Cần kiến thức pháp luật để tự bảo vệ mình
Người đưa ra ý tưởng thành lập cũng như có nhiều công sức xây dựng Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách y tế, HIV/AIDS là bác sỹ, Luật gia Trịnh Thị Lê Trâm, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách y tế, HIV/AIDS…
Bác sỹ Trịnh Thị Lê Trâm cho biết, là một người tham gia xây dựng nhiều chính sách cho người nhiễm HIV/AIDS ngay từ những ngày đầu dịch bệnh xuất hiện và bùng phát ở Việt Nam, và cũng là người chấp bút xây dựng Dự thảo Luật Phòng, chống HIV/AIDS, bà quá hiểu nỗi khó khăn và những vướng mắc mà người nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS gặp phải trong thực tế, từ việc bị đe dọa mất việc làm đến các xâm phạm quyền thừa kế, nhà ở, học hành; đặc biệt là sự kỳ thị và phân biệt đối xử trong cộng đồng, xã hội và chính từ gia đình họ.
Trong khi đó, những người nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS gần như “mù tịt” thông tin về HIV/AIDS cũng như các kiến thức pháp luật để có thể tự bảo vệ mình. Chính vì lẽ đó, bà đã nghĩ đến việc sẽ thành lập một Trung tâm để có thể hỗ trợ, giúp đỡ người nhiễm giải quyết mọi khó khăn, vướng mắc này…
Hình thành ý tưởng từ rất sớm nhưng phải đến cuối năm 2004, bác sỹ Trịnh Thị Lê Trâm mới có điều kiện thực hiện ý tưởng của mình (sau khi đã nghỉ hưu). Vốn có quan hệ và sự thiện cảm đối với nhiều tổ chức trong, ngoài nước, bà Trâm đã đặt vấn đề với một số tổ chức rồi viết Dự án gửi Hội Luật gia Việt Nam xem xét. Được sự ủng hộ của tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp này, bà Trâm và những người có chung chí hướng, tâm huyết đã cùng góp tiền, góp sức gây dựng Trung tâm.
Những ngày đầu Trung tâm ra đời, bà Trâm cho biết trụ sở không có, Trung tâm phải tìm thuê trụ sở, mang máy tính từ nhà đến để làm việc. Ban Giám đốc Trung tâm thì chấp nhận làm không lương; thậm chí phải ứng tiền túi ra để trả lương cho nhân viên. Sau khi tiếp cận được với các Dự án, bộ máy Trung tâm mới dần hình thành và đi vào hoạt động ổn định (đầu năm 2005).
Theo đó, các lĩnh vực mà Trung tâm tư vấn bao gồm: Các kiến thức cơ bản về HIV/AIDS (đường lây truyền HIV, cách phòng tránh lây nhiễm HIV, chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV, điều trị thuốc kháng ARV, các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV…); các lĩnh vực pháp luật mà người nhiễm HIV, người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV có thể gặp phải trong cuộc sống về hình sự, dân sự, lao động – việc làm, hôn nhân – gia đình, giáo dục – đào tạo, bảo trợ xã hội, bảo hiểm y tế, hành chính…
Tuy phải hoạt động trong một hoàn cảnh khó khăn như vậy nhưng thông qua các hoạt động: Tư vấn trực tiếp, tư vấn qua điện thoại, trợ giúp pháp lý lưu động..., Trung tâm đã hỗ trợ, đảm bảo nhiều lợi ích hợp pháp của người nhiễm, góp phần ổn định trật tự xã hội, trở thành chỗ dựa vững chắc về pháp lý cho người nhiễm, đặc biệt làm giảm đáng kể sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm và những người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS…
“Gỡ rối” tâm tư, vượt qua mọi rào cản
Nói đến vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm, Luật gia Trịnh Thị Lê Trâm bỗng trầm ngâm ngẫm ngợi rồi hồi tưởng về quá khứ… Ngày ấy đã xa xôi lắm rồi… Đó là thời điểm cuối năm 2006 đầu năm 2007, khi Luật Phòng, chống HIV/AIDS vừa được ban hành.
Lúc bấy giờ người dân còn chưa hiểu biết nhiều về HIV/AIDS nên sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm vẫn còn rất nặng nề. Nhận được thông tin phản ánh về một trường hợp thanh niên trẻ tuổi ở Đ.A (Hà Nội) nhiễm HIV bị gia đình làm một cái chòi trên một ngọn cây ở để tránh lây nhiễm HIV/AIDS cho những người khác trong gia đình, đích thân bà Trâm đã dẫn một nhóm cán bộ tư vấn của Trung tâm tìm đến nhà nạn nhân nọ.
