường hợp đến ngày mở phiên tòa vẫn chưa có kết quả tống đạt, làm ảnh hưởng đến việc giải quyết án… Đại diện TAND TP.HCM cũng cho biết, sau khi thí điểm mô hình TPL, nhiều người đặt niềm tin vào các vi bằng chứng nhận việc chuyển
nhượng quyền sử dụng đất thông qua cam kết, thỏa thuận được TPL chứng kiến song không phải ai cũng hiểu rằng vi bằng do Văn phòng TPL cấp không phải là giao dịch đảm bảo mà chỉ là văn bản ghi nhận hành vi, sự kiện. Vì vậy, TAND TP.HCM kiến nghị Sở Tư pháp tập huấn cho các Văn phòng TPL về các nghiệp vụ tống đạt văn bản, xác minh điều kiện thi hành án dân sự (THADS) và tổ chức THA.
Có chung nhận định, đại diện VKSND TP.HCM cho rằng: Qua 5 năm triển khai thực hiện thí điểm, với sự quan tâm của cấp Bộ, ngành, địa phương, chế định TPL đã tạo được dấu ấn quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội TP.HCM. Chế định TPL đã thực sự khẳng định được vai trò quan trọng của mình trong việc hỗ trợ cho công tác tư pháp, góp phần giảm tải khối lượng lớn công việc của cơ quan THADS, TAND các cấp.
Tuy nhiên, quá trình hoạt động của TPL cũng bộc lộ nhiều yếu kém trong quá trình tổ chức THADS, về thủ tục THA có nhiều vi phạm, số lượng hồ sơ yêu cầu THA chiếm tỷ lệ rất thấp (tổng số hồ sơ, việc thụ lý của các Văn phòng TPL từ khi thành lập đến nay là 182 việc, thi hành xong 84 việc). Do đó, cần phải đề ra những giải pháp hữu hiệu hơn, phải có những qui định mới về pháp luật để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của mô hình TPL trong thời gian tới.
Phó Cục trưởng Cục THADS TP.HCM Phạm Huy Hoàng khẳng định, hoạt động TPL đã bổ trợ tích cực cho hoạt động THADS. Cụ thể như việc xác minh điều kiện THA đã giúp đương sự chủ động cung cấp điều kiện THA của người phải thi hành. Thông qua kết quả xác minh của TPL, chấp hành viên có thêm cơ sở để tổ chức THA phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả THA.
Mặc dù số lượng các vụ việc THA do các Văn phòng TPL tổ chức thi hành xong chưa nhiều nhưng tạo được yếu tố tâm lý thoải mái cho người dân khi giao dịch dân sự, người dân có quyền lựa chọn cơ quan THADS hay TPL tổ chức thi hành để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, hoạt động giữa cơ quan THA và TPL chưa ăn khớp với nhau, thiếu chủ động phối hợp tổ chức THA, giải quyết khiếu nại – tố cáo, chưa tìm được tiếng nói chung dẫn đến việc THA thêm khó khăn, phức tạp.
Các ý kiến tại Hội thảo đã tập trung đánh giá kết quả thí điểm TPL trên địa bàn TP.HCM và cùng bàn các giải pháp tháo gỡ những khó khăn cho công tác này.
Việt Nam nên xây dựng một đạo luật về Thừa phát lại
Đây là khuyến nghị của chuyên gia Pháp nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của Đoàn Hội đồng TPL quốc gia Pháp trong buổi tọa đàm mới đây.
Lãnh đạo Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp) cho biết, Việt Nam hiện đang thí điểm chế định này và thu được nhiều kết quả. Một trong những nhiệm vụ thời gian tới của Bộ Tư pháp là quán triệt và thực hiện nghiêm túc ý kiến kết luận của Chủ tịch nước tại buổi làm việc ngày 7/11/2014 về công tác THA và về triển khai thí điểm chế định TPL, trong đó thực hiện tốt tổng kết, báo cáo Quốc hội và tiến tới xây dựng Luật TPL, không làm gián đoạn hoạt động của TPL khi hết thời gian thí điểm.
Chia sẻ với thực tế và phương hướng phát triển chế định TPL của Việt Nam, các chuyên gia Pháp cũng trao đổi nhiều kinh nghiệm của Pháp liên quan đến nghề TPL như mô hình tổ chức, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động, phương thức tính phí…
Đáng chú ý hiện nay nghề TPL ở Pháp được điều chỉnh bằng Luật Beteille ngày 22/12/2010, trong đó công nhận vi bằng do TPL lập là văn bản xác thực những thông tin, là những chứng cứ chuẩn nhất có thể đưa ra trước Tòa.