Phát biểu tại hội thảo, đại diện TAND TPHCM ông Nguyễn Đức Phước cho biết: Trong những năm qua, TAND hai cấp TPHCM luôn là địa phương dẫn đầu của cả nước về tỷ lệ thụ lý giải quyết các loại án , số lượng án thụ lý năm sau cao hơn năm trước, tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp. Trong đó hoạt động Thừa phát lại (TPL) đã góp phần tích cực trong việc hoàn thành chỉ tiêu giải quyết các loại án.
Từ năm 2010 đến tháng 12/ 2014, TAND hai cấp TPHCM đã chuyển giao công tác tống đạt cho các Văn phòng TPL thực hiện việc tống đạt tổng cộng 316,954 văn bản. Việc này đã giúp cho thư ký, thẩm phán có thời giờ tập trung cho công tác chuyên môn , nghiên cứu hồ sơ, kiểm tra chặt chẽ quá trình giải quyết các loại án, giúp cơ quan Tòa án hoàn thành kết quả giải quyết án trong thời gian qua. Công tác lập vi bằng cũng góp phần đảm bảo sự khách quan, công bằng trong quá trình giải quyết án, người dân ngày càng hiểu thêm về chế định này nên đã đón nhận một cách tích cực.
Trong quá trình xét xử, Tòa án cũng đã sử dụng vi bằng làm chứng cứ để giải quyết một số tranh chấp như : Vi bằng ghi nhận hành vi giao thông báo đòi nhà, vi bằng ghi nhận hiện trạng nhà, vi bằng ghi nhận sự thỏa thuận và cam kết của các bên…giúp cho việc giải quyết án được thuận lợi. Tuy nhiên, hoạt động TPL vẫn còn nhiều hạn chế như mỗi văn phòng TPL có biểu mẫu qui trình tống đạt khác nhau.Tống đạt không đúng người được tống đạt, tống đạt không đúng qui định.
Thời hạn tống đạt còn vi phạm như sau khi tống đạt phải thông báo kết quả tống đạt trước 2 ngày làm việc nhưng có trường hợp đến ngày mở phiên Tòa vẫn chưa có kết quả tống đạt, làm ảnh hưởng đến việc giải quyết án. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến án quá hạn. Về chất lượng và hậu quả pháp lý của vi bằng, bên cạnh việc bổ sung nguồn chứng cứ cho Tòa án trong quá trình giải quyết tranh chấp, thực tiễn công tác thụ lý, giải quyết các vụ án tại Tòa án cho thấy, ngày càng có nhiều tranh chấp phát sinh từ các vi bằng ghi nhận việc thỏa thuận chuyển nhượng bất động sản.
Sau khi thí điểm mô hình TPL, nhiều người đặt niềm tin vào các vi bằng chứng nhận việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thông qua cam kết, thỏa thuận được TPL chứng kiến song không phải ai cũng hiểu rằng, vi bằng do Văn phòng TPL cấp không phải là giao dịch đảm bảo mà chỉ là văn bản ghi nhận hành vi, sự kiện. Vì vậy, kiến nghị Sở Tư pháp tập huấn cho các Văn phòng TPL về các nghiệp vụ tống đạt văn bản, xác minh điều kiện thi hành án, tổ chức thi hành án..
|
Ông Từ Dương Tuấn - Trưởng phòng bổ trợ tư pháp - Sở Tư pháp TPHCM |
Còn đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM cho rằng: Qua 5 năm triển khai thực hiện thí điểm, với sự quan tâm của cấp Bộ, ngành, địa phương, chế định TPL đã tạo được dấu ấn quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội TPHCM. . Đã thực sự khẳng định được vai trò quan trọng của mình trong việc hỗ trợ cho công tác tư pháp, góp phần giảm tải khối lượng lớn công việc của cơ quan thi hành án dân sự, TAND các cấp.
Tuy nhiên, quá trình hoạt động của TPL cũng bộc lộ nhiều yếu kém trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự, về thủ tục thi hành án có nhiều vi phạm , số lượng hồ sơ yêu cầu thi hành án chiếm tỷ lệ rất thấp (tổng số hồ sơ, việc thụ lý của các Văn phòng TPL từ khi thành lập đến nay là 182 việc, thi hành xong 84 việc) do đó cần phải đề ra những giải pháp hữu hiệu hơn , phải có những qui định mới về pháp luật để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của mô hình TPL trong thời gian tới.
Đại diện Thi hành án dân sự TPHCM, ông Phạm Huy Hoàng – Phó Cục Trưởng nhận định: Hoạt động TPL đã bổ trợ tích cực cho hoạt động thi hành án dân sự. Cụ thể như việc xác minh điều kiện thi hành án đã giúp đương sự chủ động cung cấp điều kiện thi hành án của người phải thi hành . Thông qua kết quả xác minh của TPL, Chấp hành viên có thêm cơ sở để tổ chức thi hành án phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả thi hành án. Mặc dù số lượng các vụ việc thi hành án do các Văn phòng TPL tổ chức thi hành xong chưa nhiều nhưng tạo được yếu tố tâm lý thoải mái cho người dân khi giao dịch dân sự, người dân có quyền lựa chọn cơ quan thi hành án dân sự hay TPL tổ chức thi hành để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên thực tiễn cho thấy, hoạt động giữa cơ quan thi hành án và TPL chưa ăn khớp với nhau, thiếu chủ động phối hợp tổ chức thi hành án, giải quyết khiếu nại – tố cáo, chưa tìm được tiếng nói chung dẫn đến việc thi hành án thêm khó khăn phức tạp.
Theo ông Từ Dương Tuấn – Trưởng phòng bổ trợ tư pháp - Sở Tư pháp TPHCM, tính đến nay trên địa bàn TP có 11 Văn phòng TPL. Trong 5 năm qua, các Văn phòng đã tống đạt 325.624 văn bản cho cơ quan Tòa án, 111. 352 văn bản cho cơ quan Thi hành án Dân sự , lập 27.739 vi bằng. Thực hiện được 375 vụ việc xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự và hoàn tất 88 vụ việc với giá trị thi hành án về tiền là 68.325.114.396 đồng. Hoạt động TPL khẳng định chủ trương xã hội hóa một số công việc liên quan đến thi hành án dân sự vào đời sống pháp luật. Tuy nhiên quá trình hoạt động cho thấy nhiều vướng mắc về thể chế (qui định pháp luật về TPL còn thiếu sót, chưa đồng bộ).
Kết quả hoạt động của các văn phòng TPL doanh thu chủ yếu vẫn là ở việc lập vi bằng, 3 mảng việc còn lại bao gồm tống đạt, xác minh điều kiện thi hành án và tổ chức thi hành án còn thấp.Từ những vấn đề tồn tại nêu trên, đề xuất Bộ Tư pháp kiến nghị Quốc hội, Chính phủ hoàn thiện về thể chế đối với hoạt động TPL, phối hợp với TAND Tối cao để kiểm tra, thống nhất phương án thanh toán đối với chi phí tống đạt văn bản chưa thanh toán cho các Văn phòng TPL.
Ngoài ra, để việc lập vi bằng được thống nhất tại các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thí điểm TPL, cũng như hạn chế việc khiếu nại, tranh chấp khi Sở Tư pháp từ chối đăng ký vi bằng đề nghị Bộ Tư pháp có văn bản hướng dẫn cụ thể để có cơ sở xác định về phạm vi, thẩm quyền lập vi bằng của TPL, từ đó xác định được những trường hợp Sở Tư pháp từ chối đăng ký vi bằng do TPL lập đồng thời hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục đăng ký vi bằng tại Sở Tư pháp.