Sau khi nghe một đồng đẳng viên tư vấn, mẹ nạn nhân đã ôm chầm lấy cô tư vấn viên khóc nức nở… Còn cha nạn nhân thì lầm lũi ra ngoài đạp đổ căn chòi, mang đồ đạc, quần áo của con vào nhà…
Là một trong những chuyên gia tư vấn, trợ giúp pháp lý của Trung tâm từ những ngày đầu thành lập, Luật sư Trịnh Quang Chiến cũng không thể nào quên hành trình trường kỳ đầy gian khổ để “gỡ vướng” về pháp lý cho các thân chủ của mình. Hồ sơ vụ việc ngày càng dày lên, anh càng thấu hiểu nhiều hơn về cảnh ngộ đáng thương của các nạn nhân.
Đó cũng là lý do vì sao anh và các đồng nghiệp của mình lại gắn bó với công việc mà nhiều người cho là “vô bổ” này. Và mỗi giọt nước mắt được lau khô đi là một nụ cười tỏa sáng, là hàng trăm, hàng ngàn số phận được cứu rỗi.
Trong hàng trăm, hàng ngàn vụ việc hỗ trợ người nhiễm, Luật sư Trịnh Quang Chiến không thể nào quên vụ việc xảy ra tại một trường tiểu học của tỉnh Hưng Yên. Đó là trường hợp của một cậu bé được sinh ra bởi một người mẹ nhiễm HIV/AIDS. Biết cậu bé bị nhiễm HIV, đồng loạt phụ huynh có con em theo học trong trường đã làm đơn phản đối việc nhà trường cho cậu bé đi học.
Nhờ chính quyền can thiệp, mãi tận đến lúc bước sang tuổi thứ 9 cậu bé mới được đến trường. Nhưng vừa bước chân vào lớp học, cậu đã nhận được rất nhiều phản ứng không tốt từ phía phụ huynh và học sinh. Trước sức ép từ phía phụ huynh, nhà trường đành tiếp tục cho cậu bé nghỉ học thêm 01 năm nữa.
Trước sự bất công này, gia đình đã tìm đến Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách y tế, HIV/AIDS nhờ hỗ trợ. Khi nhận được lời kêu cứu của gia đình cậu bé, Trung tâm đã hướng dẫn gia đình làm đơn gửi các cấp chính quyền, ban, ngành liên quan kêu cứu. Nhờ sự tác động này, nhà trường buộc phải tiếp nhận em.
Nhưng đến khi năm học mới bắt đầu, các phụ huynh đồng loạt bảo nhau cho con em mình nghỉ học. Vì không thể tổ chức học cho 01 học sinh, nhà trường đành phải cho cậu bé nghỉ học. Đến lúc này, các cán bộ Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách y tế, HIV/AIDS lại phải can thiệp bằng cách đề nghị chính quyền địa phương ra văn bản yêu cầu nhà trường phải tổ chức cuộc họp gấp có sự tham gia của các phụ huynh. Sau khi nghe các chuyên gia y tế và pháp luật phân tích, giải thích, nhà trường cũng như các bậc cha mẹ đã nhận thức được mọi vấn đề và tiếp tục cho con em đi học…
Lời kết
Chính vì bị xã hội kỳ thị và phân biệt đối xử, các vụ việc liên quan đến người nhiễm HIV đã phức tạp càng phức tạp và kéo dài hơn, dẫn đến các chuyên gia y tế và pháp luật phải “lao tâm, khổ tứ” nhiều hơn. Nhưng không ngại khó, ngại khổ, họ vẫn cần mẫn bám sát các thân chủ của mình trên con đường đi tìm công lý, kể cả không được nhận một đồng thù lao, kể cả phải bỏ cả tiền túi để khuyến khích các nạn nhân đến nhận tư vấn, hỗ trợ... Và cuối cùng, chiến thắng đã mỉm cười với họ. Đó cũng là những bó hoa mà cuộc sống đã ban tặng cho họ…
Kết quả sau 10 năm thành lập, Trung tâm tư vấn pháp luật và chính sách y tế, HIV/AIDS đã tư vấn cho trên 16.000 trường hợp; trợ giúp pháp lý cho hơn 10.000 vụ việc, trong đó số vụ việc giải quyết thành công chiếm tỷ lệ rất cao. Được sự hỗ trợ của Ban quản lý Dự án thành phần VUSTA – Dự Án Quỹ Toàn cầu, ngày 1/12/2014, Trung tâm tư vấn pháp luật và chính sách về y tế, HIV/AIDS đã khai trương đường dây tư vấn pháp luật miễn phí 18001029. Tính từ ngày 3/2/2014 đến ngày 25/3/2015, đường dây 18001029 đã tư vấn trợ giúp pháp lý miễn phí qua điện thoại cho 799 khách hàng.