Nhiều thanh niên không trình độ, không nghề nghiệp đã được một số công ty của người Hàn Quốc tuyển dụng để “cày” game online. Thấy có tiền, nhiều người vì nghiện game đã chấp nhận làm việc 24/24h trong một “nhà tù” ngoại bất nhập, nội bất xuất.
Công ty phần mềm nhưng lại “cày” game
Để tìm hiểu sự việc, nhóm phóng viên có mặt tại số 848 Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Phú, Quận 7,TP. HCM.
Căn nhà có một bảng hiệu rất nhỏ, rất mờ ghi chữ “công ty phần mền Tương lai Việt”. Theo giới thiệu, đây là một công ty chuyên về xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính, hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin và các dịch vụ khác liên quan đến máy vi tính, có vốn đầu tư là người Hàn Quốc.
Anh Trần Văn Hải (SN 1995, ngụ huyện Nhà Bè), là người đã “làm việc” được ba tuần trong công ty này cho biết: “Được một người bạn giới thiệu vào làm, vì thấy công ty không cần bất cứ thủ tục nào liên quan đến trình độ và nghe bạn nói “vào đó chơi game thoải mái” nên tôi mới xin vào làm. Không ngờ công ty lại là một phòng máy chuyên “cày”game online”.
Do toàn bộ những game trong công ty này đều có tiếng Hàn nên anh Hải không hiểu là game gì. Tuy nhiên, anh cho biết nó có những đặc điểm giống như game võ lâm, kiếm thế, MU… được phổ biến ở Việt Nam trong thời gian gần đây.
“Người lao động” khi vào công ty làm việc được quản lý mở sẵn trang web, cài đặt tất cả phần mềm liên quan, chỉ cần đăng nhập tài khoản và chơi cho đến khi hết giờ.
Các game thủ tại đây cho biết, loại game này có tên là LINEAGE 2 xuất xứ từ Hàn Quốc vào năm 2001. “Khi mình xin vào làm việc, họ sẽ cho một account. Account này là của một người Hàn Quốc nhưng do công việc và sự quản lý game bên đó quá chặt, vì vậy họ mới nhờ công ty “thuê” người luyện giùm. Người chơi chỉ việc đăng nhập và làm đúng những gì phía công ty đưa ra”, anh Lê Thành Minh, một game thủ khác nói.
Mỗi ngày, người chơi sẽ bị bắt buộc đánh một số lượng “quái vật” nhất định để đạt được lever mà phía bên Hàn Quốc yêu cầu. Thường thì trong ca 12 tiếng đồng hồ, những người làm việc tại đây không được nghỉ ngơi một phút nào.
Giải thích về việc “cày” thuê này, những người chơi ở đây cho biết chi phí thuê một người chơi bên Hàn Quốc khá nhiều tiền, chính vì thế những người Hàn Quốc đã qua Việt Nam dùng danh nghĩa công ty để thuê lao động rẻ tiền Việt Nam chơi game online.
“Tuyển dụng” không cần hồ sơ
Công ty này thường xuyên tuyển dụng do những người làm tại đây không chịu nổi thời gian và áp lực làm
việc. Chúng tôi hỏi xin việc tại đây, một người tự xưng là quản lý cho biết nếu có hồ sơ thì càng tốt, nếu không có, “chỉ cần có chứng minh nhân dân là được”.
Cũng theo anh Hải, khi xin vào đây, không có bất cứ một hợp đồng lao động nào. Người lao động chỉ việc điền tên vào bảng chấm công và quản lý sẽ căn cứ vào đó mà phát lương. Một người mới vào làm sẽ được thử việc với mức lương 50 ngàn đồng/ngày trong một tuần đầu.
Trong thời gian này, người chơi không cần phải tuân thủ bất cứ quy tắc nào cả, nếu mệt quá có thể nằm ngay tại ghế mà ngủ. Sau một tuần thủ việc, người làm sẽ có mức lương 4,3 triệu đồng/tháng (mỗi ngày
“cày” 12 tiếng đồng hồ) và không có thời gian giải lao.
Ngoài số tiền lương đó, người chơi sẽ nhận được một số tiền từ việc “nhặt” được các loại báu vật trong game. “Nhưng số tiền này chỉ là một số nhỏ.
Nếu có nhặt được thì những quản lý đã ăn chặn mất phần lớn. Tuy nghe nói thưởng thế mà ham, nhưng nếu “chết”, người chơi sẽ phải bù tiền vào. Có những người làm cả tháng không bù được số tiền mà mình đánh rơi “báu vật” trong một lần chết”, anh Hải nói.
Tại công ty này, người lao động có cả nam và nữ, thậm chí có rất nhiều người chưa đủ tuổi lao động. Theo lời kể của những người trong công ty, có những thiếu niên mới chỉ 14 tuổi cũng đã làm việc một thời gian dài.
Trong công ty có khoảng 100 máy và số người “làm việc” cũng tương đương. Một ca có một quản lý, một bảo vệ và có tới bốn người trông coi để đôn đốc những người chơi, để ý xem người chơi có ăn trộm đồ để bán ra ngoài hay không.
“Tiền lương đó, những người chơi thường sử dụng để ăn uống hết quá nửa, vì công ty không bao cơm”, anh Minh nói.
Theo lời anh Hải, công ty đã có đặt rất nhiều camera để quản lý người lao động và để canh chừng việc kiểm tra của công an. “Mỗi khi nghe tiếng gõ cửa của công an, bảo vệ nhìn thấy qua camera phía ngoài đường nên đã dắt xe và tắt điện. Những người chơi cũng im hơi lặng tiếng để chờ công an đi khỏi mới tiếp tục “cày””, anh Hải kể.
“Thân tàn ma dại”
Theo những “người lao động”, tại công ty nhiều lần đã xảy ra xung đột, thậm chí từng có lần hàng chục thanh niên với mã tấu và kiếm đến để thanh toán nhau. Việc mâu thuẫn này xuất phát từ việc hai game thủ ngồi sát nhau đã “đồ sát” với nhau nên xảy ra cự cãi. Dù sau sự việc này, công an phường đã có mặt để xử lý nhưng công ty này vẫn ngang nhiên hoạt động.
Anh Lê Văn Sơn (ngụ quận 8), có người thân làm việc tại đây cho biết: “Hôm đó tôi đi lãnh lương giùm, thấy rất đông người chơi và thấy nhiều người gục ngay tại bàn do quá mệt.
Bức xúc với tình trạng trên tôi đã gọi cho 113 và cả công an phường Tân Phú nhưng gọi nhiều lần vẫn không có ai đến”. Thậm chí khi anh cung cấp đầy đủ địa chỉ nhưng công an phường yêu cầu “phải có chứng cứ và mang đến công an để lập biên bản thì mới tới làm việc”.
Những người chơi ở đây đều cho biết công việc tuy được đánh giá “nhẹ nhàng”, và đánh vào tâm lý thích chơi game của nhiều người, nhưng sau một vài tuần làm việc những người chơi đã bị vắt hết sức khỏe. Nhiều người còn cho biết mắt mình đã mờ dần sau khi “cày” 12 tiếng trong một ngày.
Không xác định được công ty này hoạt động từ khi nào, chỉ biết có những người đã làm việc ở đây từ hơn hai năm nay.
Không chỉ có một công ty này, riêng trên địa bàn Quận 7 còn có một địa điểm khác (Công ty TNHH
một thành viên UMCHAN, số 480B đường Nguyễn Thị Thập, phường Tân Quy). Nhóm phóng viên Pháp luật Việt Nam đã thâm nhập vào đây, nhận thấy nơi này cũng cócách thức hoạt động giống như công ty Tương lai Việt.
Sự việc gây hoang mang dư luận, nhiều người lo sợ con em mình có thể nghiện game nếu “làm việc” tại đây.
(Còn nữa)